Hàng loạt thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách với thành phố Hà Nội được phiên họp thứ 45 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận sáng 1/6.
Đề xuất hàng loạt chính sách đặc thù
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, lần này Chính phủ đề xuất cho
Hà Nội được thực hiện thí điểm thu phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ
thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; các khoản thu tăng thêm ngân sách thành phố được hưởng 100%...
|
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình về thí điểm cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với thành phố Hà Nội.
|
Thành phố Hà Nội cũng được đề xuất hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất cho Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Hà Nội cũng sẽ được sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước), cho phép các quận sử dụng ngân sách của cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới....
Phải xử được việc không trả trụ sở cũ
Ủng hộ đề xuất thí điểm cho Hà Nội tự quyết thu phí, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị không cần quy định mức trần 1,5 lần. Dẫn câu chuyện từ TP.HCM, ông Thanh cho biết địa phương này được tạo cơ chế có thể quyết gấp 6 lần, do đó, nếu áp trần thì Hà Nội sẽ bị hạn chế hơn TP.HCM.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với quan điểm này, đồng thời nhấn mạnh mục đích trao cho Hà Nội cơ chế này không phải nhằm tăng thu ngân sách, mà để tăng cường quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội. Do đó, các ý kiến đề nghị không nên khống chế mức trần 1,5 lần mà giao HĐND TP quyết định danh mục và mức thu.
|
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trao cơ chế đặc thù cho Hà Nội nhằm tăng cường quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Với đề xuất Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế băn khoăn khi thực tế cho thấy nhiều bộ, ngành sau khi xây trụ sở mới thì không bàn giao trụ sở cũ cho Hà Nội.
Ông Thanh cho rằng Chính phủ cần có biện pháp xử lý, nếu không, có giao cơ chế thì Hà Nội cũng chưa chắc thực hiện được chủ trương lớn của Quốc hội.
Cũng đề cập đến thực trạng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết nhiều đơn vị nói cho đất xây trụ sở mới thì sẽ trả trụ sở cũ, nhưng cuối cùng tình trạng "có trụ sở mới không chịu trả trụ sở cũ" vẫn không ít.
Bà đề nghị nếu giao cơ chế cho Hà Nội thì thành phố phải làm nghiêm.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn Luật Thủ đô quy định cơ quan, đơn vị được cấp đất xây dựng trụ sở mới phải trả lại trụ sở cũ cho thành phố sử dụng, phát triển. Nhưng ông cũng chung nhận định việc này chưa được thực hiện nghiêm.
Nhấn mạnh việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội là để thành phố chủ động trong sử dụng nguồn lực phát triển thủ đô, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị làm thí điểm và phải có tổng kết đánh giá, làm sao tăng phân cấp cho địa phương.
Ông Hiển cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình ra Quốc hội xem xét các chính sách đặc thù cho Hà Nội như Chính phủ đề xuất. Tuy nhiên, ông lưu ý không khống chế mức trần thu phí, lệ phí mà giao HĐND TP quyết định danh mục và mức thu, trừ lệ phí toà án.