FPT nhận nuôi 1.000 trẻ mồ côi vì COVID: Ông Trương Gia Bình cần làm gì?

Google News

Tập đoàn FPT đã thành lập trường nuôi dưỡng, đào tạo cho 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì COVID-19 theo ý tưởng trước đó từ Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trương Gia Bình đã công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 trẻ em mất cha, mẹ vì COVID-19.
Đã sẵn sàng kinh tế nhận nuôi
Theo ông Trương Gia Bình, dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn đất nước. Dịch khiến hàng nghìn người chết, hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người lao động mất việc, đau thương hơn nữa là hàng nghìn em nhỏ mất cha, mất mẹ.
Là một tập đoàn lớn hàng đầu Việt Nam, FPT muốn góp một phần sức của mình chung tay cùng khó khăn của đất nước bằng cách nhận các em, giúp đỡ các em trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. "Với các em nhỏ mất cha, mẹ do COVID-19, tôi mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh chinh phục những đỉnh cao" - ông Trương Gia Bình nói.
FPT nhan nuoi 1.000 tre mo coi vi COVID: Ong Truong Gia Binh can lam gi?
Nhiều trẻ em mồ côi cha, mẹ vì COVID-19. 
Theo đó, FPT sẽ nhận 1.000 trẻ mất cha, mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới cho tới khi các em trưởng thành, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. “Chúng tôi cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng. Trong quá trình đào tạo đó, chúng tôi muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học” - ông Trương Gia Bình khẳng định.
FPT nhan nuoi 1.000 tre mo coi vi COVID: Ong Truong Gia Binh can lam gi?-Hinh-2
Tập đoàn FPT sẽ nhận nuôi, chu cấp cho 1000 em nhỏ đến tuổi trưởng thành. 
Theo đại diện FPT, trường sẽ mở tại FPT City Đà Nẵng, nơi có thể nuôi dưỡng, đào tạo các em từ lớp 1 đến 12 và cả Đại học.
Trường học sẽ được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân. Đây là mô hình giúp các em hoà đồng với các bạn, rèn luyện kỷ luật, dành nhiều thời gian học hành, phát triển, trở thành những người có ích cho xã hội để phục vụ quê hương đất nước.
Gia đình là nơi tốt nhất cho trẻ em
Luật sư Vũ Tuấn - Văn phòng luật sư Hưng Việt cho biết, hành động của ông Trương Gia Bình và Tập đoàn FPT là rất đáng hoan nghênh và tán dương, nhưng để nhận nuôi 1.000 em nhỏ này, cá nhân ông Bình và FPT phải chuẩn bị đầy đủ các thủ tục pháp lý, cũng như đảm bảo cơ sở vật chất.
Hiện nay, nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội trên lãnh thổ Việt Nam và cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của pháp luật. Điều này được thể hiện rõ tại Điều 3, nghị định 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính Phủ.
Những trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, có hoàn cảnh khó khăn; hoặc mất cả cha lẫn mẹ mà không còn ai nuôi dưỡng, chăm sóc thì đều thuộc đối tượng được phục vụ của các cơ sở trợ giúp xã hội, quy định tại khoản 1 điều 6 nghị định 103/2017 và điều 25 nghị định 136/2013 của Chính phủ.
Như vậy, việc Tập đoàn FPT mong muốn đóng góp của cải, vật chất và công sức vào việc tổ chức nuôi dạy các em nhỏ mồ côi cha, mẹ trong đại dịch COVID-19 là hoàn toàn đáng hoan nghênh và được Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, để thành lập cơ sở này, cần phải được đăng ký thành lập theo quy định tại Mục 2 chương III và cần đảm bảo có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực quy định tại điều 23, 24, 25 nghị định 103/2017 của Chính phủ "Quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội”:
Cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, không khí trong lành có lợi cho sức khỏe của đối tượng; có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt.”
Đối với nhân viên trợ giúp xã hội cũng cần phải bảo đảm tiêu chuẩn như: có sức khỏe để thực hiện trợ giúp xã hội đối tượng; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; có kỹ năng để trợ giúp xã hội đối tượng.
Có đội ngũ nhân viên trợ giúp xã hội bảo đảm đủ về số lượng, trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ của cơ sở.
Sau khi đã đăng ký thành lập, chủ cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập còn cần phải đăng ký cấp giấy phép hoạt động theo các quy định tại Mục 2 Nghị định nêu trên để có thể tiến hành các hoạt động trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật.
Chuyên gia Tâm lý xã hội Lê Thị Túy - Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc cho rằng, hành động nhận nuôi 1.000 em nhỏ mồ côi cha, mẹ của ông Trương Gia Bình là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện cho tinh thần, truyền thống "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam.
Việc các em nhỏ mồ côi được FPT nhận nuôi, chu cấp đến khi trưởng thành đảm bảo cho các em phát triển hết khả năng của mình trong tương lai, vì các em được sống, đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp, đầy đủ tiện nghi.
FPT là một tập đoàn lớn của Việt Nam và đã vươn ra khỏi khu vực. Việc mở trường nhận nuôi, đào tạo thay vì chu cấp cho các trẻ mồ côi thể hiện tấm lòng yêu thương con người của FPT và ông Trương Gia Bình. Thay vì chu cấp cho 1.000 em nhỏ đến tuổi trưởng thành, họ đã mở trường, nuôi dạy, tạo điều kiện cho các em được phát triển tốt nhất. Điều đó thể hiện cái tâm của ông Bình và tập thể FPT trong việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, chuyên gia Lê Thị Túy cũng bày tỏ: "Việc nuôi những đứa trẻ cần sự yêu thương, trách nhiệm đến từ người nhận nuôi. Những gia đình muốn nhận nuôi đều hết sức đáng trân quý, nhưng để nuôi dạy một đứa trẻ đến khi trưởng thành tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc. Nếu gia đình nào muốn nhận nuôi, cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần, trách nhiệm".
Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, trẻ em được chăm sóc tốt nhất là ở môi trường gia đình bởi chính cha mẹ, người thân thích. Quyền rất đặc thù của trẻ em (khác với người trưởng thành) là được sống trong môi trường gia đình và các con chỉ phát triển tốt nhất, hài hòa nhất trong môi trường gia đình, bởi chính cha mẹ và người thân thích, ruột thịt của mình…
Trong trường hợp trẻ em mất đi môi trường gia đình (mất cả cha, mẹ) hoặc không thể sống với cha mẹ, thì cần cho các em một gia đình khác thay thế để các em được chăm sóc bởi người thân thích còn lại của các em, hoặc một gia đình nhận chăm sóc các em.
Giải pháp đưa các em đến với môi trường chăm sóc tập trung như cơ sở bảo trợ xã hội, trường nội trú... chỉ là giải pháp cuối cùng khi không thể tìm cho các em một môi trường gia đình.
Cũng Nam cũng cho biết, trong số 1.500 trẻ em mồ côi tại TP HCM, mỗi em lại có số phận, có hoàn cảnh khác nhau. Cho nên, phải dựa trên thực tế là các em còn có bố hoặc mẹ, hoặc người thân nào hay không? Nếu còn thì họ có đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con họ không? Họ có thiếu gì, cần giúp đỡ gì không? Chúng ta cần lắng nghe con trẻ và người đang chăm sóc trẻ để hiểu được các em có mong muốn gì?
Nếu chúng ta thấy các con còn hy vọng ở với gia đình, người thân, thì cần hết sức hỗ trợ để các em có gia đình, mái ấm, người thân. Tất cả hỗ trợ hiện nay, cần xuất phát từ việc các em ổn định cuộc sống, trưởng thành và được đi học. 
>>> Mời quý độc giả xem video: Triệt phá đường dây buôn bán trẻ em xuyên quốc gia

Nguồn: THĐT

Hiểu Lam - Nguyễn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)