Sáng 3/9, nhiều người là thân nhân của những người chết có tro cốt được gửi tại chùa Kỳ Quang 2 (phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã đến đây để yêu cầu trụ trì giải quyết sự việc nhiều hũ tro cốt, di ảnh của người đã mất bị xáo trộn.
Họ đã cùng nhau làm đơn để gửi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Đau lòng vì không nhận ra tro cốt người thân
Trong đơn, anh NVS cho biết trong thời gian qua chùa Kỳ Quang 2 tiến hành tu sửa khuôn viên chùa và nhiều hạng mục bên trong.
Quá trình thi công, cải tạo khu vực để tro cốt của hàng trăm người đã gây xáo trộn, thất lạc tro cốt, di ảnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm người.
Kể với chúng tôi, bà MT (quận 1, TP.HCM) nói trong nước mắt: “Năm 1999, ông xã tôi mất, tôi đem vào chùa Kỳ Quang 2 để chôn. Trước thời điểm chồng tôi mất, tôi đã bỏ ra số tiền bằng giá trị là 13 cây vàng mua hai phần đất để chôn cất người thân tại chùa.
Đến năm 2014, nhà chùa thông báo phải giải tỏa khu đất nên thông báo người thân đến bốc mộ lên thiêu. Thiêu xong, hũ tro cốt được đưa vào trong chùa có gắn tên, di ảnh vào. Thế nhưng hôm qua tôi đến, thấy hình một nơi, hũ cốt một nơi, tất cả đều được chất đống, không thể nhận ra đâu là tro cốt của người thân mình.
Thấy cảnh tượng này, tôi đau đến tột cùng vì người thân đã mất mà tro cốt cũng không biết nơi nào”.
Cùng nỗi đau, anh NHH (quận 4, TP.HCM) nói: “Gia đình tôi gửi đến bốn hũ tro cốt ở chùa này. Khi gửi vào, tuy chúng tôi không phải đóng tiền nhưng hằng năm chúng tôi đều cúng công quả và gửi tiền chùa để làm lễ cầu siêu. Khi gửi tôi đã kỹ càng viết tên bằng bút xóa lên từng hũ tro cốt. Hôm qua khi nghe tin, tôi chạy lên thì thấy ảnh một nơi, hũ tro cốt một nơi, đau lòng quá. Do trước đây có làm dấu nên tôi nhận ra được ba hũ tro cốt của người thân, còn một hũ tôi tìm mãi chẳng thấy đâu”.
|
Rất nhiều người viết đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng về việc tro cốt của người thân gửi trong chùa Kỳ Quang 2 bị xâm phạm. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
|
Cảnh đau xót khi không tìm thấy tro cốt người thân gửi tại chùa Kỳ Quang 2. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
|
Đại diện UBND phường 17, quận Gò Vấp, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 và một số người dân đang đọc lại biên bản kiểm đếm tro cốt được gửi tại chùa. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Đã niêm phong khu vực để tro cốt với gần 900 hũ
Ngay trong sáng 3/9, Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2, đã tổ chức cuộc họp với thân nhân của những người có hài cốt gửi trong chùa để thông tin về vụ việc.
Tại cuộc họp, trụ trì chùa cho biết lý do di ảnh trên các hũ tro cốt của người mất bị rơi, rớt là do trong quá trình thờ cúng phải di chuyển đi nơi khác nên bị rơi ra.
“Sự việc xảy ra là ngoài mong muốn của thầy và thầy xin nhận trách nhiệm về mình. Nhằm xác định chính xác hài cốt của thân nhân nào, chùa sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xét nghiệm ADN. Mọi chi phí xét nghiệm ADN phía chùa sẽ chịu hết. Ngoài ra, nếu thân nhân của hài cốt nào có nguyện vọng khác xin làm đơn gửi lên, chùa sẽ giải quyết” - Thượng tọa Thích Thiện Chiếu nói.
Cũng tại buổi họp, trụ trì chùa cho biết thêm ngay khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã đến niêm phong các hũ tro cốt lại.
Chiều 3/9, đại diện UBND phường 17, quận Gò Vấp, trụ trì chùa và một số thân nhân của những tro cốt bị thất lạc xuống nơi cất tro cốt để kiểm đếm.
Tại biên bản làm việc, các bên đã xác định số lượng tro cốt hiện tại là 883 hũ. Trong đó có 302 hũ dưới hầm, 581 hũ đá trắng và có 108 hũ có hình hoặc bài vị, trên mỗi hũ có đánh số thứ tự. Sau khi kiểm đếm thì khu vực cất giữ tro cốt được niêm phong trở lại để chờ hướng xử lý tiếp theo.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Như Hoa, Chủ tịch UBND phường 17, quận Gò Vấp, xác nhận trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đã làm việc với phường, nhận trách nhiệm và đang tìm phương án để giải quyết.
Di dời tro cốt trái ý thân nhân người mất: Coi chừng hình sự
Điều 319 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Theo đó, người nào đào phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Điều đó cho thấy những hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt của người đã chết đã được pháp luật quy định rất nghiêm khắc bằng chế tài hình sự.
Không chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự, người có hành vi xâm phạm mồ mả còn phải có trách nhiệm bồi thường về vật chất theo Điều 607 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó có chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, người xâm phạm mồ mả trái pháp luật còn phải bồi thường, bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người đã chết.
Xâm phạm mồ mả ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là xâm phạm nơi chôn cất thi thể, hài cốt hoặc tro hài cốt của một cá nhân.
Tuy nhiên, để cấu thành tội này thì phải có lỗi cố ý. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xem xét, cần sớm có kết luận nhằm ổn định tâm lý xã hội.
Luật sư BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM