Hơn 15 năm trong nghề, luân chuyển qua nhiều đơn vị, Đại úy Trần Thanh Tâm, Phó Đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ (Phòng PC08 Công an TP.HCM), luôn trăn trở với nỗi đau từ những vụ tai nạn giao thông.
Anh nhớ cách đây không lâu, lúc 3 giờ 40 phút sáng, qua bộ đàm, anh nhận được thông tin về vụ tai nạn giao thông ngay đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, TP.HCM), một cô gái trẻ tử vong, anh chạy ra hiện trường…
Tới nơi, xe máy nằm một nơi còn cô gái thì nằm cạnh đầu xe ben, thân thể không còn toàn vẹn...
Cô bé sinh năm 1993, trên người còn mang túi xách, có vẻ như đang trên đường đi làm về. “Cô ấy còn quá trẻ!”, anh kể lại cảm xúc đầu tiên khi chứng kiến.
Theo chiến sĩ này, tai nạn khiến anh rất trăn trở, thương xót cho một cuộc đời vì việc mưu sinh, kiếm sống mà phải chạy trên đường lúc rạng sáng, hơn nữa đó lại là phận gái.
|
Đại úy Trần Thanh Tâm với hơn 15 năm trong nghề và chứng kiến không ít vụ TNGT thương tâm. Ảnh: HK
|
Trong một vụ tai nạn khác, khi lực lượng chức năng đã liên hệ được với người nhà. Người mẹ được đưa đến hiện trường. Bà bấu víu vào người đứng cạnh khóc lóc thảm thiết. Nạn nhân cũng là một cô gái trẻ…
Tâm rùng mình, chính anh là người ở hiện trường nhặt nhạnh những gì còn sót lại trên thân thể không toàn vẹn của cô gái để gom lại. Anh muốn cô gái được ra đi thanh thản.
Anh cho biết những hình ảnh từ vụ tai nạn cứ ám ảnh trong nhiều đêm mất ngủ.
Cũng theo anh, nhiều người họ không chứng kiến những cảnh thương tâm nên không hiểu hết nỗi đau. "Chính bản thân mình đi làm những việc này mới thấy sợ khi cầm tay lái. Vì vậy cái nghề của CSGT là phải xử lý răn đe hơn để tránh có thêm mất mát, đau thương. Vì khi một người sa tay lái thì không chỉ làm mất mạng họ mà còn cướp đi tính mạng của những người khác trên đường”.
“Nhiệm vụ của CSGT không phải là xử phạt vi phạm của người dân là xong mà còn phải đảm bảo tính mạng cho họ. Đó là trách nhiệm.
Nhiều người khi vi phạm giao thông, thấy CSGT xử lý thì năn nỉ, xin bỏ qua và hứa sửa sai. CSGT cũng không mong rằng sẽ phạt được nhiều người mà chỉ muốn người dân ý thức được cái sai, ý thức được sự nguy hiểm nếu chạy quá tốc độ, nếu lái xe trong tình trạng bia rượu… Vì đằng sau tay lái vẫn luôn là nỗi đau mẹ mất con, vợ mất chồng,…" - Đại úy Trần Thanh Tâm trầm ngâm.