Dự án Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bắc Ninh: “Có thể hủy thầu"

Google News

Sai phạm trong công tác đấu thầu dẫn đến nhiều hệ quả, lãng phí công sức, tiền bạc… nên tổ chức, cá nhân vi phạm phải kỷ luật, phạt hành chính, cấm tham gia đấu thầu hoặc có thể bị xử lý hình sự.

Như đã phản ánh ở bài viết “Dự án Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bắc Ninh: Nhà thầu có dấu hiệu gian lận” ở Gói thầu số 4, dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh (do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư). Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH xây dựng Phật Tích, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Bắc Ninh và Công ty thang máy Phúc Thành bị “tố” gian lận, không đáp ứng HSMT.
Trao đổi với PV, luật sư Mai Thảo – Phó Giám đốc Công ty luật TAT Law Firm đã đưa ra những nhận định, phân tích các tình tiết, dấu hiệu vi phạm trong vụ việc dưới góc độ pháp lý.
“Có dấu hiệu kê khai gian dối cần hủy thầu… có thể xử lý hình sự”
Về việc, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Bắc Ninh với tư cách thành viên liên danh kê khai Hợp đồng số 21/2019/HĐXD (Thi công xây dựng, thuộc Gói thầu số 10: Hệ thống phòng cháy chữa cháy, phòng chống mối) để chứng minh năng lực kinh nghiệm thi công công trình, kê khai hợp đồng trên là cấp công trình II nhưng thực chất tại công văn số 1475/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án nêu rõ đây là dự án nhóm B, công trình dân dụng cấp III. Luật sư Thảo cho rằng, trong hồ sơ đấu thầu thì Công ty trúng thầu có dấu hiệu gian lận Hồ sơ đấu thầu cụ thể là kê khai sai, gian dối về kinh nghiệm trong Hồ sơ năng lực để đáp ứng yêu cầu, kinh nghiệm cụ thể được nêu ra trong Hồ sơ mời thầu. Như vậy đã vi phạm quy định về các hành vi bị cấm theo điều 89 Luật Đấu thầu. Hậu quả của việc kê khai gian dối thì sẽ bị hủy thầu theo quy định tại khoản 3, khoản 4 điều 17 Luật đấu thầu đối với các trường hợp: “Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu” hay “Có bằng chứng về việc ..... gian lận,....dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”.
Du an Trung tam kiem soat benh tat Bac Ninh: “Co the huy thau
Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Bắc Ninh với tư cách thành viên liên danh có dấu hiệu kê khai gian dối năng lực, kinh nghiệm để trúng thầu.
Trong Hồ sơ dự thầu, yếu tố gian lận của bên mời thầu thể hiện ở ở kê khai công trình cấp III lên cấp II để trúng thầu và chứng minh năng lực kinh nghiệm thi công công trình tương tự chỉ là thành viên liên danh chứ không phải thực hiện 100% giá trị hợp đồng. Việc gian lận đã vi phạm điều 17 Luật Đấu thầu 2013 nêu trên, vì vậy hành vi trên của bên mời thầu có thể là căn cứ hủy thầu theo quy định pháp luật.
Luật sư Thảo phân tích thêm: “Về hồ sơ dự thầu, tổ chức, cá nhân nào có nhiệm vụ, quyền hạn mà sai phạm trong quá trình hiện công việc thì tại khoản 4 điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 cũng quy định rõ các hành vi gian lận trong đấu thầu ‘Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư’. Về trách nhiệm của người đánh giá hồ sơ thầu thì hành vi gian lận được cụ thể là ‘cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư’.
Vậy việc sai phạm trong công tác đấu thầu dẫn đến những hệ quả nguy hiểm, làm lãng phí công sức, tiền bạc và nhiều hệ lụy khác. Trong trường hợp này, các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo các quy định tại Điều 90, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; Điều 121, Điều 122, Điều 123, Điều 124 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu. Mức hình phạt phải chịu đó là xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại khi gây hậu quả, bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu hoặc tùy theo mức độ còn có thể bị xử lý hình sự."
Cần làm rõ dấu hiệu “cài cắm thầu”
Trong HSMT, phần tiêu chuẩn kỹ thuật các loại điều hoà treo tường (1 chiều, 2 chiều treo tường loại 9000, 12.000, 18.000 BTU), bên mời thầu là Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Bắc Ninh đã đưa nhãn hiệu Panasonic (Model U9VKH-8, U12VKH-8, YZ18UKH-8…). Ngoài ra, các thông số kỹ thuật model được nêu trong HSMT thuộc thông số kỹ thuật của điều hoà Panasonic. Phân tích về dấu hiệu này, luật sư Thảo cho biết: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Du an Trung tam kiem soat benh tat Bac Ninh: “Co the huy thau
Luật sư Mai Thảo – Phó giám đốc Công ty luật TAT Law Firm.
Theo đó, Nhà nước đã cụ thể hóa các quy định tại các văn bản pháp luật về điều kiện, trình tự, thủ tục,... trong quá trình thực hiện đấu thầu cũng như các hành vi được cho phép hay bị cấm trong đấu thầu. Trường hợp trên, việc bên mời thầu BQL đưa ra những đặc tính, tiêu chuẩn cá biệt của hàng hóa vào HSMT là không bảo đảm công bằng, minh bạch được nêu tại điểm i khoản 6 điều 89, Luật Đấu thầu năm 2013 thể hiện ở hành vi “nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu”. Tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết Luật Đấu thầu trong lĩnh vực lựa chọn nhà thầu, cụ thể ở điều 12 khoản 2 điểm 7 có nêu “Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng... thì được nêu nhãn hiệu, để tham khảo, minh họa.... nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”. Nội dung hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Theo quy định của pháp luật, khi bên mời thầu vi phạm các quy định trên, thể hiện ở việc nêu rõ tên nhãn hàng hiệu hàng hóa, thông số kỹ thuật trùng khớp cho loại hàng hóa nào đó, mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ, một số hạng mục cũng không ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” chính là hành vi cố tình cài cắm nhãn hiệu hàng hóa trong hồ sơ mời thầu, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Như vậy, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không minh bạch trong đấu thầu. Nếu có chứng cứ chứng minh cho việc “cài cắm thầu” trong quá trình thực hiện hồ sơ thầu thì tổ chức hoặc cá nhân có hành vi vi phạm sẽ chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định pháp luật.”
“Tóm lại, qua các phân tích trên cho thấy, việc gian lận hay sai phạm trong hoạt động đấu thầu cần được xử lý nghiêm ngặt để tránh gây hậu quả cho xã hội” – luật sư Mai Thảo nói.
Để làm rõ các vấn đề trên, PV đã liên hệ, đặt lịch làm việc với Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Bắc Ninh. Đại diện BQL cho biết đã báo cáo lãnh đạo và giao bộ phận chuyên môn để có nội dung trả lời báo chí.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Hành vi làm giả hồ sơ năng lực để trúng thầu bị xử lý như thế nào?
Với hành vi vi phạm Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu, Khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định rõ tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân là cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi làm giả hồ sơ năng lực để trúng gói thầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, người nào thực hiện hành vi gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đức Thuận

>> xem thêm

Bình luận(0)