Bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp nằm trong trang 36 cuốn Đọc và trang 32 cuốn Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese" của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng làm giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất khoa Trung - Nhật đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Cụ thể, trong cuốn Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ xuất hiện bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc và có thêm "đường lưỡi bò" được in to, rõ nét. Ở cuốn Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese", cũng xuất hiện hình ảnh này nhưng in nhỏ hơn.
Đáng chú ý, sự việc trên, được các sinh viên khi sử dụng đã phát hiện ra và báo với lãnh đạo khoa và nhà trường.
Khi trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết nhà trường đã phát hiện hình ảnh "đường lưỡi bò" trong cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese”.
|
Cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" in hình bản đồ Trung Quốc có "đường lưỡi bò". |
Theo lời ông Vũ Văn Hóa, cuốn giáo trình trên mới được mua về vào đầu năm học 2019-2020. Khi phát hiện có hình ảnh “đường lưỡi bò” trong sách, ban giám hiệu đã họp và có quyết định tịch thu tất cả số giáo trình này. Một số cuốn đã được bán tới tay sinh viên cũng đã được thu hồi về để tiêu hủy.
Đáng chú ý, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, việc để xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò là lỗi của nhà xuất bản bởi nhà trường chỉ là người mua về.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc trả lời như trên là sự vô trách nhiệm của lãnh đạo trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bởi theo quy định, việc sử dụng giáo trình có hình "đường lưỡi bò" lỗi lớn thuộc về Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chứ không phải cơ quan nào khác.
Dư luận đặt câu hỏi, quy trình thẩm định giáo trình thế nào và trách nhiệm thuộc nhà xuất bản hay nhà trường?
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức tại Thông tư ban hành quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2011, cụ thể tại điều 13 nêu rõ: “Hội đồng Khoa học - Đào tạo Khoa đề xuất danh mục giáo trình cần đưa vào giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo để trình hiệu trưởng xem xét, tổ chức lựa chọn.
Sau đó, hiệu trưởng thành lập Hội đồng lựa chọn, duyệt danh mục giáo trình đưa vào sử dụng chính thức trong nhà trường. Căn cứ ý kiến của Hội đồng, hiệu trưởng xem xét và quyết định.
Hiệu trưởng có trách nhiệm xin phép chủ biên, tập thể tác giả hoặc cá nhân nhà khoa học và cơ sở đào tạo đã biên soạn để được sử dụng giáo trình theo quy định về quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ”.
Liên quan vụ việc trên, Zing dẫn lời thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp len lỏi vào tận giảng đường đại học là sự việc rất nghiêm trọng. Trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà trường.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, nguyên cán bộ Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng đây là thái độ chối bỏ trách nhiệm của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
“Để lọt “đường lưỡi bò” trong giáo trình phản ánh sự tắc trách từ ban giám hiệu, khoa, bộ môn, cho đến giảng viên của khoa Trung - Nhật của trường này. Với những người thầy như vậy, sinh viên trường này sẽ học được những gì?”, Tiến sĩ Chu nêu ý kiến.
Thời gian qua, tại Việt Nam, “đường lưỡi bò” phi pháp liên tục được phát hiện như trường hợp cài cắm bản đồ đường lưỡi bò vào phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ; “đường lưỡi bò” phi pháp trên mẫu xe SUV Volkswagen Touareg trưng bày tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show 2019) hay việc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cung cấp cho du khách cuốn cẩm nang ảnh giới thiệu về các điểm du lịch tại Phượng Hoàng cổ trấn và Trương Gia Giới (Trung Quốc) có hình ảnh bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” phi pháp…Tất cả những vụ việc trên ngay khi được phát hiện đều đã và đang được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bởi "Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".
Do vậy, “Đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc bị nhiều quốc gia trên thế giới phản đối chứ không riêng gì Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam không thừa nhận việc tuyên bố chủ quyền biển đảo đơn phương từ phía Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và công ước luật biển năm 1982. Việc tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò đã xâm phạm nghiêm trọng đến Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam.
Bởi vậy, mọi hành vi tuyên truyền, cổ xuý cho đường lưỡi bò phi pháp này đều là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Dư luận cho rằng, cần xử lý nghiêm sự việc "đường lưỡi bò" phi pháp nằm trong giáo trình của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội theo đúng quy định pháp luật.
Mới đây, trao đổi với báo chí, Phó chủ nhiệm khoa Tiếng Trung - Nhật, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - Đào Thị Thúy Hằng cho biết, cuốn sách “Developing Chinese” có hình "đường lưỡi bò" phi pháp được sinh viên thực tập mua ở Trung Quốc tặng khoa từ 3 năm trước, tuy nhiên, học kỳ này khoa mới sử dụng.
Phó chủ nhiệm khoa Tiếng Trung - Nhật cho biết theo quy định, giáo trình sẽ được Hội đồng thẩm định Khoa học và Đào tạo nhà trường phê duyệt. Khoa Tiếng Trung - Nhật có sai sót khi dùng sách trước khi hội đồng phê duyệt. Sau khi sử dụng được vài tuần, giáo viên trong khoa và Hội đồng thẩm định Khoa học và Đào tạo phát hiện ra.
Bà Hằng nhận trách nhiệm vì khoa Tiếng Trung - Nhật đã sai sót trong quá trình tìm hiểu cuốn sách, chỉ tập trung ngữ pháp, phương pháp giảng dạy, kết cấu bài học, mà không xem kỹ hình vẽ và thừa nhận sai sót khi để lọt hình ảnh 'đường lưỡi bò'.