ĐBQH: Đừng để tăng lương, tăng giá nửa mừng nửa lo

Google News

Dẫn thực tế từ mớ rau, con cá đã bắt đầu lên giá trước thông tin tăng lương, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần có giải pháp kiểm soát giá, nếu không tăng lương cũng không ý nghĩa.

Từ 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng lương cơ sở 30% từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng. Thông tin này đang nhận được sự quan tâm lớn từ người lao động. PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi bên hành lang Quốc hội với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.
DBQH: Dung de tang luong, tang gia nua mung nua lo
 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Tăng lương tăng giá mức sống không tăng
Từ ngày 1/7 tới đây, lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng 30% trên mức lương cơ sở. Đây là tin vui với nhiều người lao động, nhưng cùng với đó cũng là nỗi lo giá cả tăng theo. Bà có suy nghĩ gì về điều này?
Tăng lương, tăng giá, có thể nói đây là câu chuyện không mới trong mỗi đợt điều chỉnh lương của Chính phủ. Bản thân tôi khi ra chợ thấy từ mớ rau, con cá đã tăng giá. Tôi hỏi thì nhận được câu trả lời: Sắp tăng lương rồi, mà nghe nói đợt này tăng rất là nhiều.
Có thể nói, đợt điều chỉnh lương từ ngày 1/7/2024 này là đợt điều chỉnh lớn nhất từ trước cho đến nay. Trong đợt điều chỉnh lương gần nhất, chúng ta mới chỉ điều chỉnh tăng 20%. Còn trong đợt 1/7 này, tăng 30%.
Với người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tin này sẽ được đón nhận với tâm trạng “nửa mừng, nửa lo”. Mừng bởi vì thu nhập từ lương đã được tăng lên đáng kể. Lo là vì sợ vẫn tiếp diễn tình trạng như từ trước tới nay: Hễ cứ tăng lương là giá cả lại tăng theo.
Điều đó khiến cho việc tăng lương gần như chỉ là tăng số tiền trong tài khoản thôi chứ không phải là nâng cao mức sống của người lao động.
Vậy theo bà, cần có giải pháp nào để niềm vui này của người lao động được trọn vẹn?
Tôi cho rằng, bài toán đặt ra trong thời điểm hiện nay cũng khá nan giải đối với Chính phủ, đó là phải có những cải cách, chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, vi mô như thế nào để chúng ta kiểm soát được giá cả.
Đương nhiên là giá cả thì theo thời gian thì sẽ tăng theo quy luật. Nhưng hiện tượng “té nước theo mưa”, lợi dụng việc tăng lương để tăng giá một cách không theo quy luật nào đã xảy ra.
Điều này, cần phải có sự quản lý và chỉ đạo sâu sát từ cơ quan chức năng để làm sao tăng lương thực sự phải để nhằm cải thiện đời sống của người lao động và để niềm vui tăng lương cho người lao động được trọn vẹn chứ không phải là cứ nửa mừng nửa lo.
Giải pháp lâu dài cần cải cách tiền lương
Thay vì cải cách tiền lương theo vị trí việc làm như đã dự kiến thì sẽ tăng lương cơ sở 30%?, bà có suy nghĩ gì về lần "lỡ hẹn" này?
Chúng ta đã dự kiến cải cách tiền lương nhưng cuối cùng tại thời điểm hiện tại lại thực hiện tăng lương. Hai việc này có một điểm chung, đó là khi cải cách tiền lương hay khi tăng lương thì lương của người lao động nói chung được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Nhưng có điểm khác nhau cơ bản là cách tính lương.
Theo đó, nếu cải cách tiền lương, chúng ta sẽ bỏ cách tính lương truyền thống theo mức lương cơ sở, theo ngạch bậc, theo thâm niên công tác và theo các loại phụ cấp và thay vào đó sẽ tính lương theo vị trí việc làm của người lao động. Phương án này có rất nhiều ưu việt, đặc biệt là bảo đảm sự công bằng, khoa học hơn trong cách tính lương người lao động.
Hiện nay, cùng một vị trí việc làm, cùng một trình độ, nhưng nếu khác về thâm niên công tác thì mức lương của người lao động dù rằng phải đảm nhiệm cùng một công việc đấy, thì mức lương lại vô cùng khác nhau, thậm chí chênh nhau gấp mấy lần.
Chẳng hạn, với một sinh viên mới ra trường cũng rất có năng lực để tự đảm nhận những công việc đó so với một người đã làm công việc đó rất nhiều năm thì hai mức lương lại chênh nhau rất nhiều, dẫn đến chưa bảo đảm công bằng. Nếu cải cách được, sẽ có được một cách tính tiền lương rất khoa học, hiện đại, công bằng và cũng tiệm cận với cách tính lương của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Để thực hiện, chúng ta cần chuẩn bị những gì, thưa bà?
Để thay đổi được cách tính tiền lương với sự thay đổi thực sự triệt để thì phải có nhiều điều kiện đi kèm. Trong đó, trước tiên là về nguồn lực. Hiện nay, chúng ta cũng đã có được một khoản ngân sách nhất định, tiết kiệm trong một số năm để thực hiện nguồn cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, để cải cách tiền lương thì không chỉ dùng nguồn lực tiết kiệm, bởi đây là bài toán dài hơi. Do đó, bên cạnh việc tiết kiệm, chúng ta cần phải nhiều giải pháp khác để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, để chỉ số GDP bình quân hằng năm tăng cao hơn chứ không chỉ đơn thuần là việc chúng ta để dành được bao nhiêu tiền để thực hiện cải cách tiền lương.
Thứ hai, chúng ta phải sửa đổi về mặt thể chế. Bởi hiện nay, với cách tính lương truyền thống liên quan đến rất nhiều các quy định pháp luật khác nhau. Thí dụ như Luật Bảo hiểm xã hội chúng ta vừa xem xét sửa đổi, căn cứ cho người lao động đóng bảo hiểm là mức lương cơ sở. Nếu giờ sửa đổi cách tính lương thì đương nhiên lại phải sửa đổi luật. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát để sửa đổi các quy định pháp luật khác liên quan đến thi đua, khen thưởng...
Bên cạnh đó, chúng ta còn phải xây dựng được vị trí việc làm, mô tả từng vị trí việc làm đối với tất cả các ngành nghề hưởng lương từ ngân sách. Đây là công việc khó nhất, lâu dài nhất và đến thời điểm hiện tại chúng ta chưa làm xong. Mặc dù trong những năm qua rất nỗ lực nhưng đây là việc mà cần rất nhiều thời gian và công sức.
Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác khiến cho việc cải cách tiền lương tính đến thời điểm này nếu chúng ta thực hiện ngay thì gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính bởi vậy, cho nên Chính phủ quyết định trước mắt chưa thực hiện được toàn bộ các nội dung cải cách tiền lương và chỉ thực hiện một số nội dung, trong đó có nội dung tăng lương cơ sở.
Việc tăng lương 30% đáp ứng được cái nhu cầu trước mắt. Đó là người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước rất mong chờ mức lương về cơ bản sẽ đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của họ. Tôi nghĩ rằng đây là giải pháp trước mắt tốt nhất.
Vậy theo bà, đâu là giải pháp lâu dài? 
Tôi cho rằng, Chính phủ vẫn cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm thích hợp sau này.
Trân trọng cảm ơn bà!

“Tôi vẫn nhấn mạnh là để có một nguồn lực thực sự vững chắc để cải cách tiền lương thì những giải pháp đưa ra về tăng năng suất lao động, tinh giản, tinh gọn bộ máy và nâng cao GDP là điều rất quan trọng. Bởi vì có như thế chúng ta mới có một nguồn lực thực sự vững chắc để thực hiện cải cách tiền lương. Còn nếu như chúng ta không áp dụng đồng bộ các giải pháp khác thì cũng rất khó khăn trong việc tính toán các nguồn lực để cải cách tiền lương”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.


Mời quý độc giả xem video đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi bên hành lang Quốc hội về tâm trạng "nửa mừng nửa lo" khi tăng lương cơ sở 30%. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan (thực hiện)

>> xem thêm

Bình luận(0)