Đề xuất "lạ" trộn tro cốt tạc tượng Phật: Thượng tọa Thích Quang Thạnh lý giải gì?

Google News

(Kiến Thức) - Một trong các giải pháp chùa Kỳ Quang 2 đưa ra là tất cả tro cốt được mở ra, trộn lẫn vào nhau và khắc lên thành hình tượng Phật Di Đà gây tranh cãi. Thượng tọa Thích Quang Thạnh đã lý giải với Kiến Thức vì sao đưa ra giải pháp này.

Liên quan sự việc chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) để xảy ra việc làm đảo lộn, rơi rớt hình ảnh và danh tánh trên các hũ tro cốt khiến dư luận quan tâm, lo lắng và bức xúc, ngày 5/9, Thượng tọa Thích Quang Thạnh – chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động tu học, tín ngưỡng và xã hội của chùa Kỳ Quang 2 đã đưa ra các giải pháp.
Một trong những giải pháp được chùa Kỳ Quang 2 đưa ra gây tranh cãi chính là việc đối với các tro cốt không xác định được người thân sẽ được giải quyết bằng cách, tất cả tro cốt được mở ra, trộn lẫn vào nhau và khắc lên thành hình tượng Phật Di Đà.
Một số ý kiến cho rằng, việc cho các tro cốt trộn vào nhau khắc lên thành hình tượng Phật là không phù hợp với văn hóa Phật giáo và tâm linh những người đã khuất.
De xuat
 Lực lượng chức năng kiểm đếm các hũ tro cốt bị mất bảng tên tại chùa Kỳ Quang 2. Ảnh: Giacngo.vn.
Chiều 6/9, Thượng tọa Thích Quang Thạnh khi trao đổi với PV Kiến Thức đã lý giải việc đề xuất trên.
Thượng tọa Thích Quang Thạnh cho biết, do một số người dân chưa hiểu nên nhà chùa đã đưa ra những giải pháp để người dân lựa chọn. Người dân muốn thủy táng hay muốn các thầy khắc tên trong bảng vàng và tro cốt giữ nguyên. Một phương án khác là trộn các tro cốt bị thất lạc danh tính đúc thành tượng Phật Di Đà để gửi gắm tro cốt của người đã khuất gần với Phật.
“Thầy cũng đã giải thích cho các Phật tử rằng, khi gửi cốt vào chùa, ai cũng muốn ông bà người thân của mình khi mất đi sẽ được giải thoát, được an lạc. Một số hũ cốt đã thờ trong chùa 10 năm, 20 năm, hương linh cũng đã đầu thai trên phương diện tâm linh hoặc trở về với Phật. Tro cốt muốn để hoặc nếu không trách nhiệm của các thầy sẽ giải thích thêm. Nếu làm như vậy cũng gần Phật và mình cũng yên tâm. Cốt cứ để trong hũ thì nhỏ quá, giống như mình nhốt ông bà mình trong cái hũ. Muốn giải thoát thì phải làm trở về cát bụi cho ông bà còn tên tuổi vẫn nên để ở chùa để mỗi ngày được tụng niệm, cầu nguyện, thờ phụng cho trang trọng. Đồng thời cũng phù hợp với thời điểm hiện nay ô nhiễm môi trường…” – Thượng tọa Thích Quang Thạnh cho biết.
Theo Thượng tọa Thích Quang Thạnh, nhà chùa đưa ra các giải pháp, người dân muốn chọn giải pháp nào thì phụ thuộc vào người dân.
“Các thầy đưa ra để đáp ứng nguyện vọng của người dân. Mục đích quan trọng là các thân nhân đồng ý theo một quan điểm thì dễ cho nhà chùa và dễ cho thân nhân đỡ mất công, tốn hao thời gian mệt mỏi. Thầy mong các thân nhân suy nghĩ kỹ, thảo luận với nhau thống nhất một phương án nào thầy cũng làm hết. Chỉ sợ vài chục % chọn phương án này, vài chục % khác lại chọn phương án khác thì rất khó cho thầy và cho mọi người” – Thượng tọa Thích Quang Thạnh bày tỏ.
Do đó, thượng tọa Thích Quang Thạnh cho biết, thầy kêu gọi lòng khoan dung, sự sâu sắc về nhận thức cũng như hiểu được Phật pháp vận dụng để làm việc tốt nhất cho ông bà, những người đã khuất.
“Khi ổn định xong hết, thầy sẽ lập đàn tràng cúng siêu độ cho các vong linh, cầu an cho tất cả những người thân của họ và bá tánh xung quanh. Tuy nhiên, nếu các thân nhân không đoàn kết, không thống nhất ý chí, nguyện vọng, thầy ở giữa muốn làm cũng không được. Cho nên thầy chỉ mong bà con cùng thống nhất với nhau một cách hài hòa nhất” – Thượng tọa Thích Quang Thạnh nêu quan điểm.
Nói về phương án trộn các tro cốt bị thất lạc danh tính đúc thành tượng Phật Di Đà để gửi gắm hài cốt, thượng tọa Thích Quang Thạnh cho rằng, phương án này vẫn hợp lý.
“Ý tưởng đề ra phương pháp này không phải cá nhân của thầy. Khi họp Thượng trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP HCM đưa lên, các thầy cho rằng, một số nước người ta đã làm. Quan điểm của người ta là hiểu đạo, cho nên khi cha mẹ chết, tro cốt thiêu xong qua 49 ngày và sau vài năm là người ta không thờ nữa. Họ trộn tro cốt tạc tượng Phật để hướng đến gửi gắm ông bà mình về với Phật. Những người hiểu được đạo nhiều thì họ có thâm sâu hơn. Khi bàn với tất cả Thường trực Ban trị sự mới quyết định đưa ra giải pháp này. Thầy làm giải pháp nào không phải là cá nhân của thầy mà phải trình cho Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo thành phố. Sau đó, thầy mới giải thích cho bà con những giải pháp đó” - thượng tọa Thích Quang Thạnh thông tin.
Đồng thời, thượng tọa Thích Quang Thạnh cho biết thêm, để đưa ra giải pháp này, có đến 28 người cũng suy nghĩ tìm ra giải pháp tốt nhất chứ không phải cá nhân của thầy quyết định được.
Trước đó, ngày 5/9, Thượng tọa Thích Quang Thạnh đã có buổi hướng dẫn điền thông tin các gia đình có gửi hũ cốt thân nhân tại chùa và thông tin thời gian tới nhận.
Thượng tọa Thích Quang Thạnh chia sẻ, tro cốt của mẹ thầy để ở đây nên hiểu được cảm xúc, tâm trạng của người dân. Thượng tọa mong người dân vì lòng khoan dung, nhân từ, thông cảm và chân thành để tìm được giải pháp.
Thống kê sơ bộ, một số hũ cốt vẫn còn hình ảnh và thông tin tên tuổi; một số hũ cốt không còn hình ảnh và tên tuổi; những hình ảnh người dân mang vào chùa để ký thờ ở chùa và không có tro cốt.
Thượng tọa Thích Quang Thạnh đưa ra ba giải pháp. Nguyện vọng thứ nhất, nếu ai nhận được hũ tro cốt đầy đủ, nguyện vọng muốn để ở chùa thì chùa phải làm đúng quy định và có sự kết chặt, không như lúc trước, bảo đảm được vấn đề tôn kính. Những huyết thống hài cốt rất quan trọng về mặt tinh thần của con người nói chung và của dòng tộc.
Nhà chùa sẽ làm đúng theo quy định của nhà nước và trân trọng nhất để thân nhân hài lòng và an lòng cho thân nhân với hương linh ở chùa của người đã mất an giấc, an lạc.
Nguyện vọng thứ hai, nếu sau này nhận được hũ tro cốt mà không muốn để ở chùa Kỳ Quang thì đã được chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo TPHCM và Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm phát tâm. Nếu thân nhân không để ở Kỳ Quang 2 có thể chở về chùa Vĩnh Nghiêm để hài cốt miễn phí thông qua Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 giới thiệu.
Nguyện vọng thứ ba, nếu những người dân không nhận được hũ tro cốt, hình ảnh không tên tuổi, trong tình trạng xác cốt không có thì nếu để ở chùa Kỳ Quang 2 sẽ trang trọng làm bảng bằng vàng lớn để khắc những người có tên tuổi vào.
Tên tuổi người quá cố không biết cốt của ai sẽ được trang trí để trên bàn thờ riêng và trên đó, nhà chùa sẽ làm bảng khắc tên, ngày mất của các hương linh. Để khi cúng, hướng về tên người mất và tinh thần hướng đến hương linh sẽ hỗ trợ cho nhau. Tất cả những người gửi tro cốt ở chùa là để hương linh nghe kinh niệm ở chùa ngày 4 thời ở chánh điện nhằm mong mỏi cho hương linh an lạc.
Thượng tọa Thích Quang Thạnh phân tích, ai cũng muốn hương linh người đã khuất được giải thoát. Phương án của chùa Kỳ Quang đưa ra đối với các tro cốt không xác định được người thân sẽ được giải quyết bằng cách, tất cả tro cốt được mở ra, trộn lẫn vào nhau và khắc lên thành hình tượng Phật Di Đà.
Thân nhân người đã mất luôn mong muốn người đã khuất được giải thoát để trở về với thế giới chân Phật nên điều này rất có ý nghĩa với người thân. Những người đã khuất đều nằm trong lòng đức Phật cũng như mong mỏi của người thân là hương linh người đã khuất sống với đức Phật.
Thượng tọa Thích Quang Thạnh giải thích, nếu những cốt không có tên tuổi muốn thủy táng rất khó. Ví dụ, 50 cốt không có tên tuổi mà 20 người đồng ý thủy táng, còn lại 30 thân nhân không đồng ý thì chùa Kỳ Quang rất khó xử lý.
Nếu mọi người đồng ý thủy táng thì chư tăng sẽ thỉnh nghi lễ của thành phố để cầu siêu, làm nghi lễ trang trọng, làm lễ theo nghi thức Phật giáo, đúng theo lễ thủy táng truyền thống để người thân an lành. Bởi vì, cát bụi sẽ trở về cát bụi với tâm thức người đã khuất trở về với cõi Phật. Thượng tọa Thích Quang Thạnh khẳng định, trong trường hợp, nếu có tro cốt để giám định ADN để xác định nhân thân là không thể được.
Trong những ngày qua, chùa Kỳ Quang 2 (154/4A Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh) trong quá trình sửa chữa một số hạng mục nội bộ, đã để xảy ra việc làm đảo lộn, rơi rớt hình ảnh và danh tánh trên các hũ tro cốt khiến dư luận quan tâm, lo lắng và bức xúc, đặc biệt với người có gửi tro cốt thân nhân tại đây.
Ngày 5/9, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh quyết định tạm ngưng chức vụ trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đối với Hòa thượng Thích Thiện Chiếu. Đồng thời, cử Thượng tọa Thích Quang Thạnh (thế danh Trần Xuân Nhàn) thay Hòa thượng Thích Thiện Chiếu chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động tu học, tín ngưỡng và xã hội của chùa Kỳ Quang 2.
>>> Mời độc giả xem thêm video TPHCM: Dư luận phẫn nộ với hình ảnh tro cốt

Nguồn: VTC Now

 
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)