Để hiểu và có góc nhìn đa chiều về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Ngọc Biên ( Đoàn luật sư TP. Hà Nội, nguyên điều tra viên Cao cấp cơ quan điều tra Hình sự, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng). Ông đã có những phân tích xung quanh vấn đề này.
|
Luật sư Hoàng Ngọc Biên. |
Hiện dư luận đang quan tâm nhất chính là việc tại sao có sự đổi áo mà không ai biết, và chiếc áo màu đỏ cháu mặc lúc đi học hiện giờ đang ở đâu, ông có thể phân tích về vấn đề này?
Về nguyên tắc quá trình tiến hành hoạt động điều tra, trước hết việc khám nghiệm tử thi cực kì quan trọng, nhằm xác định nguyên nhân chết ngạt, và việc này phải do pháp y kết luận. Có phải do bé chết ngạt trên xe không, nếu chết ngạt hay không sẽ có những đặc trưng riêng.
Theo kết luận điều tra ban đầu, bé trai lớp 1 chết trên sàn xe ngay phía sau ghế lái, tại sao lái xe lại không biết, đây là nghi vấn dư luận quan tâm nhất cũng như cán bộ điều tra cần phải làm rõ.
Đặc biệt nhân chứng đầu tiên phải chứng minh được tư thế của nạn nhân lúc đấy như thế nào. Xem có khớp với lời khai của lái xe không.
Và việc ban đầu áo của cháu bé mặc như thế nào, màu sắc ra làm sao, cơ quan, cán bộ phải điều tra làm rõ, cùng kết hợp với nghi vấn lớn nhất là tại sao có việc thay áo, ai là người thay áo của cháu bé. Và thay xong áo cũ đang ở đâu, ném ở đâu?
Theo tôi, đây là trách nhiệm của cán bộ điều tra. Muốn như vậy phải bắt đầu từ tư thế của cháu bé, để có thể xác định thời gian tử vong, nếu việc nằm sấp thì mặt, bụng và phần đùi phía trước sẽ bị tím và ngược lại.
Phân tích thêm, trong giám định pháp y, tư thế chết và thời gian tử vong rất quan trọng, vì người ta thông qua chuyển hoá trong cơ thể với giám định pháp y. Người ta sẽ xem chuyển hoá màu sắc của máu để căn cứ vào thời gian chết của cháu bé.
Có ý kiến cho rằng, cần thực nghiệm hiện trường bằng việc đóng cửa xe đúng vị trí đỗ cũ, thời tiết tương đương để theo dõi về nhiệt độ, lượng khí O2, CO2... theo ông phương án này có khả thi?
Phương pháp này hoàn toàn khoa học nhưng phải phụ thuộc vào yếu tố tâm lí của từng người và phụ thuộc nhiệt độ ngoài trời.
Yếu tố này rất khó nói vì nó thuộc về lĩnh vực khoa học và thuộc về cơ địa mỗi người, theo tôi phương pháp này vẫn có thể thực hiện được nhưng không khả quan, vì nhiều khi mỗi người có mỗi cá tính khác nhau, có cháu lì hơn nhiều cháu nhát gan hơn. Rồi nhiệt độ ngoài trời phải đúng như thời điểm cháu bé trải qua. Trong góc độ điều tra tôi sẽ không làm như vậy.
Vậy theo ông phương án tốt nhất chính là gì?
Theo tôi, phương án tốt nhất chính là làm tốt quá trình khám nghiệm hiện trường ban đầu kết hợp với việc khám nghiệm tử thi, đánh giá tư duy lôgic kết hợp lời khai, như vậy sẽ tương đối khách quan hơn.
Đi theo hướng ban đầu sẽ hay hơn, còn thiếu gì có thể bổ sung sau, không được bỏ sót một nghi vấn nào.
|
Trường "quốc tế" Gateway. |
Vậy theo ông, nếu như lời khai ban đầu là cháu bị bỏ quên trên xe thì những ai là người phải chịu trách nhiệm hình sự về vụ việc này, thưa ông?
Tôi nghĩ, người chịu trách nhiệm đầu tiên và trực tiếp là người lái xe và người đưa đón cháu bé, vì lái xe đã không kiểm tra phương tiện do mình điều khiển trước khi đóng cửa và gửi xe vào bãi gây nên cái chết của cháu bé.
Còn người phụ trách đưa đón trẻ tắc trách trong việc không kiểm số lượng học sinh xuống xe. Và đặc biệt người đứng đầu, chính là hiệu trưởng của trường sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự vì đã ra quy chế quản lý, quy chế hành chính ban hành, vẫn để sai phạm, sai phạm trách nhiệm ở mức độ cao, sai phạm quy tắc nghề nghiệp.
Sẽ quy vào điều 99, BLHS tội Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
Xin cảm ơn ông!