ĐBQH Vũ Trọng Kim: Quan chức cấp cao nối nhau bị bắt, vụ Việt Á đau lắm!

Google News

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) chia sẻ, ông cảm thấy buồn, đau lòng khi hàng loạt quan chức cấp cao nối nhau bị bắt. Nhưng đau cũng phải làm quyết liệt.

Ngày 7/6, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đã có những trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống liên quan đến vụ việc Việt Á đang được dư luận quan tâm.
Đau cũng phải làm quyết liệt
- Sáng 7/6, Quốc hội đã bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Tôi cảm thấy buồn. Đau lòng. Nhưng đau thì cũng phải quyết liệt. Tôi nghĩ người dân chờ đợi việc này lâu rồi. Sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước và của chính Quốc hội sẽ thỏa mãn được mong ước của đồng bào, rằng chúng ta phải đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng. Dù là bất kỳ ai, ở vị trí nào thì cũng phải đến nơi đến chốn.
Đã làm quan là phải phục vụ nhân dân, vì dân phục vụ, chứ đừng làm quan để nhờ những vị trí đặc quyền đặc lợi, dung túng cho bản thân mình trục lợi thì không thể chấp nhận được, dù là bất cứ ai.
DBQH Vu Trong Kim: Quan chuc cap cao noi nhau bi bat, vu Viet A dau lam!
 Đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 7/6. Ảnh: Mai Loan.
- Có ý kiến cho rằng, với những người giỏi về chuyên môn thì chỉ nên làm chuyên môn, không nên làm quản lý, khi xảy ra những sai sót sẽ rất đáng tiếc, mất đi những người tài, đặc biệt là những vụ việc liên quan đến bác sĩ. Quan điểm của ông thế nào?
Theo tôi, có chuyên môn thì mới làm được quản lý tốt. Mà muốn quản lý tốt thì phải có chuyên môn. Chứ không tách ra được. Bởi không thể đào tạo một người quản lý về một ngành mà anh không biết gì về ngành đó.
Người có chuyên môn thì phải nâng cao tinh thần phục vụ, đạo đức nghề nghiệp, chất lượng đội ngũ cán bộ bằng lý tưởng phục vụ nhân dân và đạo đức sống.
Khi một người quản lý giỏi là người hiểu biết được về chuyên môn, và người có chuyên môn giỏi nếu hiểu biết được công tác quản lý thì sẽ trở thành những nhân vật lãnh đạo có tầm cỡ quốc gia, thúc đẩy những ngành, lĩnh vực đó phát triển.
- Dẫn đến những kết cục đau lòng như thế này, theo ông nguyên nhân vì đâu? Do quản lý yếu kém, hay do cám dỗ quá lớn mà bất kỳ ai cũng có thể sa ngã?
Theo tôi không phải do quản lý, cũng không phải một khoảnh khắc nào đó xao lòng. Mà là do có động cơ muốn vinh thân phì gia. Do đạo đức không được rèn luyện thường xuyên. Thay vào đó là ham muốn tích cóp cho gia đình, cho bản thân, hoặc cho anh em, dòng họ… Những tư tưởng này có thể phát sinh trong một thời điểm nào đó của cuộc đời người cán bộ.
Vì sao anh đã không thể giữ nổi sự nhiệt tình, hăng say, tình nguyện như lúc thanh niên? Đến một lúc nào đó anh lại quên đi tất cả những điều đó, chỉ còn những suy nghĩ thực dụng?
Cho nên, mỗi ngày đều cần phải tu dưỡng rèn luyện. Chứ không phải như câu nói, phải chờ đến ngày về hưu thì mới biết anh là người thế nào.
Quả bom cảnh tính với người có chức có quyền
- Ông đánh giá như thế nào về vụ việc Việt Á? Liệu đây có phải là lời cảnh tỉnh với nhiều người không, thưa ông?
Tôi cho rằng, vụ việc Việt Á giống như quả bom chấn động, cho đến thời điểm này đã có nhiều người bị công an gọi mang tính chất hình sự. Điều này có tính cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với tất cả cán bộ của chúng ta trong toàn bộ hệ thống chính trị, không trừ ngành nào.
Đây cũng sẽ là "quả bom" có sự lan tỏa rất mạnh mẽ đối với đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, kể cả những Đảng viên có chức có quyền.
Đã là người cán bộ được nhân dân trọng vọng, tin tưởng thì phải vượt lên thử thách, vượt lên chính bản thân mình để xứng đáng với điều đó. Phải luôn luôn rèn luyện, không một phút giây nào lơi lỏng, lơi lỏng sẽ hỏng hết.
- Liên quan đến vụ Việt Á, liên tiếp những ngày gần đây đã có những cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý. Ông suy nghĩ gì về điều này? Nó ảnh hưởng ra sao đối với niềm tin mà ông vừa nói?
Đã có chức vụ, quyền hạn, lại sử dụng điều đó cho hành vi tiêu cực thì hậu quả rất lớn. Cán bộ quyền hạn càng cao, mà lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để phục vụ cho mục đích cá nhân thì tác hại là vô cùng. Tác hại này không chỉ là thất thoát về tiền bạc, mà còn là danh tiếng, uy tín.
Nó sẽ khiến người dân nghi ngờ. Nhìn con sâu làm rầu nồi canh, tác hại ở đây là có thể dẫn tới suy nghĩ “vơ đũa cả nắm”: “Trông ông ấy như vậy liệu có trong sạch hay không?”. Đau là ở chỗ đó.
- Từ phía cá nhân, là thiếu đi sự rèn luyện như ông nói. Tuy nhiên, liệu chúng ta cũng cần có những cái “phanh” để hạn chế những vết trượt đau lòng có thể xảy ra không, thưa ông? Cần phải rút kinh nghiệm như thế nào từ những vụ việc đau lòng này?
Theo tôi, cần lưu ý tới công tác cán bộ. Phải rà soát, đánh giá được đội ngũ cán bộ thường xuyên. Tôi nghĩ mỗi vụ việc đều có những quá trình. Công tác cán bộ rất quan trọng, từ việc lựa chọn cán bộ, đưa vào vị trí. Thử thách xong phải xem xét, đánh giá lại để từng bước có những bố trí cho phù hợp. Nếu không làm được phải rút ra. Và phải có cơ chế giám sát xung quanh.
Hiện nay, giám sát của mình theo tôi vẫn kém. Đội ngũ giám sát xung quanh có khi lại sợ sệt, không dám nói những lời phản biện, mà nói xuôi chiều, “nịnh trên nạt dưới”. Nếu xung quanh toàn những lời nịnh bợ thì người cán bộ khó có thể nhìn thấy những khuyết điểm, hạn chế để vươn lên, phát triển.
Cho nên, trong công tác cán bộ hãy mạnh dạn hơn, nhanh chóng thay thế những cán bộ không còn khả năng phấn đấu rèn luyện nữa, chỉ có cơ hội là chụp giật, vinh thân phù gia.
Trong suốt cuộc đời, mỗi người luôn phải tự nghĩ đã làm được gì, và sắp tới sẽ làm gì nữa, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện thì mới làm tốt được.
Trân trọng cảm ơn ông!
Liên quan vụ Việt Á, sáng 7/6, Quốc hội đã bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long. Trước đó, ngày 6/6, Ban Chấp Trung ương Đảng khoá XIII đã họp bất thường và quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với hai Ủy viên Trung ương là ông Chu Ngọc Anh, Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ngày 7/6, ông Chu Ngọc Anh bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc có sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát. Chiều cùng ngày, khoảng 9 tiếng sau khi bị cách chức và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị khởi tố, tạm giam với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,
Cùng ngày, C03 cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cùng tội danh với ông Chu Ngọc Anh.
 

Mời quý độc giả xem video Đại biểu Vũ Trọng Kim trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về "quả bom" cảnh tỉnh Việt Á đối với những cán bộ, đặc biệt là người có chức có quyền. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan (thực hiện)

>> xem thêm

Bình luận(0)