Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, 8 kẻ bị cơ quan công an Nghệ An bắt giữ đều có con, em, người thân làm việc ở Anh, sang Anh rất nhiều lần. Những người này làm ăn được nên từ bên Anh móc nối người thân ở quê tổ chức cho những ai muốn sang Anh, còn họ sẽ đón ở bên kia.
"Theo điều tra của chúng tôi, mọi người khi muốn sang bên Anh thì có những người nộp đến 49.000 USD, tức là gần 1 tỷ đồng và có một số người nộp 600 - 700 triệu đồng. Tất cả những người chúng tôi đang nghi vấn ở bên Anh đều đi qua sân bay quốc tế Nội Bài và bay sang đó hợp pháp.
Khi họ xuất cảnh, các giấy tờ đều đi từ sân bay Nội Bài chứ không phải đi chui lủi qua Lào, Campuchia", ông Cầu cho hay.
Tướng Nguyễn Hữu Cầu nói, bản thân ông cho rằng đây không phải là đường dây đưa người sang nước ngoài trái phép chuyên nghiệp nhưng đã có những người từ đường dây này qua nước ngoài trót lọt.
Năm 2017, 2018 đều có người qua trót lọt và đặc biệt số người bị nghi vấn trong vụ việc ở Anh chủ yếu là từ tháng 4 - 8/2019", ông cho biết thêm.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, từ 23/10, cơ quan công an nắm bắt thông tin về vụ việc 39 người chết ở Anh.
"Ngày 24/10, Công an Nghệ An khai thác thông tin ở nước ngoài, đặc biệt những trang thông tin của bà con Việt Kiều về nghi vấn rằng trong số 39 người tử vong có người Việt Nam chứ không phải chỉ riêng người Trung Quốc.
Đến 27/10, chúng tôi lập chuyên án trinh sát đấu tranh. Tới 2/11, sau khi xem lại tình hình, chúng tôi thấy rằng phải khởi tố vụ án để ngăn chặn các đối tượng liên quan bỏ trốn.
Chúng tôi lập danh sách các đối tượng nghi vấn đưa người ra nước ngoài, điều tra xem những đối tượng này từng đưa những ai ra nước ngoài. Khi có đủ căn cứ, chúng tôi khởi tố vụ án.
Chiều 2/11, Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ đối tượng đầu tiên. Đến sáng 3/11, bắt tiếp 7 đối tượng. Các đối tượng bị bắt giữ đều khai nhận hành vi đưa người ra nước ngoài trái phép", tướng Cầu tiết lộ.
Theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, trong số 8 người bị bắt giữ, không thể nói rõ được họ đưa đi bao nhiều người. Nhưng ít nhất mỗi người đưa đi 1 người và con số chính xác sẽ được công bố sau. Tướng Cầu cũng khẳng định những người bị bắt giữ là có căn cứ và đúng pháp luật.
Về các ý kiến của một số đại biểu Quốc hội nói vụ việc là buôn người, ông Cầu phủ nhận, khẳng định đây không thể là buôn người vì họ ra nước ngoài để làm ăn, họ nộp tiền. Không ai bỏ ra 1 tỷ đồng để người khác đi buôn mình.
"Với Pháp luật Việt Nam hiện nay, đây là tội tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài. Còn các đối tượng mà chúng tôi muốn nói tới là người Việt Nam sang Anh, từ Anh tạo điều kiện để giúp đưa người Việt Nam sang Anh ở lại một cách trái pháp luật thì dứt khoát phải xử lý", ông nhấn mạnh.
Liên quan tới việc xác minh những người nghi là nạn nhân trong thảm kịch ở Anh, ông Cầu cho biết, khi sự việc xảy ra, trong quần chúng nhân dân có hàng trăm, hàng nghìn tai mắt. Từ đó họ phân tích nhà ai có người thân đi và ai đưa đi. Cơ quan điều tra chỉ cần đến đó, sàng lọc dần sẽ ra được. Từ đó kiểm tra xác minh họ đi bằng đường nào, phương thức đi ra sao.
Vị Thiếu tướng nói thêm rằng, trong quá trình điều tra, nếu phát hiện vai trò của những người bị bắt giữ là thứ yếu thì có thể loại họ ra. Nhưng đồng thời, công an cũng mở rộng ra để xem còn bao nhiêu người đứng sau họ, bởi vì đây là quá trình phạm tội trong nước và cả bên Anh. Người ở Việt Nam chỉ là người môi giới, còn người bên Anh mới là người trực tiếp cho họ ở nước ngoài trái phép.
"Chắc chắn sẽ còn phát sinh các đối tượng khác. Do đó không thể khẳng định hiện tại có bao nhiêu đối tượng, nhưng đó là các đối tượng chúng ta bắt và quá trình điều tra sẽ mở rộng đối tượng liên quan ở Việt Nam. Đối tượng người Việt Nam tại Anh cũng phải bị xử lý vì hành vi này nếu họ cấu thành tội tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép", ông nhấn mạnh.