“Đào xới” đời tư, chia sẻ ảnh ca sĩ Hiền Hồ quan hệ đại gia: Có phạm luật?

Google News

Dư luận đặt câu hỏi, việc đào xới đời tư, chia sẻ hình ảnh ca sĩ quan hệ đại gia khi chưa có kết luận cơ quan có thẩm quyền thì có phạm luật?

Thời gian gần đây, loạt ảnh thân mật của ca sĩ Hiền Hồ và Chủ tịch HĐQT Nanogen Hồ Nhân được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội liên quan nghi vấn tình ái. Đáng chú ý, thời điểm này chưa có chứng cứ xác thực, chưa có kết luận của cơ quan chức năng về mối quan hệ giữa kiều nữ và đại gia này nhưng hình ảnh đời tư, thậm chí cả gia đình, người thân của họ liên tục bị “đào xới”, thậm chí không chỉ lời bàn tán mà còn ít lời xúc phạm nữ ca sĩ và những người liên quan.
Dư luận đặt câu hỏi liên quan vấn đề pháp lý: Những người phát tán hình ảnh, bình luận xúc phạm dựa trên những thông tin không căn cứ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
“Dao xoi” doi tu, chia se anh ca si Hien Ho quan he dai gia: Co pham luat?
Ông Hồ Nhân chỉ khẳng định, ông và ca sĩ Hiền Hồ là anh em họ, nương tựa nhau. 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, thực tế sau khi có những thông tin nghi ngờ về mối quan hệ không trong sáng của nữ ca sĩ với một đại gia, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin, hình ảnh nữ ca sĩ bị đào bới với nhiều bình luận khác nhau, trong đó có những bình luận ác ý.
“Ca sĩ là người công chúng nên thông tin cá nhân của họ là những thông tin mà nhiều người quan tâm, muốn tìm hiểu, đặc biệt khi họ có những hành động thiếu chuẩn mực, gây tác động tiêu cực đối với xã hội họ sẽ phải hứng chịu "gạch đá" của xã hội. Chính vì thế mà nhiều người nổi tiếng khi gặp scandan, bị xúc phạm nhưng không dám lên tiếng phản đối”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý, mọi người đều được pháp luật bảo vệ về bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ quyền nhân thân và quyền hình ảnh. Pháp luật ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm ý kiến của mọi công dân. Nếu lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác có thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cùng với đó, pháp luật quy định mọi người có quyền tự do đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng thông tin, hình ảnh của cá nhân, phải được cá nhân đó đồng ý. Nếu sử dụng thông tin hình ảnh của người khác trái phép cũng có thể sẽ bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
Cụ thể, hành vi thu thập, sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác có thể sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu thông tin hình ảnh "nhạy cảm", có tính chất đồi trụy mà lại phát tán trên không gian mạng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, trường hợp sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác mà không được người có thông tin hình ảnh đồng ý thì phải gỡ bỏ, nếu gây thiệt hại phải bồi thường, nếu bị kiện, có thể sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 nêu rõ: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Pháp luật quy định trong một số trường hợp cụ thể, có thể sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự cho phép tại khoản 2 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh."
Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh của người khác nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác hoặc sử dụng vào mục đích trái pháp luật thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Những hình ảnh biểu diễn của nữ ca sĩ được công khai, mọi người có thể sử dụng nhưng không được phép xúc phạm danh dự nhân phẩm của nữ ca sĩ. Còn đối với những bức ảnh mà nữ ca sĩ này chưa công khai, đó là những bức ảnh riêng tư về đời sống cá nhân, hành vi thu thập trái phép thông tin những bức ảnh này là hành vi vi phạm pháp luật. Nữ ca sĩ bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự nhân phẩm, uy tín còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thương thiệt hại”, luật sư Cường cho biết.
Trường hợp những bức ảnh là cắt ghép, sai sự thật hoặc có những thông tin bịa đặt khiến sự việc trở nên phức tạp, nghiêm trọng, nữ ca sĩ có thể sẽ tố cáo người sử dụng thông tin hình ảnh trái phép để cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện hình ảnh của mình bị xâm phạm, người có hình ảnh có quyền căn cứ vào khoản 3, điều 32 bộ luật dân sự để bảo vệ quyền của mình.
“Việc sử dụng hình ảnh cá nhân, đời tư của người khác nhằm mục đích làm nhục, bôi nhọ, vu khống khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 14/2022/ NĐ-CP với mức phát có thể lên đến 60 triệu đồng. Ngoài ra, nếu việc sử dụng thông tin hình ảnh của người khác nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người có hình ảnh khiến người đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo điều 155 bộ luật hình sự”, luật sư Cường cho biết.
Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 331 BLHS nếu hành vi làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.
Hành vi truy cập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác để đánh cắp thông tin dữ liệu cũng là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 hoặc điều 289 bộ luật hình sự.
Nếu người nào thu thập trái phép thông tin, hình ảnh, clip có tính chất đồi trụy của người khác rồi phát tán lên không gian mạng. Ví dụ như đăng những clip sex của những nghệ sĩ, những người nổi tiếng hoặc của người khác lên mạng xã hội, mạng internet có thể bị truy cứu hình sự trách nhiệm hình sự theo điều 326 bộ luật hình sự.
Pháp luật quy định quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Pháp luật cũng cho phép công dân lên án những hành vi vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu lợi dụng quyền tự do dân chủ mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Bởi vậy, mọi người cần biết giới hạn của quyền tự do ngôn luận, giới hạn của việc bày tỏ quan điểm thái độ của mình về một vấn đề. Nếu lợi dụng việc bày tỏ quan điểm để xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người đàn ông bị phạt 5 triệu vì lên mạng xúc phạm lực lượng chống dịch:

Nguồn: ANTV


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)