Căng sức phòng chống, dập dịch tả lợn châu Phi
Hiện nay tại Hải Dương, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 12/12 huyện, thành phố với hơn 700 hộ ở 166 thôn thuộc 97 xã, phường, thị trấn có lợn ốm chết và phải tiêu hủy. Tổng số lợn phải tiêu hủy đến nay là 10.620 con với tổng trọng lượng trên 640 tấn.
Trước diễn biến của dịch tả lợn, các cấp, các ngành của tỉnh Hải Dương đang quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống hợp lý, hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh phát triển diện rộng, giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, dịch tả lợn vẫn lan rộng ở một số địa phương.
Ghi nhận của PV Kiến Thức tại huyện Cẩm Giàng - nơi có tổng số 31.285 con lợn. Dịch tả lợn xuất hiện ở nơi đây ngày 29/3 và đến nay đã có 10 xã trong tổng số 19 xã, thị trấn trong huyện Cẩm Giàng có dịch, tiêu hủy khoảng 100 tấn lợn.
|
Trang trại lợn ở xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng nơi phát hiện dịch tả lợn châu Phi. |
Trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Công – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, dù các ngành, các địa phương đã chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi, triển khai nhiều biện pháp, tổ chức triển khai 3 hội thảo, ban hành hàng chục văn bản, tập huấn về các biện pháp phòng dịch, triển khai chăn nuôi an toàn sinh học, hội nghị bàn các biện pháp cấp bách dập dịch, thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi, lập đội phản ứng nhanh khi xảy ra dịch...tuy nhiên, do nhiều lý do dịch tả lợn vẫn xuất hiện tại một số địa phương.
Nói về nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Cẩm Giàng và lan sang một số xã, ông Vương Đức Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng cho biết, do địa bàn huyện Cẩm Giàng có nhiều tuyến đường đi qua như quốc lộ 5 và quốc lộ 38, nằm gần các địa phương phát hiện dịch tả lợn châu Phi, trong khi đó ý thức người dân chưa cao, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên dù đã chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu phi từ huyện đến cơ sở nhưng ngày 29/3, đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại huyện Cẩm Giàng.
|
Tiêu hủy lợn dịch tại xã Cẩm Hoàng. |
"Ngay khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện Cẩm Giàng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương chuyển từ phòng chống dịch tả sang thực hiện các giải pháp khẩn trương dập dịch và ngăn dịch lây lan theo hai kịch bản đã được ban hành khi có dịch và khi chưa có dịch", ông Dũng nói.
Ông Vương Đức Dũng lấy ví dụ, tại xã Cẩm Hoàng, nơi có đàn lợn lên đến gần 13000 con, chiếm 1/3 trên tổng số đầu lợn tại huyện Cẩm Giàng. Trong đó có thôn Phượng Hoàng có 7000 con lợn nhưng chưa có dịch.
“Chúng tôi đã phân công rõ ràng, bằng mọi giá, lực lượng đi dập dịch thì chỉ làm việc dập dịch, lực lượng chống dịch không được tham gia dập dịch để tránh tình trạng lây lan”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng lấy thêm ví dụ về một trang trại ở xã Cao An – hiện chưa xuất hiện dịch tả lợn cũng thực hiện biện pháp nghiêm cấm người ngoài vào trang trại. “Những người trong trang trại không được ra ngoài và nếu ra ngoài thì không quay trở lại trang trại để tránh mang dịch vào trang trại”.
“Ở những trang trại lớn, riêng biệt khi xuất hiện dịch, chỉ tiêu hủy lợn ở những chuồng có dịch và tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại này. Còn với những chuồng trại khác, tiến hành khoanh vùng và cách ly nghiêm ngặt. Đặc biệt, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cùng với các địa phương “căng mình” triển khai cấp bách các biện pháp”, ông Dũng cho biết.
Theo lời ông Dũng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện, lãnh đạo phòng nông nghiệp phát triển nông thôn, cán bộ thú y, trưởng thôn và ban giám sát cộng đồng của thôn cùng với hộ chăn nuôi nhanh chóng tiến hành các bước cần thiết để tiêu hủy lợn bệnh. Cán bộ thú y hướng dẫn địa phương thực hiện các hướng dẫn của ngành nông nghiệp về tiêu độc khử trùng, tăng cường các biện pháp tiêu diệt những đối tượng môi giới truyền bệnh như chuột bọ, ruồi muỗi…
Vẫn còn nhiều khó khăn trong ngăn chặn và dập dịch
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng - Vương Đức Dũng cho biết, công tác dập dịch tả hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do dịch tả thì khó phát hiện mà nguồn lây bệnh thì có quá nhiều.
Ông Vương Đức Dũng cho biết, công tác phòng chống, ngăn chặn, dập dịch tả lợn tại huyện Cẩm Giàng còn nhiều khó khăn như ngân sách cấp huyện, cấp xã khó khăn chưa bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, bệnh dịch tả lợn Châu Phi nói riêng ngay từ ban đầu.
|
Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn ở trang trại phát hiện dịch tả. |
Trong khi đó, lực lượng cán bộ Thú y cấp huyện tham gia phòng, chống dịch mỏng (toàn huyện có 7 cán bộ, chuyên viên); Thú y cơ sở ở xã, thị trấn chủ yếu kiêm nhiệm, một số nhân viên Thú y cấp xã chưa có bằng chuyên môn về chăn nuôi, thú y nên việc giám sát, phát hiện dịch bệnh khó khăn. Cùng với đó, hiện nay vẫn còn tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong nông hộ, điều kiện chăn nuôi không đảm bảo kỹ thuật, mật độ chăn nuôi cao dễ lây lan dịch bệnh. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát chưa được quản lý gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch của bệnh thú y.
|
Dịch bệnh cuốn qua, trang trại tan hoang khi không còn lợn. |
“Khó khăn lớn nhất là dịch tả lợn lần đầu tiên xâm nhiễm vào địa bàn, kinh nghiệm trong phòng, dập dịch chưa có vẫn phải học hỏi các nước đã xuất hiện dịch rồi. Khó nhất là chăn nuôi quy mô nhỏ rất lớn như huyện Cẩm Giàng có tới 600 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chăn nuôi nhỏ lẻ phòng dịch kém, không có hố tiêu độc, khử trùng. Trong khi đó ý thức chủ chăn nuôi kém, vệ sinh chuồng trại không tốt rất khó cho việc ngăn chặn”, ông Dũng cho biết.
|
Ông Nguyễn Hữu Thắng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng. |
Ông Nguyễn Hữu Thắng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng – nơi có gần 13000 đầu lợn cho biết: “Ngày 11/4, khi có lợn chết, xã đã báo cáo cơ quan chức năng về lấy mẫu đi xét nghiệm, kết quả dương tính với dịch tả châu Phi. Ngay sau đó, chúng tôi đã tổ chức tiêu hủy với hai hộ dân. Trước đó, xã đã tổ chức phòng dịch ở tất cả các thôn trong xã, phát hành thuốc sát trùng đến các hộ chăn nuôi, xã tổ chức phun khử trùng, rắc vôi các đường dẫn vào khu chăn nuôi...Hiện nay khó khăn lớn nhất là tìm các địa điểm để chôn lấp, xử lý lợn dịch khi đất công không còn. Cùng với đó, nguồn ngân sách cho lực lượng tiêu hủy vẫn còn hạn chế”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng - Vương Đức Dũng cho biết, để phòng chống dịch và dập dịch, quan trọng nhất hiện nay là vận động tuyên truyền cho người dân về biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển, ra vào khu vực chăn nuôi, nơi giết mồ lợn, nơi tập trung buôn bán.