Cỏ cây xanh tốt giữa công trường
Dự án này chính thức khởi công năm 2010, mục tiêu hoàn thành năm 2015, tuy nhiên, do chậm tiến độ, phải gia hạn nhiều lần; tới nay tiến độ đoạn trên cao được lùi tới cuối năm 2022, đoạn đi ngầm cuối năm 2023. Nhưng thời hạn này cũng chưa chắc hoàn thành với tiến độ thi công hiện nay.
Những ngày này, nhóm PV Tiền Phong qua công trường thi công các ga ngầm S10, S11, S12… dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đều thấy cảnh vắng lặng lạ thường (không máy móc, nhân sự thi công, chỉ còn bảo vệ trông coi). Phần sắt thép thi công dang dở hoen gỉ, cỏ cây bắt đầu xanh tốt trên công trường. Tại công trường thi công ga S12 (ga cuối tuyến, trước ga Hà Nội), ông Nguyễn Văn Hà (nhà sát công trường) cho hay, giữa năm trước công nhân và máy móc đột ngột rút và im ắng tới nay. Đoạn đường bị “lô cốt” chiếm gần hết thường xuyên ùn tắc. “Bảng thông tin tại công trường ghi hoàn thành sau 60 tháng từ tháng 2/2017, tức phải hoàn thành từ năm ngoái, nhưng tới nay vẫn ngổn ngang. Cứ dừng thi công như thế này chưa biết bao giờ mới xong để trả không gian cho giao thông và các hộ dân bên đường làm ăn”, ông Hà nói.
|
Công trường thi công nhà ga S9 Ảnh: Phạm Thanh
|
Còn công trường ga S11 (ga) thuộc diện ngổn ngang nhất, rào chắn tạm bợ với 1 bảo vệ trông coi. Phần lòng đường Quốc Tử Giám bị rào ngang, nhưng bên trong không có hoạt động thi công, cũng không trả đường cho dân đi. Dãy nhà bên đường phải di dời nhường đất làm lối lên nhà ga đường sắt lổn nhổn. Công trường cũng chỉ còn bảo vệ, không hoạt động xây dựng, mặt bằng công trường trở thành bãi gửi xe. Cảnh tương tự cũng dễ dàng nhận thấy tại ga S10 (đường Cát Linh). Còn ga S9 (phố Kim Mã), nơi tập kết máy móc, trung tâm điều hành thi công phần đi ngầm thưa vắng bóng người, máy móc phủ bạt.
Từ tháng 6/2021 tới nay, do chưa có mặt bằng vì vướng một số hộ chưa di dời, liên danh nhà thầu Hyundai (Hàn Quốc) - Ghella (Ý) đã dừng thi công các ga ngầm. Nhà thầu này cũng yêu cầu chủ đầu tư bồi thường hơn 114 triệu USD (do không có mặt bằng thi công phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng).
Nhà thầu kiện chủ đầu tư
Trả lời PV Tiền Phong, đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB - đại diện chủ đầu tư) cho hay, tới nay, tiến độ tổng thể dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội mới đạt gần 75%, trong đó đoạn trên cao đạt hơn 95%. Mục tiêu đoạn trên cao đưa vào khai thác trước vào cuối năm 2021, nay tiếp tục phải lùi tiến độ tới cuối năm 2022. Tuy nhiên, do chưa có mặt bằng, các khiếu nại chưa được giải quyết, nên nhà thầu vẫn dừng thi công các ga ngầm.
Cũng theo MRB, để đạt tiến độ đưa đoạn trên cao vào khai thác cuối năm nay phải giải quyết 3 vướng mắc chính. Cụ thể, gói thầu khu đề-pô theo hợp đồng phải hoàn thành từ lâu, nhưng tới nay mới thi công đạt hơn 70% khối lượng, kéo theo việc bàn giao hệ thống đường sắt 1 và hệ thống vé chưa thực hiện được. Dù chủ đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc họp để đốc thúc nhà thầu Tổng Cty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), nhưng tiến độ chưa cải thiện. Tiếp đó, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các định mức, giá vật tư, thiết bị đường sắt đô thị chưa đầy đủ, thường xuyên thay đổi, gây khó việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán chi phí và nghiệm thu các công trình. Thậm chí, một số thay đổi về quy chuẩn, tiêu chuẩn dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế dự án.
|
Công trường thi công nhà ga S12
|
Bên cạnh đó, sự khác biệt của hợp đồng mẫu quốc tế (hợp đồng FIDIC) và quy định Việt Nam dẫn tới khiếu nại, tranh chấp giữa nhà thầu với chủ đầu tư. Theo MRB, hiện một số nhà thầu đã đưa vấn đề tranh chấp, đòi bồi thường ra Ban xử lý tranh chấp và trọng tài quốc tế, tạm dừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động thi công làm tiến độ dự án chậm thêm (như gói thầu thi công ga ngầm). Để gỡ vướng mắc này, UBND TP.Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng cho áp dụng theo hợp đồng quốc tế (có thể ký phụ lục hợp đồng với các nhà thầu trong năm nay).
Liên quan tới giải phóng mặt bằng phục vụ thi công đoạn ngầm và ga ngầm, MRB thừa nhận, tới nay vẫn chậm. UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu quận Ba Đình và Đống Đa phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước 30/9 tới. “Vấn đề giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính dẫn tới các chậm trễ trong quá trình đàm phán lại với các nhà thầu, làm phát sinh các khiếu nại, kéo dài thời gian thi công và chi phí”, đại diện chủ đầu tư nói.
Ban quản lý dự án cũng cho hay, đã thống nhất với các nhà thầu sau khi giải quyết được các vướng mắc sẽ bổ sung máy móc, nhân sự để tăng tốc thi công; đề xuất Sở GTVT cho phép xe phục vụ công trường hoạt động cả ngày để bù tiến độ. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư chưa đưa ra được câu trả lời cụ thể liệu dự án có thể vận hành phần trên cao cuối năm nay và đoạn đi ngầm vào cuối năm 2023 hay không?