Đu dây văng cầu Cửa Hội: Hiểu sao về ý thức người Việt?

Google News

Hành vi tụ tập đông người, lấn lòng đường, đu dây văng trên cầu Cửa Hội thể hiện ý thức kém, sự tùy tiện, tính thích khoe khoang của một bộ phận người Việt, đa số là giới trẻ.

Sự việc hàng trăm người dân tập trung, đu dây văng trên cầu Cửa Hội (bắc qua sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh) để chụp ảnh trong những ngày tết Nguyên đán 2021 một lần nữa cho thấy ý thức kém của một bộ phận người Việt.
Hành vi này không chỉ gây ách tắc giao thông trên cây cầu 950 tỷ vừa mới thông xe kỹ thuật (từ ngày 6/2) để phục vụ nhu cầu đi lại dịp tết Nguyên đán cho người dân, mà còn tiềm ấn nguy hiểm đến chính tính mạng của những người dân tập trung trên cầu.
Du day vang cau Cua Hoi: Hieu sao ve y thuc nguoi Viet?
Hành vi tụ tập đông người, lấn lòng đường, đu dây văng trên cầu Cửa Hội thể hiện ý thức kém, sự tùy tiện, tính thích khoe khoang của một bộ phận người Việt. Ảnh: Tiền Phong.
Trao đổi với PV, PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho biết, các công trình xây dựng giao thông như cầu đường những năm gần đây là điều đáng mừng của đất nước nhưng vấn đề có ý nghĩa rất lớn là người dân bảo vệ, chấp hành về mặt luật pháp trong việc sử dụng các công trình giao thông này như thế nào.
“Hiện tượng một bộ phận người Việt, đa số là giới trẻ trong dịp lễ, Tết, đầu xuân tập trung vui chơi trên những con đường, đặc biệt là hệ thống một số cây cầu mới được xây dựng và đưa vào sử dụng đấy là hành vi không thể chấp nhận được. Bởi hành vi đó vi phạm pháp luật về mặt an toàn giao thông, thể hiện ý thức kém khi lợi dụng những ngày xuân để vi phạm là không tốt.
Hơn nữa, ngày xuân, vui chơi, hiếu kỳ đến mấy cũng phải đảm bảo về mặt an toàn cho chính mình và những người khác. Việc vui chơi một cách quá trớn như vậy là rất đáng phê phán trong lối sống của một bộ phận người Việt ngày hôm nay” - PGS.TS. Lâm Bá Nam nói.
Qua sự việc trên, PGS.TS. Lâm Bá Nam chỉ ra rằng, một bộ phận người Việt thích khoe khoang, muốn sự khác người trên mạng xã hội. Cụ thể, cây cầu Cửa Hội vừa mới xây dựng lại bắc qua sông Lam ở vị thế đẹp có thể nhìn ra biển, do đó không ít người bất chấp nguy hiểm để tụ tập chụp ảnh để khoe trên mạng xã hội.
“Tất nhiên tôn trọng họ trên mạng xã hội nhưng rõ ràng việc khoe khoang một cách quá trớn trên mạng xã hội là điều đáng chê trách, để có ảnh khoe mạng xã hội mà bất chấp nguy hiểm tính mạng bản thân và những người khác thì đáng phê phán. Anh làm gì thì làm phải giữ lại cội nguồn văn hóa của chính mình. Hành vi này thể hiện một sự tùy tiện, được tự do hành động nhưng lại không biết tôn trọng chính bản thân mình trong sự tự do ấy” - PGS.TS. Lâm Bá Nam nêu ý kiến.
Du day vang cau Cua Hoi: Hieu sao ve y thuc nguoi Viet?-Hinh-2
 PGS.TS. Lâm Bá Nam.
PGS.TS. Lâm Bá Nam cũng nói rằng, người Việt thường quên trong các hành động của mình gây khó chịu, thậm chí ảnh hưởng cho người khác. Sự tùy tiện trong bản thân con người một bộ phận người Việt ngày hôm nay rất đáng phê phán.
“Rõ ràng chỉ trong một bộ phận giới trẻ. Những người có hiểu biết, người ta không hành động như vậy” - PGS.TS. Lâm Bá Nam nói và cho rằng, đây là một hiện tượng mới trong đời sống xã hội khi mạng xã hội xuất hiện và phát triển.
Theo PGS.TS. Lâm Bá Nam để giải quyết căn cốt của vấn đề này phải gắn liền với hệ thống về mặt giáo dục của Việt Nam. Hệ thống này gắn liền nhà trường, gia đình và xã hội.
“Xã hội cùng cần phải tổ chức lên án. Ngoài việc tuyên truyền về mặt thói hư tật xấu gắn liền với tính hiện đại, giữ thuần phong mỹ tục thì cần phải phê phán. Trong tuyên truyền của ta hiện nay, tính phê phán rất ít, chủ yếu vẫn mang tính về mặt khuyên nhủ. Do vậy, cần tuyên truyền mang tính về mặt luật pháp nữa. Bởi khuyên nhủ trong nhiều trường hợp, tác dụng rất kém. Phải đặt trong toàn bộ bối cảnh, hệ thống của chúng ta khi xây dựng con người của thời đại công nghiệp hiện nay. Con người phải có trí tuệ, gắn với cộng đồng và trách nhiệm cá nhân của mình” - PGS.TS. Lâm Bá Nam nêu ý kiến.
Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định thông xe kỹ thuật cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh từ ngày 6/2-15/3 phục vụ nhu cầu đi lại dịp tết Nguyên đán cho người dân 2 tỉnh. Các loại xe thô sơ, mô tô, xe gắn máy, ô tô dưới 15 chỗ và xe tải dưới 1,5 tấn được qua cầu với tốc độ tối đa 50 km/h.
Tuy nhiên, thời điểm tết Nguyên đán, do cầu Cửa Hội có vị thế đẹp khi bắc qua sông Lam, đứng trên cầu có thể nhìn ra biển nên hàng trăm người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tập trung trên cầu để chụp ảnh.
Để có những tấm hình đẹp, người dân bất chấp nguy hiểm đứng lấn ra làn đường, đu dây văng để chụp hình. Cùng với đó, lòng đường trên cầu cũng được tận dụng để đỗ xe. Hành vi trên tiềm ẩn ách tắc, nguy cơ mất an toàn giao thông khiến không ít người bức xúc, lên án.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tranh chấp đất đai và ý thức chấp hành pháp luật

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

 
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)