Chiều 14/3, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp với sự có mặt của lãnh đạo 17 tỉnh, thành có dịch tả lợn châu Phi.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, miền Bắc sẽ chịu tác động của gió mùa, mưa phùn nên càng thuận lợi cho chủng vi rút dịch tả lợn châu Phi phát triển.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần chỉnh sửa phương án đối phó, vì lúc này đã lan ra 17 tỉnh, thành phố. Dịch này chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu thời gian tới mà không quyết liệt phòng, chống sẽ rất nguy hiểm, đe dọa cả ngành chăn nuôi lợn.
|
Quang cảnh cuộc họp. |
Ba nguyên nhân chính dẫn đến dịch tả lợn lây lan nhanh
Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) - ông Phạm Xuân Đông thông tin, từ ngày 1/2-14/3/2019 (cập nhật đến 9h), dịch bệnh đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An), với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.
|
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại các tỉnh, thành phố là do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.
|
Ông Phạm Xuân Đông - Cục trưởng Cục Thú y. |
Trong khi đó, vi rút dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi; trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.
Hơn nữa, loại vi rút này có thể có thể lây lan từ khu vực có dịch sang nơi khác qua phương tiện vận chuyển và con người. Ví dụ tại tỉnh Sơn La: Dịch xảy ra tại khu vực gần với đường đi qua khu vực Pha đin nơi có điểm tắm lợn.
Không vắc xin, không thuốc...chỉ biết dựa vào... tiêu độc
Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thanh Hóa đồng ý với báo cáo của Cục Thú y về nhận định nguyên nhân lây lan dịch tả lợn châu Phi, nhưng kiến nghị cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu vì có những nơi của Thanh Hóa vẫn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi mà không nằm trong nguyên nhân mà Cục trưởng Cục Thú y Phạm Xuân Đông nêu.
"Hiện nay với mức hỗ trợ 80% giá thị trường đối với những hộ có lợn bị tiêu hủy do nhiễm DTLCP, nhưng giá thịt lợn đang xuống rất thấp nên người dân đang thiệt thòi. Bộ NN&PTNT cần có biện pháp để người chăn nuôi không thiệt thòi" - ông Quyền nói.
|
Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thanh Hóa. |
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Vắc xin không có, thuốc không có, hiện chúng tôi chỉ biết dựa vào tiêu độc khử trùng. Một hộ có lợn bệnh là chúng tôi phải phun thuốc cả xã, cả làng. Hiện Thanh Hoá đã tốn 7 tỷ đồng ngân sách chỉ cho việc phun thuốc".
Khi có dịch, lập tức hỗ trợ...dân sẽ không giấu dịch
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ NN&PTNT, Cục Thú y cần có biện pháp hỗ trợ các biện pháp cụ thể để người dân nắm rõ hơn công tác phòng, chống DTLCP cho đạt hiệu quả vì dịch bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: "Chúng tôi đề nghị xem xét lại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hộ chăn nuôi lớn thì họ làm rất tốt, thậm chí là phong toả chuồng trại không cho người lạ vào. Dịch phát sinh tại hộ nhỏ lẻ, không có tại hộ chăn nuôi quy mô lớn. Khi có dịch, tỉnh lập tức trích nguồn ngân sách để hỗ trợ. Do đó, dân không giấu dịch. Tôi cho đây là kinh nghiệm xử lý".
|
Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương. |
Ông Nguyễn Anh Cương cho hay, Hải Dương giao cho lãnh đạo huyện xử lý công tác hỗ trợ, thậm chí miễn họp với cán bộ được giao nhiệm vụ này. Hải Dương đề nghị có quy trình phòng chống dịch. Tỉnh này đánh giá cao công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, Hải Dương ghi nhận có tình trạng "tẩy chay" thịt lợn trong giai đoạn này.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn băn khoăn, tỉnh này là tỉnh miền núi, giao thương không tấp nập như ở đồng bằng nhưng vẫn xuất hiện DTLCP, vì vậy đề nghị Cục Thú y cần nghiên cứu thêm các nguyên nhân khác nữa.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Cục Thú y cần nghiên cứu lại các nguyên nhân cho đầy đủ để từ đó tìm ra phương án phòng, chống DTLCP hiệu quả hơn.
Một nội dung mà các địa phương cùng kiến nghị Bộ NN&PTNT cần phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu đúng về DTLCP, không quay lưng lại với sản phẩm thịt lợn an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Một con lợn nhiễm DTLCP ở Bắc Kạn mà được phát hiện ngay, con lợn nào nhiễm bệnh đều được tiêu hủy. Đặc biệt, dịch bệnh này không lây sang người, nên người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng sản phẩm thịt lợn an toàn trên thị trường".
Thống kê tại các tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi:
Hưng Yên: Dịch bệnh đã xảy ra tại 37 xã (trong đó có 5 xã không lấy mẫu xét nghiệm, xử lý tiêu hủy đối với đàn lợn có triệu chứng của bệnh), 7 huyện (Ân Thi, TP. Hưng Yên, Kim Động, Mỹ Hào, Văn Giang, Yên Mỹ và Tiên Lữ). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 4.230 con.
Thái Bình: Dịch bệnh đã xảy ra tại 86 xã, 6 huyện (Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư, Thái Thụy và Kiến Xương). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 10.778 con lợn.
Hà Nam: Dịch bệnh đã tại 6 xã, 5 huyện (Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Duy Tiên và Tp. Phủ Lý). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 594 con.
Hải Phòng: Dịch bệnh đã xảy ra tại 34 xã, 6 huyện (Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thị và Dương Kinh). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 5.263 con.
Thanh Hóa: Dịch bệnh đã xảy ra tại 10 xã, 2 huyện (Yên Định và Thiệu Hóa). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là là 644 con.
Hà Nội: Dịch bệnh đã xảy ra tại 10 xã, 6 huyện, quận (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn và Quốc Oai). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 437 con.
Hải Dương: Dịch bệnh đã xảy ra tại 18 xã, 6 huyện (Kinh Môn, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc, Kim Thành và Bình Giang). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 800 con.
Hòa Bình: Dịch bệnh đã xảy ra tại 2 xã, 1 huyện (Lương Sơn). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 55 con.
Điện Biên: Dịch bệnh đã xảy ra tại 4 xã, 1 huyện (Tuần Giáo). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 51 con.
Thái Nguyên: Dịch bệnh đã xảy ra tại 3 xã, 2 huyện (Phú Bình và TX. Phổ Yên). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 113 con.
Quảng Ninh: Dịch bệnh đã xảy ra tại 5 xã, 4 huyện, thị (Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hải Hà). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 176 con.
Ninh Bình: Dịch bệnh đã xảy ra tại 1 xã, 1 huyện (huyện Hoa Lư). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 59 con.
Nam Định: Dịch bệnh đã xảy ra tại 1 xã, 1 huyện (huyện Trực Ninh). Tổng số lợn bệnh và buộc phải tiêu hủy là 81 con.
Lạng Sơn: Dịch bệnh đã xảy ra tại 1 xã, 1 huyện (huyện Lộc Bình). Tổng số lợn bệnh và buộc phải tiêu hủy là 11 con.
Bắc Kạn: Dịch bệnh đã xảy ra tại 1 xã, 1 huyện (huyện Ngân Sơn). Tổng số lợn bệnh 01 con. Tổng số lợn bệnh và buộc phải tiêu hủy là 02 con.
Sơn La: Dịch bệnh đã xảy ra tại 1 xã, 1 huyện (huyện Thuận Châu). Tổng số lợn bệnh 05 con. Tổng số lợn bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy là 108 con.
Nghệ An: Dịch bệnh đã xảy ra tại 1 xã, 1 huyện (huyện Quỳnh Lưu). Tổng số lợn bệnh, chết 05 con. Tổng số lợn bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy là 22 con, cụ thể: Tại Hộ ông Hoàng Văn Lan, xóm 7, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An (nằm riêng biệt, giữa cánh đồng) có tổng đàn lợn 22 con (gồm 2 lợn nái và 20 lợn con 15 ngày tuổi). Chiều tối ngày 10/3/2019, gia đình thấy có lợn bệnh, báo Trạm Thú y. Sáng ngày 11/3/2019, Trạm Thú y và Phòng Nông nghiệp xuống kiểm tra, phát hiện 02 lợn nái và 03 lợn con chết; các cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu và ngày 12/3/2019 Chi cục Thú y vùng III xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh DTLCP. Chiều ngày 13/3/2019, chính quyền và cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức tiêu hủy đàn lợn; Tổng đàn lợn của xã Quỳnh Mỹ là 352 con; xóm 7 có 64 con lợn.