Đầu vào thấp thế, đổi mới sao nổi?

Google News

(Kiến Thức) - Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chỉ đạo các trường sư phạm dừng lại việc tuyển thí sinh có điểm thi thấp trúng tuyển vào trường mình.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Bộ GD&ĐT nên chỉ đạo các trường sư phạm dừng lại việc tuyển thí sinh có điểm thi thấp trúng tuyển vào trường mình. Muốn đổi mới giáo dục, muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì buộc phải có đội ngũ giáo viên trình độ cao. Tuyển thí sinh đầu vào quá thấp như vậy, rất nguy hiểm.
Đầu vào thấp, khó có đầu ra cao
Vấn đề khiến dư luận, nhiều chuyên gia giáo dục khá lo lắng hiện nay là điểm đầu vào của các trường sư phạm khá thấp, thậm chí có trường thí sinh chỉ cần có tổng điểm 3 môn là 9 cũng đỗ. Trong khi có những trường lấy điểm rất cao như một số trường trong khối quân đội, công an lấy 30,25 và 30,5 điểm. Là một người cả đời tâm huyết với sự nghiệp sư phạm, ông nghĩ sao về chuyện này?
Trước tiên phải khẳng định điểm đầu vào chỉ là một yếu tố quyết định chất lượng giáo viên. Nhưng ở nước ta, trong điều kiện các trường đại học không có cách tuyển sinh nào khác ngoài dựa vào điểm số thi tuyển sinh thì yếu tố này lại trở nên vô cùng quan trọng. Điểm thi là chuẩn đánh giá trình độ người học, đương nhiên điểm thi thấp thì trình độ thấp. Lấy đầu vào thấp thì khó có đầu ra cao. Và tất nhiên chất lượng giáo viên cũng sẽ vì thế mà lao dốc theo.
Dau vao thap the, doi moi sao noi?
 TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).
Trong tuyển sinh thì đương nhiên phải dựa vào điểm số?
Có một số trường đặc thù họ tổ chức thêm kỳ thi riêng như thi năng khiếu báo chí ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hoặc phỏng vấn trực tiếp, viết một bài luận nào đó về chuyên ngành đăng ký ở một số trường đại học. Các trường sư phạm muốn tuyển được thí sinh phù hợp thì cũng phải tổ chức thêm kỳ thì riêng như thế. Nhưng đáng tiếc là hiện các trường sư phạm không được quyền tự lo liệu đầu vào mà phụ thuộc vào Bộ GD&ĐT.
Điểm đầu vào thấp, nhưng có khi nào quá trình đào tạo tốt, vẫn cho “ra lò” những sinh viên chất lượng cao?
Quy trình đạo tạo như hiện nay, phương pháp đào tạo không có gì đột phá, thay đổi so với vài chục năm về trước. Sinh viên học chữ nào hay chữ ấy. Đầu vào bao nhiêu, đầu ra bấy nhiêu. Thế thì lấy đâu ra chuyện đầu vào thấp mà đầu ra cao được, ngoại trừ có trường hợp cá nhân sinh viên đó nỗ lực phấn đấu liên tục trong 4 năm đại học, nhưng số này thì là bao nhiêu?
Đầu ra thấp thì chất lượng giáo viên thấp. Hệ quả tiếp theo là gì thưa ông?
Giáo viên chính là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của một quốc gia. Chất lượng giáo viên phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đầu vào cũng như quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Để đào tạo một giáo viên có năng lực và phẩm chất tốt thì chất lượng đầu vào phải tốt. 3 điểm/môn là đỗ ngành sư phạm là điều không thể chấp nhận. Tôi thấy lo lắng cho nền giáo dục nước nhà.
Đào tạo làm gì cho lãng phí?
Trong khi có trường công an, thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học thì có những trường sư phạm thậm chí không có thí sinh đăng ký. Sao lại có thực trạng buồn này thưa ông?
Trước đây sư phạm cũng là trường “hot” với điểm đầu vào rất cao. Lý do là khi ấy, sinh viên sư phạm đi học không phải đóng học phí, ra trường là có việc làm ngay, không phải vất vưởng đó đây xin việc hay bỏ ra hàng trăm triệu chạy việc. Nhưng bây giờ, sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp đầy rẫy, ngành sư phạm không còn “hot” nữa. Trong khi nếu bạn học xong trường công an, đương nhiên bạn có việc làm với mức lương thuộc loại khá. Hay nếu bạn học làm bác sỹ, thu nhập của bác sỹ từ sự “chăm lo” của người bệnh là điều rất đáng mơ ước.
Ông đang nói đến tình trạng thừa giáo viên, vậy sao ta vẫn cứ tuyển sinh?
Tôi đang đặt câu hỏi ấy đấy. Trong điều kiện chúng ta đang thừa giáo viên, chất lượng giáo viên chưa cao, tại sao lại cứ tuyển sinh rồi đào tạo đại trà như vậy. Tại sao không đặt vấn đề chỉ đào tạo những học sinh giỏi, xuất sắc cho ngành sư phạm?
Nếu thế thì các trường sư phạm tồn tại sao nổi, sinh viên đâu mà dạy?
Các trường sư phạm hãy khoan đào tạo sinh viên mới. Hãy tập trung sức mà đào tạo lại giáo viên chưa đủ năng lực, thay vì chạy theo đào tạo mới. Số giáo viên chưa đủ trình độ đạt chuẩn hiện nay không phải là ít đâu. Trường sư phạm không có sinh viên mới cũng không sao cả, nhưng đặt nền giáo dục vào tay những người có trình độ thấp thì không ổn.
Vậy ông có kiến nghị gì với Bộ GD&ĐT?
Bộ hãy chỉ đạo các trường dừng ngay việc tuyển sinh đầu vào quá thấp như vậy. Khi giáo viên chúng ta còn thất nghiệp nhiều mà cứ đào tạo chất lượng thấp như vậy chỉ tạo thêm cho xã hội gánh nặng. Bởi số sinh viên này ra trường sẽ tiếp tục không có việc làm. Xã hội lại phải bỏ chi phí ra để đào tạo lại. Đó sẽ là một sự lãng phí lớn.
Không biết ở các nước khác, họ lựa chọn sinh viên theo học ngành sư phạm như thế nào?
Vì tầm quan trọng của chất lượng đầu vào nên ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến họ có những giải pháp để thu hút những thí sinh có điểm cực cao đầu quân vào các cơ sở đào tạo giáo viên. Tùy theo từng nước khác nhau mà người ta lấy 10 – 15 – 30% lượng thí sinh có điểm thi quốc gia cao nhất vào các cơ sở đào tạo sư phạm và đương nhiên đó cũng là những cơ sở có sức hút, là nơi thí sinh nào cũng muốn vào như công an, quân đội hay ngành y của Việt Nam bây giờ.
Đổi mới sao nổi đây?
Tâm tư của ông trước thực trạng đầu vào các trường sư phạm thấp trong nhiều năm gần đây?
Hiện tại, có thể nói đầu vào ngành sư phạm không thu hút được thí sinh có điểm số cao. Hay nói cách khác, thí sinh có điểm cao đang quay lưng với sư phạm. Nguyên nhân như tôi vừa nói. Khi các trường lấy đầu vào thấp thì sẽ gây ra hệ lụy lớn là số sinh viên này khi ra trường sẽ đảm đương công việc thế nào. Đổi mới sao nổi đây? Trình độ thấp như thế thì làm sao đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Không đáp ứng được thì lại thất nghiệp. Nó sẽ thành cái vòng luẩn quẩn, nghĩ mà rất đau lòng cho ngành giáo dục.
Chúng ta vẫn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng dường như chính sách cho giáo dục vẫn chưa có sự đột phá?
Phải nói là có những chính sách còn rất lạc hậu mới đúng. Tôi ví dụ như tính định mức cho giáo viên theo giờ dạy mà không tính theo năng lực, trình độ. Thế là không cần phải nỗ lực làm cho thật tốt, chỉ cần đảm bảo đúng giờ lên lớp là lĩnh lương. Cách tính này tồn tại mấy chục năm, giờ vẫn không thay đổi. Nếu chính sách không thay đổi, không có sự đột phá, thì khó mà đổi mới được giáo dục.
So với các ngành khác, theo ông điểm chuẩn ngành sư phạm phải đứng trong nhóm nào?
Để nâng cao chất lượng giáo dục trong tương lai chúng ta phải có những giải pháp đột phá để thu hút thí sinh giỏi. Bên cạnh đó chúng ta phải có giải pháp để điểm chuẩn ngành sư phạm phải thuộc top cao nhất trong các ngành. Đầu tiên, chế độ đãi ngộ phải tốt để giáo viên sống thoải mái bằng lương. Hơn nữa, sinh viên trường sư phạm ra trường phải đảm bảo cho các em có việc làm như khối ngành công an, quân đội. Ngành sư phạm phải tuyển những em xuất sắc nhất, thì mới mong đổi mới.
Xin cảm ơn ông!
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn ngành cao nhất là sư phạm Toán lấy 27,75 thấp nhất là Giáo dục Quốc phòng An ninh lấy 17 điểm. Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm trúng tuyển các ngành: Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ văn chỉ là 9 điểm với phương thức sử dụng kết quả thi quốc gia. Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai cũng lấy điểm trúng tuyển là 9,5 hay trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, Cao đẳng Sư phạm Hải Dương có điểm chuẩn của tất cả ngành học là 10.
Tô Hội (thực hiện)

Bình luận(0)