Hỗ trợ tối đa cho các đoàn cứu trợ vùng lũ, xây nhà chống lũ cho người dân, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai... là những kiến nghị được nhiều địa phương, bộ, ban, ngành nêu ra tại buổi làm việc của Thủ tướng với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ diễn ra sáng 24/10 ở TP Đồng Hới, Quảng Bình.
Đề xuất làm thêm nhà chống lũ
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh chia sẻ hiện nay, tình người của cả nước hướng về miền Trung rất lớn. Do đó, ông đề nghị các địa phương cần có hình thức hỗ trợ cho các đoàn cứu trợ đồng bào vùng lũ.
Ông Hải Anh dẫn chứng Đà Nẵng hiện là địa phương duy nhất không thu phí với các đoàn xe chở hàng cứu trợ. Từ đó, Chủ tịch Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, chỉ đạo các tỉnh hạn chế hoặc miễn phí đường bộ với các phương tiện phục vụ việc cứu trợ nhằm tạo điều kiện cho các đoàn từ thiện đến miền Trung thông suốt hơn.
Bên cạnh đó, ông Hải Anh cho biết Hà Tĩnh hiện là địa phương duy nhất miễn phí khách sạn cho các đoàn cứu trợ. Ông Hải Anh đề nghị các tỉnh khác nên nghiên cứu, phát động phong trào giống Hà Tĩnh.
|
Quốc lộ 1 ùn tắc vì đoàn xe chở hàng cứu trợ. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Ngoài ra, đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề xuất bổ sung nhà cộng đồng tránh lũ tại các khu vực trọng yếu về thiên tai. Đồng thời, các địa phương cần có cơ chế kích hoạt trước thiên tai, đặc biệt là mô hình hành động dựa trên dự báo, nhằm giảm tối đa thiệt hại do mưa lũ.
Dẫn chứng thống kê của Hội chữ thập đỏ Quốc tế, ông Hải Anh cho biết nếu kích hoạt cơ chế cảnh báo sớm, hành động kịp thời, có thể giảm 70% tác động của thiên tai đối với người dân.
Cùng quan điểm, trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đề xuất các tỉnh miền Trung cần trang bị nhà chống lũ cho dân. Ông dẫn chứng huyện Minh Hóa (Quảng Bình) là địa phương áp dụng mô hình này rất hiệu quả khi mỗi hộ dân có một nhà phao riêng. Thực tế cho thấy huyện Minh Hóa chịu thiệt hại ít hơn nhiều so với các địa phương khác nhờ có mô hình này.
Đây cũng là đề xuất của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu. Ông cho rằng một nhà phao chống lụt chỉ 10-12 m2 nhưng giúp giải quyết vấn đề cho người dân vùng ngập lụt.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị xây dựng hệ thống cảnh báo qua ứng dụng trên điện thoại thông minh để người dân dễ dàng tiếp cận. Các trạm viễn thông tại khu vực ngập lụt phải được xây dựng kiên cố hơn để hoạt động tốt trong điều kiện mưa bão.
Nhận thức về biến đổi khí hậu
Sau hơn 3 giờ lắng nghe ý kiến báo cáo và kiến nghị của các địa phương, bộ, ban, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các góp ý, biểu dương tinh thần, vai trò của các đơn vị trong phòng, chống lụt bão.
Thủ tướng nhận định những tấm lòng nhân ái đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trong lũ lụt, thiên tai cho thấy truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc. Dù khi dịch Covid-19 bùng phát hay bão lũ, các hình thức cứu trợ từ trực tiếp đến gián tiếp đã san sẻ nhiều khó khăn với nhân dân.
“Một dân tộc như thế rất đáng trân trọng, tự hào”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng cho rằng giai đoạn vừa qua, các địa phương có thể rút ra một số kinh nghiệm.
Chìa khóa then chốt là tăng cường nhận thức, hiểu biết của chính quyền, người dân và các tổ chức chính trị - xã hội về tác động của biến đổi khí hậu, bắt đầu từ mỗi việc nhỏ trong cuộc sống như đặt móng nhà đến chọn vị trí xây nhà.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhận định năng lực, công nghệ dự báo thiên tai hiện vẫn còn yếu. Các ngành chức năng cần học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế, ví dụ như Nhật Bản, để sớm cải thiện.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại những chương trình phát triển lồng ghép với biến đổi khí hậu của Việt Nam và yêu cầu các địa phương, đặc biệt là thành phố lớn tuân thủ cam kết đã đặt ra.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc với các địa phương. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Về việc khắc phục hậu quả mưa lũ, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải cùng địa phương vào cuộc để đảm bảo sinh kế cho người dân, đặc biệt trong thời điểm thời vụ cận kề.
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định các địa phương sẽ tiếp tục được bổ sung thêm nguồn lực để xử lý bất cập trong phòng, chống thiên tai bằng cả ngân sách Nhà nước và nguồn vốn ODA.
Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đang tiến hành chỉnh sửa các điểm bất hợp lý trong Nghị định 64 và Nghị định 136 để tạo thuận lợi cho nhà tài trợ trong điều kiện cụ thể.
Một vấn đề khác được Thủ tướng đặt ra là cần sớm có phương án chuẩn bị cho cơn bão số 8 và đặc biệt là cơn bão số 9, nhằm hạn chế thiệt hại.
Bên cạnh khắc phục hậu quả do mưa lũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở các địa phương phải thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, đóng góp cho cả nước trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.