Thời gian qua, nhiều địa phương xảy ra trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam như ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh...
Tình trạng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc xâm nhập vào nước ta bất hợp pháp trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch. Đồng thời, sự việc trên cho thấy sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam của cơ quan chức năng.
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ ngày 25/7, về phòng chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an làm rõ đường dây đưa người vào nước ta trái pháp luật. "Họ đi bằng đường dây nào, trách nhiệm thuộc về ai?” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truy vấn.
|
Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Quảng Nam. Ảnh: PLO |
Công tác quản lý nhà nước về đường biên còn lỏng lẻo
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong công tác xuất nhập cảnh hiện nay, việc quản lý đường hàng không, đường biên ở cửa chính rất chặt chẽ. Tuy nhiên, tại các đường mòn, lối mở hiện nay việc kiểm soát còn chủ quan lơ là, dẫn đến một số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam mà chúng ta không phát hiện được.
“Từ biên giới hoặc đường biển, họ đi tới Đà Nẵng, Quảng Nam họ lưu trú rồi chúng ta mới phát hiện được. Điều này cho thấy trong công tác quản lý nhà nước về đường biên còn rất lỏng lẻo. Nếu nói về trách nhiệm thì không quy được cụ thể cá nhân nào, nhưng qua đây đặt ra vấn đề phải tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật liên quan việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam” - đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi: Người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để làm gì? Hoạt động thế nào? Sao có việc họ đi từ biên giới vào tận Quảng Nam, Đà Nẵng mới bị phát hiện?
“Đây là những vấn đề cần phải truy xét tận gốc rễ để chúng ta rút kinh nghiệm và có biện pháp ngăn chặn phòng ngừa. Tôi rất nghi ngờ ca nhiễm COVID-19 là do những người này lây lan, để giờ người dân trong cả nước, đặc biệt người dân Đà Nẵng rất hoang mang, lo sợ về dịch bệnh này. Trong quản lý nhà nước, chúng ta không nên lơ là, mất cảnh giác, không nên để “mất bò mới lo làm chuồng”, bởi rất nguy hiểm” - đại biểu Hòa nêu ý kiến.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Theo đại biểu Hòa, với người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, chúng ta phải kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn, phải ngăn chặn kịp thời những hành vi này, đặc biệt những trường hợp nhập cảnh trái phép.
“Chúng ta không thể biết họ có nhiễm bệnh hay không và họ cũng không được cách ly 14 ngày để phát hiện bệnh tật. Bên cạnh đó, có thể mục đích họ đến để phá hoại an ninh, kinh tế, đặc biệt trong dịch bệnh COVID-19. Khi họ nhiễm bệnh thì rất có nguy cơ lây lan ngoài cộng đồng khiến đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, người dân hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Do đó, không nên vì một lý do nào đó về tình cảm hay ngoại giao mà chúng ta du di mà phải luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên hết tất cả vấn đề đó, để đảm an toàn tuyệt đối cho người dân” - đại biểu Hòa cho hay.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Liên quan vụ việc người Trung Quốc nhập cảnh, lưu trú trái phép, mới đây, Công an Đà Nẵng và Công an Quảng Nam đã phối hợp điều tra để triệt phá đường dây này. Đồng thời, khởi tố 3 người trong đó 2 người Việt (1 ở Quảng Nam, 1 ở Đà Nẵng) người còn lại quốc tịch Trung Quốc.
Ngoài ra, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng ở thành phố Móng Cái do có hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” khi đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Do đó, hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự để đảm bảo an ninh an toàn cũng như phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.
Việc nhập cảnh vào nước ta phải đảm bảo các điều kiện theo quy đinh của pháp luật. Mọi trường hợp nhập cảnh trái phép đều được coi là hành vi vi phạm pháp luật và tuỳ từng tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình như sau: “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép...”.
Trong trường hợp người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về trường hợp trên mà còn vi phạm thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép theo Điều 347 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó, người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Luật sư Cường cho rằng, đối với những đối tượng biết mình nhiễm COVID-19 nhưng cố tình nhập cảnh vào Việt Nam, cư trú trái phép hoặc thực hiện các việc hành vi đi lại, giao tiếp không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ ngoài hành vi nhập cảnh trái phép, các đối tượng vi phạm còn vi phạm các quy định nào khác hay không để xử lý theo quy định pháp luật. Những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử phạt hành chính, nếu đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Theo luật sư Cường: “Nếu để lọt các đối tượng này không chỉ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại mà còn ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội. Bởi lẽ, một số đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích hoạt động phi pháp, thực hiện những hành vi trái pháp luật như sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tổ chức đánh bạc trên mạng internet với quy mô xuyên quốc gia hay gây bạo động lật đổ chính quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị. Việc kiểm soát an ninh đối với người nước ngoài là thật sự cần thiết. Nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép cần xử lý thật nghiêm để thể hiện tính răn đe, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội”.
Đồng thời, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép, các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cần tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, quản lý chặt chẽ người ngoài nhập cảnh; Tăng cường phối hợp với Bộ đội biên phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới Việt - Trung làm tốt công tác quản lý công dân nhập cảnh, nhất là các đường tiểu ngạch. Đồng thời, tăng cường công tác nắm địa bàn, đẩy mạnh công tác điều tra, phát hiện những người nhập cảnh, dẫn dắt đưa người nhập cảnh trái phép để xử lý kịp thời.
Xét xử nghiêm minh các vụ việc nhập cảnh trái phép
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm soát các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Đồng thời, Bộ Công an, UBND tỉnh, thành phố rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, coi các trường hợp nhập cảnh trái phép như các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để áp dụng các biện pháp cách ly y tế và xử lý theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới, nhất là tại các đường mòn, lối mở, cửa khẩu; tăng cường việc kiểm tra, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án khẩn trương xem xét, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc nhập cảnh trái phép, trước hết là tại Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và thông tin kịp thời, bảo đảm răn đe, phòng ngừa chung; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cơ sở lưu trú tiếp nhận người nhập cảnh trái phép.
>>> Mời độc giả xem thêm video Quảng Ninh: Bắt 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép