Đề nghị mức án 3-4 năm tù với cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có hợp lý?

Google News

(Kiến Thức) - Viện kiểm sát quân sự Trung ương đã đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Liên quan đến phiên xét xử sơ thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm liên quan đến những sai phạm tại khu "đất vàng" trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP HCM), mới đây, Viện kiểm sát quân sự Trung ương đã đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cấp bậc Đô đốc, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến được xác định đã thiếu kiểm tra, tin tưởng cấp dưới nên ký phê duyệt các văn bản đưa 3 lô đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế mà thực chất là thuê đất trái quy định. Đồng thời, không kiểm tra việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng về cấm góp vốn bằng đất, không kiểm tra hoạt động của Công ty Hải Thành dẫn đến việc đối tác mang giấy chứng nhận sử dụng đất đi thế chấp, chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, chuyển đổi cho bên thứ ba. Hậu quả làm Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng các lô đất.
De nghi muc an 3-4 nam tu voi cuu Thu truong Bo Quoc phong co hop ly?
 Bị cáo Nguyễn Văn Hiến.
Viện kiểm sát cũng đánh giá ông Nguyễn Văn Hiến có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, bị cáo không có kinh nghiệm chuyên môn về quản lý kinh tế, phạm tội với lỗi vô ý vì quá tự tin, không có hành vi vụ lợi và thành khẩn khai báo. Do vậy, đề nghị tòa tuyên phạt mức án 3-4 năm tù.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng là chế định thể hiện sự ưu việt của pháp luật hình sự Việt Nam, đề cao tính nhân văn, nhân đạo đối với người có hành vi phạm tội.
Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người bị kết án nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Tuy nhiên, để có cơ sở quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt thì Tòa án phải dựa trên các căn cứ sau:
Thứ nhất, trên cơ sở các quy định của Bộ luật hình sự, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, đầu tiên của hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt.
Khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định, tòa án phải cân nhắc một cách cẩn trọng trên cơ sở đánh giá toàn diện các quy định trong phần chung và phần các tội phạm cụ thể của BLHS cũng như tác động xã hội đối với việc áp dụng quy định này cho người bị kết án. Do đó, sự tuân thủ căn cứ này nhằm đảm bảo tính thống nhất, chính xác trong thực tiễn áp dụng pháp luật của Tòa án khi xét xử.
Thứ hai, xem xét tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Khi xem xét căn cứ này, tòa án phải đánh giá một cách toàn diện, khách quan về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để quyết định loại hình phạt, khung hình phạt phù hợp.
Hai yếu tố này luôn song hành và bổ trợ cho nhau trong việc xác định về mặt “chất” – tính chất và “lượng” – mức độ.
Nếu việc đánh giá mang tính khiên cưỡng, nặng về hình thức, hoặc thiên lệch (tức là coi nặng mặt chất, coi nhẹ mặt lượng hoặc ngược lại) sẽ rất nguy hiểm bởi lẽ khi có sự biến đổi về lượng trong một khung hình phạt đến một mức độ nhất định sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất. Nghĩa là khi hành vi nguy hiểm của người bị kết án biến đổi đến một mức độ nhất định nào đó (tăng lên hoặc giảm đi ở một mức độ đáng kể nhất định) thì sẽ cho phép tòa án chuyển khung hình phạt (lên khung tăng nặng hoặc xuống khung giảm nhẹ liền kề hoặc xuống khung giảm nhẹ không bắt buộc phải liền kề).
De nghi muc an 3-4 nam tu voi cuu Thu truong Bo Quoc phong co hop ly?-Hinh-2
 Luật sư Diệp Năng Bình.
Thứ ba, xem xét nhân thân người bị kết án, đây là căn cứ không chỉ phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà còn phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục của người bị kết án cũng như hoàn cảnh đặc biệt của họ. Vì vậy có thể nói, căn cứ nhân thân người bị kết án chính là cơ sở để cá thể hóa hình phạt khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định.
Thứ tư, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ không phải là yếu tố quyết định đến tính chịu trách nhiệm hình sự của người bị kết án nhưng lại là yếu tố có tính ảnh hưởng cao đến việc quyết định hình phạt đối với người bị kết án.
Luật sư Bình cho rằng, việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ có thể tác động đến việc định khung, hoặc quyết định hình phạt của vụ án.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định điều kiện áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật này; Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể” (khoản 1, khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015);
“Trong trường hợp có đủ các điều kiện theo quy định, nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.
Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án” (khoản 3 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Việc quy định áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có lợi cho bị cáo thể hiện tính độc lập của tòa án nhân dân trong hoạt động tố tụng với các cơ quan tiến hành tố tụng, mà trực tiếp là bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân. Hậu quả áp dụng trong trường hợp này được hiểu là mang tính có lợi cho bị cáo.
Từ những phân tích trên, qua quá trình điều tra, truy tố và xét xử cho thấy bị cáo Nguyễn Văn Hiến là người có nhân thân tốt, trong quá trình công tác có nhiều cống hiến cho quá trình xây dựng, bảo vệ tổ quốc, có nhiều công lao, đóng góp trong xây dựng quân chủng Hải quân vững mạnh.
Tại thời điểm phạm tội, với chức trách là Tư lệnh hải quân đồng thời phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng trong lúc tình hình biển đảo diễn biến phức tạp, bị cáo không có kinh nghiệm, chuyên môn sâu về kinh tế, vì tin tưởng cấp dưới, tin tưởng bàn bạc tập thể dẫn đến phạm tội.
Đồng thời không phát hiện động cơ mục đích phạm tội vì vụ lợi cá nhân. Bị cáo đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương, giải thưởng Hồ Chí Minh, có anh trai ruột là liệt sỹ, sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh. Quá trình điều tra, tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Do đó, có thể khi lượng hình Hội đồng xét xử có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt như đề nghị của Viện kiểm sát.
>>> Mời độc giả xem video Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến hầu tòa

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)