Dự thảo Luật đất đai sửa đổi cần đặt nhân dân vào vị trí trung tâm

Google News

Theo luật sư Trương Anh Tú, cụm từ “cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” cần thay thành “nhân dân vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.

Tham gia góp ý Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (TAT Law Firm) cho rằng, Dự thảo lần này đã đảm bảo khoa học, tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Tuy nhiên, theo luật sư Trương Anh Tú, Dự thảo quy định việc lấy ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện ngoài lấy ý kiến các cơ quan ban ngành còn lấy ý kiến của “cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” là khá chung chung không thấy rõ được yếu tố “nhân dân”, cần đặt nhân dân vào vị trí trung tâm để lấy ý kiến khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bởi việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đất tác động chính tới người dân, làm thay đổi hiện trạng sinh sống của họ nên người đầu tiên phải xin ý kiến là nhân dân.
Tuy nhiên, trong dự thảo quy định việc lấy ý kiến lại không đưa nhân dân vào vị trí trung tâm. Do đó, cụm từ “cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” cần thay thành “nhân dân vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” để đảm bảo việc lấy ý kiến người dân tại các vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Du thao Luat dat dai sua doi can dat nhan dan vao vi tri trung tam
Luật sư Trương Anh Tú. 
Luật sư Tú nhận định, Dự thảo Luật đất đai, các chế định về quy hoạch chưa giải quyết được vấn đề bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt là những quy hoạch treo, dự án kéo dài hàng chục năm, người dân vùng quy hoạch bị tác động trực tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ không được giải quyết. Đời sống người dân rất vất vả họ không thể thực hiện bất kỳ hoạt động gì đối với nhà đất của mình vì những quy hoạch treo, nhà cửa hư hại xuống cấp thậm chí nguy cơ đến tính mạng nhưng không được sửa chữa, không thể thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng…
Do đó, cần bổ sung thêm điều khoản trong phần Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giải quyết quyền lợi cho người dân tại vùng quy hoạch. Cụ thể: Đối với những quy hoạch ảnh hưởng đến đời sống người dân mà phải thay đổi chỗ ở thì kể từ thời điểm phê duyệt quy hoạch thì phải hoàn thành việc bồi thường, tái định cư đảm bảo ổn định đời sống nhân dân trong thời hạn 05 năm. Hết thời hạn không thực hiện được quy hoạch thì điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng đảm bảo ổn định nơi ở người dân.
“Khoản 2 điều 78 Dự thảo quy định các dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, trong đó có liệt kê Dự án đô thị sử dụng các loại đất không là đất ở; Dự án khu dân cư nông thôn sử dụng các loại đất không phải là đất ở. Thực tế cho thấy các dự án này đem lại lợi ích cho nhà đầu tư nhiều hơn so với lợi ích quốc gia công cộng. Những dự án này được xây dựng và tung ra thị trường các căn hộ, khu nhà liền kề hoặc biệt thự…với mức giá mà người thu nhập thấp hoặc trung bình khó có thể mua được. Những người có nhu cầu thực sự lại không thể mua nhà, không đáp ứng được nhu cầu chỗ ở thực sự đông đảo người dân.
Theo đó, nhiều người có điều kiện lại dư thừa về chỗ ở, mua nhà để trống dẫn đến có những khu đô thị vắng vẻ không thể phát triển được các tiện ích, dịch vụ xung quanh do không có dân ở. Như vậy, lợi ích công cộng không đạt được. Do đó, cần điều chỉnh lại tên điều luật bỏ cụm từ ‘vì lợi ích quốc gia công cộng’. Theo đó tên điều luật điều chỉnh thành ‘Thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội’”, luật sư Trương Anh Tú nói về nội dung thu hồi đất.
Chủ tịch TAT Law firm cũng đề nghị lưu ý đối với Dự án cải tạo, xây dựng lại khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch. Với nội dung này dự án phải đảm bảo 2 yếu tố “xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng” và “không phù hợp với quy hoạch”. Như vậy, nếu chỉ có một yếu tố “xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng” mà phù hợp với quy hoạch thì không thu hồi để thực hiện việc cải tạo xây dựng lại sẽ có những nguy cơ không đảm bảo an toàn. Do đó, không cần đưa yếu tố “không phù hợp với quy hoạch” trong trường hợp này. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể rõ ràng về mức độ xuống cấp nghiêm trọng.
Về thẩm quyền thu hồi đất, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, Dự thảo quy định UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất đối với cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư…giống như Luật đất đai 2013. Điều này dẫn đến những bất cập trong thực tiễn.
Nếu vẫn để UBND huyện thu hồi đất thì tới đây tiếp tục sẽ có nhiều bức xúc trong nhân dân...
Theo đó, nếu UBND huyện thu hồi thì các khiếu kiện của người dân được thực hiện tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong địa bàn tỉnh, kết quả giải quyết thường chính quyền, cơ quan trong cùng địa phường bảo vệ nhau, không đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Hơn nữa, UBND cấp huyện không phải ở địa phương nào cũng có kinh nghiệm trong hoạt động thu hồi đất, một số yếu tố chủ quan, khách quan như năng lực cán bộ, nguồn lực không đảm bảo. Do đó, cần giao thẩm quyền thu hồi đất cho UBND cấp tỉnh để đảm bảo tính thống nhất cũng như quyền lợi cho nhân dân khi phát sinh khiếu kiện", luật sư Trương Anh Tú góp ý.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) góp ý về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi): 

(Nguồn THQH)

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)