Đổi mới tư duy, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL

Google News

Chính phủ yêu cầu thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 18-6-2022 về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Doi moi tu duy, thuc day phat trien nong nghiep va nong thon ben vung vung DBSCL
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận phát triển theo hướng “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng”, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung chỉ đạo, thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa địa phương phát triển công nghiệp với địa phương chuyên trồng lúa; chỉ đạo, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống... Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương và đúng quy định pháp luật... Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì chỉ đạo, triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống logistics ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Bộ NN&PTNT và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh, triển khai quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất HĐND cùng cấp ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của địa phương. Xây dựng, triển khai các chương trình, đề án trọng điểm phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của địa phương; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản của địa phương, vùng, tiểu vùng. Chủ động bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)