Mới đây, mở rộng điều tra vụ án liên quan đến vợ chồng Đường “Nhuệ” thao túng, khống chế, thông đồng trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản - Sở Tư pháp và Trưởng phòng phát triển quỹ đất và kỹ thuật đất đai - Sở TN&MT cùng 2 thuộc cấp vì liên quan đến những sai phạm trong đấu giá đất.
Nguyễn Thị Dương, vợ Đường “Nhuệ” mới đây cũng bị khởi tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với vai trò đồng phạm.
Kết quả điều tra cho thấy, 4 cán bộ bị khởi tố bắt giam trên đã có hành vi giúp vợ chồng Đường Nhuệ thay đổi kết quả đấu giá đất tại lô đất số 9, thuộc khu dân cư đô thị tại tổ 15 phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình vào tháng 11/2019.
|
Dự án phát triển nhà ở thương mại tại phường Trần Lãm, TP Thái Bình mới đây bị thu hồi dù đang triển khai xây dựng. |
Đáng chú ý, năm 2019, vợ chồng Đường “Nhuệ” đã đấu trúng nhiều lô đất có giá trị lớn. Cụ thể, tại khu tái định cư Đồng Lôi (TP.Thái Bình), vợ chồng Đường “Nhuệ” đã đấu trúng 10 lô đất, trị giá mỗi lô đều trên 2 tỷ đồng.
Tháng 1/2019, huyện Đông Hưng tổ chức đấu giá 24 lô đất thuộc xã Lô Giang, kết quả Nguyễn Xuân Đường mua được tới 20 lô dù không hề bỏ giá quá cao. Sau đó 3 tháng, vợ chồng Đường “Nhuệ” tiếp tục đấu trúng 7 lô đất khác trên địa bàn xã này.
Tại danh sách người trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương cho thấy, trong tổng số 38 lô đất được đấu thầu tại thôn Đông Lâu vào cuối năm 2019, Nguyễn Thị Dương đã trúng thầu 5 lô đất với diện tích là 100m2/suất.
Tại tại xã Vũ Ninh (Kiến Xương), Nguyễn Thị Dương đã trúng thầu 3 lô đất với mỗi suất gần 100m2 (tổng 46 lô). Ngoài ra, cặp vợ chồng này cũng trúng nhiều lô đất tại các khu giãn dân, đất chuyển đổi quỹ đất 5% để lấy kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản tại các huyện Đông Hưng, Kiến Xương...
Tuy nhiên, lỗ hổng trong hoạt động đấu giá đất ở tỉnh Thái Bình không chỉ được bộc lộ qua vụ việc liên quan đến vợ chồng Đường “Nhuệ”.
Ví dụ điển hình, ngày 2/10/2019, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, hủy công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại tại xã Đông Mỹ (TP Thái Bình).
Dự án trên có quy mô 71.285m2 (hơn 7,1ha), trong đó, diện tích đất ở là 29.878m2 gồm 132 lô liền kề; 90 lô biệt thự, nhà vườn; đất nhà ở xã hội là 9.240m2; còn lại là đất cây xanh, đường nội bộ và trường học. Dự án nằm ở vị trí đắc địa khi chỉ cách trung tâm thành phố 3 km, gần với quảng trường Thái Bình rộng hàng trăm ha; nằm tiếp giáp 3 mặt tiền trong đó có 2 tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 10 và đường Võ Nguyên Giáp (mới mở) đi qua phường Hoàng Diệu và xã Đông Mỹ.
Khu đất thực hiện dự án trước là đất nông nghiệp, được UBND TP Thái Bình thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với giá tiền đền bù hơn 68 triệu đồng/sào.
Ngày 26/7/2019, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp) tổ chức đấu giá, có 23/25 hồ sơ đăng ký tham gia đủ tiêu chuẩn; đơn vị tham gia đấu giá nộp số tiền cọc là 44,9 tỷ đồng (tương đương 20% tổng giá trị dự án).
Mức giá khởi điểm là hơn 7,5 triệu đồng/m2. Công ty Bảo Ngọc trúng đấu giá với mức 13,58 triệu đồng/m2. Ngày 7/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng ký quyết định công nhận kết quả đấu giá, chủ đầu tư thực hiện dự án là công ty Bảo Ngọc.
Tuy nhiên, sau đó, Công ty Bảo Ngọc chủ động xin được hủy kết quả trúng đấu giá, chấp nhận mất 44,9 tỷ đồng tiền đặt cọc.
Ngày 2/10/2019 UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định huỷ kết quả đấu giá, huỷ công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án đối với công ty Bảo Ngọc. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Ngọc Thủy (SN 1978, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân của chi nhánh một ngân hàng tại Thái Bình); Nguyễn Thị Hải Hoàn (SN 1990, cán bộ ngân hàng tại Thái Bình) về hành vi “Giả mạo trong công tác”.
Điều tra ban đầu, Thủy và Hoàn đã sửa chữa, nâng khống số dư tài khoản tiền gửi tại ngân hàng để công ty Bảo Ngọc đủ điều kiện năng lực tài chính tham dự đấu giá.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng đã ký quyết định hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và thu hồi 128 lô đất tại phường Trần Lãm, TP.Thái Bình mà vợ chồng Đường “Nhuệ” từng rao bán trên mạng xã hội.
UBND tỉnh Thái Bình đã giao cho Sở Tài chính phối hợp Cục Thuế tỉnh thực hiện hoàn trả tiền cho Công ty Nam Thái là đơn vị đã trúng thầu đấu giá 128 lô đất này, giao Sở Tài nguyên - môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên hoàn trả lại số tiền mà Công ty Nam Thái đã nộp vào trung tâm (119,5 tỷ đồng) và tiếp tục quản lý chặt chẽ khu đất, đưa ra đấu giá công khai để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.
Theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư ban đầu của khu đất trên là Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Y tế Thái Bình có trụ sở tại TP.Thái Bình. Ngày 2/1/2015, doanh nghiệp này được UBND tỉnh cho thuê 17.502,1 m2 đất vị trí tại phường Trần Lãm, TP.Thái Bình thời hạn 50 năm để xây dựng "Trung tâm dịch vụ tổng hợp và Trung tâm dược mỹ phẩm, thiết bị y tế".
Ngày 3/8/2016, tỉnh Thái Bình có văn bản điều chỉnh dự án, cho phép chủ đầu tư triển khai xây dựng "Tổ hợp dịch vụ Thương mại và công trình nhà phố Shophouse phục vụ lĩnh vực y tế".
Đến năm 2017, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định điều chỉnh diện tích đất thuê, cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, không qua đấu giá. Công ty CP Thương mại dịch vụ Y tế Thái Bình đã nộp hơn 76,1 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tương đương gần 8,1 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, đến ngày 21/12/2017, UBND tỉnh Thái Bình bất ngờ ra quyết định thu hồi dự án, hoàn trả số tiền hơn 76,1 tỷ đồng cho chủ đầu tư. Dù bị thu hồi song thực tế, dự án đã được triển khai. Nhiều dãy nhà shophouse được xây dựng gần hoàn thiện, được chia thành các ô, phân lô, xây dựng hạ tầng.
Sau đó, đến năm 2019, UBND tỉnh Thái Bình quy hoạch lại dự án phát triển nhà ở thương mại tại phường Trần Lãm - Khu Trung tâm y tế Thái Bình để đưa ra đấu giá. Ngày 10/2/2020 Trung tâm Dịch vụ đấu giá - Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình tổ chức bán hồ sơ đấu giá quyền sử dụng 128 lô đất (9.428,5 m2) nằm trong dự án trên. Giá khởi điểm của khu đất 9.428,5 m2, 128 lô liền kề là 192.780.854.800 đồng.
Tham dự cuộc đấu có 7 công ty mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá. Tuy nhiên đến lúc tham gia "bỏ thầu" chỉ có 3 công ty tham gia. Công ty TNHH Nam Thái là đơn vị trúng đấu giá, với giá bỏ thầu 192,79 tỷ đồng, cao hơn mức giá khởi điểm gần 9,2 triệu đồng.
Ngày 1/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký quyết định số 941/ QĐ-UBND công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 128 lô đất trên.
Đáng chú ý là mặc dù không phải chủ sở hữu của những lô đất đó. Nhưng trước khi bị khởi tố và bắt giam, trên trang cá nhân vợ chồng Đường "Nhuệ" có đăng thông tin rao bán 128 lô đất này.
Theo đó mỗi lô đất ở mặt đường Lê Quý Đôn được rao bán từ 60 - 65 triệu đồng/m², những lô đất phía trong rao bán từ 35 - 45 triệu đồng/m², và vợ chồng Dương - Đường đã nhận tiền đặt cọc của nhiều người với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Còn tại dự án khu dân cư xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, Thái Bình, mới đây đã được Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải tổ chức đấu giá sau khi được xây dựng xong hạ tầng, phân chia ra làm 233 lô đất nền với tổng diện tích 34.650,8 m2 cũng gây lùm xùm dư luận. Bởi tại cuộc đấu giá này, một cá nhân là ông Nguyễn Huy Trung có địa chỉ tại xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình trúng trọn gói 233 lô đất.
Trao đổi với báo chí, luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Luật Đấu thầu không cấm đấu giá trọn gói hay đấu giá lẻ, việc lựa chọn hình thức đấu giá nào do bên tổ chức đấu giá (UBND địa phương hoặc Trung tâm quỹ đất đứng ra) xác định dựa trên nhu cầu của mình, miễn là không trái luật.
Tuy nhiên, việc đấu giá gộp chủ yếu được thực hiện ở những dự án đất thô, giải phóng xong để bên trúng đấu giá xây dựng quy hoạch 1/500, làm cơ sở hạ tầng. Còn tại KDC Đông Lâm thì ngược lại, cơ quan chức năng đã làm xong hạ tầng mới tổ chức đấu giá gộp.
Theo luật sư Tám, dù đấu giá không sai luật khi thấy những dấu hiệu bất thường trong vụ việc trên như giá trúng đấu giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường; người trúng đấu giá ngay sau đó nhận đặt cọc mua bán, giữ chỗ đối với các lô đất trên khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... phải xem xét, điều tra xem có lợi ích nhóm, đấu giá theo kiểu có "chân gỗ" để thông đồng nhau, ghìm giá thấp xuống, làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước hay không? Nếu có thì phải xử lý trách nhiệm, thậm chí xử lý hình sự các hành vi này.
Những vụ việc lùm xùm đấu giá đất trên chủ yếu xảy ra ở năm 2019 và đầu năm 2020, thời điểm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đương nhiệm là ông Đặng Trọng Thăng. Trước thời điểm ông Thăng làm Chủ tịch tỉnh Thái Bình, chức vụ này do ông Nguyễn Hồng Diên nắm giữ.
Trong một thông cáo báo chí phát đi tháng 4/2020 liên quan vụ Nguyễn Xuân Đường, tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh này đang tiếp tục tập trung điều tra, làm rõ các hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất khác trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo 1593 của tỉnh đã yêu cầu cơ quan chức năng tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng, đặc biệt đối với các cán bộ thuộc các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, không bao che, bỏ lọt, bỏ sót tội phạm và người phạm tội, không làm oan sai cho người vô tội và tuyệt đối không có vùng cấm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cơ quan dân cử Thái Bình đùn đẩy trách nhiệm trả lời vụ Đường Nhuệ