Chiều ngày 21/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Cần bổ sung quy định về cấm mua bán bào thai người
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) nêu ý kiến về nội dung nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai.
|
Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An). Ảnh: QH. |
Theo đại biểu, mua bán bào thai là một thủ đoạn mới của bọn tội phạm mua bán người và mới xuất hiện gần đây, tuy nhiên trong thời gian qua chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý. Đối tượng phạm tội thường tìm đến những phụ nữ người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ việc ra nước ngoài sinh con bán lấy tiền hoặc đổi bằng các hiện vật khác. Việc thỏa thuận này bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em, tuy nhiên việc xử lý rất khó khăn, vì trong quy định của Bộ luật Hình sự chưa có.
Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi trẻ em thì việc bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 3 nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai trong dự thảo luật tại kỳ họp thứ 8 lần này là hết sức cần thiết và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Quy định này sẽ góp phần trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đó là bảo vệ trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Tuy nhiên, theo đại biểu, trên thực tiễn, việc mua bán bào thai có thể nhằm mục đích mua bán trẻ em sau khi được sinh ra nhưng cũng có thể nhằm những mục đích khác. Quy định trong dự thảo luật lần này đã xử lý được hành vi mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán trẻ em nhưng lại chưa xử lý được hành vi mua bán bào thai không nhằm mục đích mua bán trẻ em.
Bộ luật Hình sự có quy định tội phạm đối với hành vi mua bán, chiếm đoạt trái phép mô hoặc bộ phận cơ thể người tại Điều 154 nhưng thai nhi lại không phải là bộ phận cơ thể người.
“Do đó, tôi đề nghị nên bổ sung thêm quy định nghiêm cấm mua bán bào thai người tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật như đã trình tại phiên họp chuyên đề của đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 8. Đồng thời, tôi đề nghị nên bổ sung tại Điều 2 về giải thích từ ngữ thế nào là bào thai để việc triển khai áp dụng trong thực tiễn được thống nhất và thuận lợi”, đại biểu nêu ý kiến.
Rà soát khái niệm mua bán người, bóc lột tình dục
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, khái niệm mua bán người, các hành vi và mục đích tại khoản 1, khoản 2 của dự thảo chưa bao hàm hết các hành vi trên thực tế.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) . |
Trong thực tiễn có nhiều hành vi mua bán người khác, như dụ dỗ, lôi kéo, hành vi mua bán trẻ sơ sinh, hành vi môi giới, lợi dụng nhận con nuôi, tuyển mộ lính đánh thuê, chuyển giao khoa học, tiếp nhận người để ép buộc làm vợ, ép buộc sinh con trái ý muốn hoặc ép buộc thực hiện các hành vi khác như vận chuyển ma túy, hàng cấm qua biên giới.
Hành vi tuyển mộ, lừa gạt, mời gọi, đe dọa, dụ dỗ để yêu cầu nạn nhân thực hiện việc chuyển tiền, lấy cắp thông tin, môi giới du học, chuyển nhượng cầu thủ trẻ, mua bán thai nhi, hành vi sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, nô lệ tình dục, hiến tạng, các hành vi bắt cóc cho nạn nhân uống thuốc ngủ, đầu độc nạn nhân buộc nạn nhân phải ăn xin…
Do đó, theo đại biểu, cần tiếp tục rà soát khái niệm này cho đầy đủ và thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết 02 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao năm 2019, cho phù hợp với Điều 150 về mua bán người và Điều 151 tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.
Về khái niệm bóc lột tình dục, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho hay, tại khoản 2 dự thảo quy định bóc lột tình dục là ép buộc nạn nhân bán dâm, tổ chức cho nạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân đến cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân làm đối tượng để sản xuất sách báo, tranh ảnh, phim nhạc.
Quy định này chưa đầy đủ và phù hợp với quy định tại Điều 150, Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
“Việc bóc lột tình dục không nhất thiết có yếu tố ép buộc như giải thích của dự thảo, đặc biệt đối với trường hợp nạn nhân dưới 16 tuổi, tại Điều 151 dự thảo của Bộ luật Hình sự. Ngay cả với trường hợp nạn nhân từ đủ 16 tuổi trở lên thì việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chỉ là thủ tục bắt buộc của các hành vi vận chuyển, chuyển giao, tiếp nhận, tuyển mộ, chứa chấp người khác, v.v., còn mục đích bóc lột tình dục thì không bắt buộc phải có sự ép buộc theo Điều 150 Bộ luật Hình sự”, đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu, cần nghiên cứu giải thích khái niệm bóc lột tình dục cho phù hợp với Nghị quyết số 02 năm 2019 cuả Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao để đảm bảo tính thống nhất trong các điều luật khác.