Mới đây, thông tin một cầu thủ chia sẻ rằng khi anh quay trở lại đội bóng sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự thì bị câu lạc bộ ra quyết định kỷ luật trừ 80% lương và chuyển xuống đội trẻ với lý do tự ý nghỉ việc đã gây xôn xao cộng đồng mạng.
Từ đó, nhiều bạn đọc thắc mắc là với những người đang thực hiện hợp đồng như người lao động, viên chức đang thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà có lệnh gọi nhập ngũ thì sẽ xử lý như thế nào?
|
Thanh niên TP Đà Nẵng nhập ngũ năm 2021. Ảnh: BÙI TOÀN
|
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM), theo Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 về các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì trường hợp người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ sẽ được tạm hoãn thực hiện hợp đồng.
Như vậy, trường hợp người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động mà có lệnh gọi nhập ngũ thì đây là trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Cạnh đó theo LS Hòa, Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc nhận lại người lao động khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.”
Như vậy, trong vòng 15 ngày, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ quân sự người lao động phải quay trở lại làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
Đồng tình, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nghĩa vụ quân sự là một trong những nghĩa vụ bắt buộc đối với công dân. Dù đang thực hiện hợp đồng lao động thì cũng sẽ tạm hoãn để đi nghĩa vụ quân sự.
Cũng theo LS Hoan, trong trường hợp người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ một tuần trở lên thì được tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày tạm nghỉ nhưng tối đa không quá một tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng. Tuy nhiên, đối với trường hợp người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương (theo Điều 101 BLLĐ 2019).
Cạnh đó, đối với việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc của viên chức được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động (Điều 28 Luật Viên chức 2010, sửa đổi bổ sung năm 2019). Vì vậy, các chế độ đối với viên chức khi nhập ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự cũng tương tự như đối với người lao động khi thực hiện hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự sẽ được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên theo Điều 1 Thông tư số 03/2021/TT-BNV về sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.