Chiều nay (4/11), TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục phiên xét xử đối với bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Buổi sáng cùng ngày, sau phần khai mạc, luật sư đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập 2 công ty thẩm định giá nhưng không được chấp thuận.
Đến buổi chiều, sau khi công bố cáo trạng, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư Hà Nội) là người bào chữa cho bị cáo Khanh cho rằng các văn bản ủy thác tư pháp của bà Nguyễn Hiệp Hảo chưa được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt nên đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa để dịch tất cả các tài liệu trên nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng các tài liệu này sẽ được làm rõ trong quá trình xét hỏi của vụ án. Phản bác lại, luật sư Quynh cho rằng với tài liệu đang dưới dạng tiếng Anh, HĐXX không thể làm rõ trong quá trình xét hỏi của vụ án.
Luật sư Quynh cho rằng, đây là chứng cứ quan trọng của vụ án, bà Hảo là người có tài sản trong vụ án, đồng thời hồ sơ cũng thể hiện bà Hảo là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, nếu HĐXX tiếp tục phiên tòa thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các bên liên quan.
Trước ý kiến trên, Hội đồng xét xử đã phải nghị án suốt 1 giờ đồng hồ và chiều 4/11 đã đưa ra quyết định hoãn phiên tòa để thực hiện đề nghị trên. Dự kiến phiên tòa tiếp tục diễn ra vào các ngày 18,19, 20/11.
Theo cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Bình Dương nêu rõ, bà Hồ Thị Hiệp (đã qua đời) và con gái là Nguyễn Hiệp Hảo (43 tuổi, đang định cư tại Mỹ) thành lập 2 công ty để sản xuất kinh doanh. Bà Hiệp đã cầm cố hàng chục ha đất tại BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn để vay hàng chục tỷ đồng.
Thấy Bà Hiệp không thể trả nợ, cán bộ BIDV Tây Sài Gòn đồng ý cho bà bán đất đã thế chấp để trả nợ ngân hàng. Việc bán đất này phải có sự giám sát của cán bộ ngân hàng.
Qua người môi giới, ông Khanh (lúc bấy giờ đang là Phó Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát) biết bà Hiệp muốn bán đất nên tới hỏi mua. Bà Hiệp cho biết số đất định bán đang thế chấp ở BIDV nên ông Khanh yêu cầu bà Hiệp phải xin được giấy ngân hàng xác nhận cho bà Hiệp bán đất thì ông Khanh mới mua.
Bà Hiệp tới ngân hàng trình bày thì cán bộ ngân hàng đồng ý. Sau đó, 3 bên gồm ông Khanh, bà Hiệp và cán bộ ngân hàng đã ký hợp đồng chuyển nhượng đất (hợp đồng 3 bên).
Từ năm 2012 đến năm 2015, ba bên đã làm hợp đồng mua bán tài sản thế chấp 4 lần. Tổng cộng ông Khanh mua được hơn 18 ha đất mà bà Hiệp cầm cố tại BIDV.
Cơ quan tố tụng Bình Dương cho rằng vụ mua bán này là sai quy định, quy trình xử lý tài sản thế chấp, gây thiệt hại, thất thoát cho nhà nước vì BIDV là ngân hàng thuộc nhà nước.
Theo cơ quan tố tụng, hơn 18 ha đất mà bà Hiệp thế chấp trị giá hơn 45 tỷ đồng nhưng sau khi bán cho ông Khanh ngân hàng chỉ thu về được hơn 10 tỷ đồng, nhà nước lỗ hơn 35 tỷ đồng. Từ đó, ông Khanh và cán bộ ngân hàng bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Trước khi phiên tòa mở, gia đình bị cáo Nguyễn Hồng Khanh đã gửi đơn kêu oan, cho rằng cơ quan tố tụng Bình Dương đã hình sự hóa quan hệ dân sự (mua bán, sang nhượng đất).