Dân Hạ Đình khởi kiện Công ty Rạng Đông sẽ được trợ giúp miễn phí

Google News

Các luật sư cho rằng Công ty Rạng Đông dù có lỗi hay không vẫn phải bồi thường do sự cố rò rỉ chất nguy hại, họ sẵn sàng trợ giúp pháp lý cho quyền lợi người dân.

Sau 2 tuần xảy ra vụ cháy nhà máy Rạng Đông, Chính phủ đã yêu cầu chính quyền Hà Nội khẩn trương khắc phục hậu quả, đẩy nhanh tiến độ điều tra sự cố.
Đến nay, do sợ bị ảnh hưởng bởi thuỷ ngân trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy, nhiều hộ dân cạnh hiện trường đã phải di tản.
Có thể khởi kiện đòi bồi thường
Theo dữ liệu khí tượng thủy văn và mô hình lan truyền ô nhiễm, ước tính phạm vi phát tán tối đa của khói thải khoảng 1,5 km. Phạm vi ô nhiễm khoảng 200 m tính từ tường rào của công ty và theo hướng gió có thể ảnh hưởng trong khoảng cách 500 m.
Ngày 6/9, Tổng giám đốc Công ty Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng đã có thư xin lỗi gửi lãnh đạo các cấp chính quyền và người dân.
Trong thư, doanh nghiệp này cam kết tiếp tục phối hợp xử lý các vấn đề liên quan tới môi trường. Tuy nhiên, người dân ở tổ 54 phường Hạ Đình cho biết phía Rạng Đông vẫn chưa có hành động bồi thường hay xin lỗi họ.
Dan Ha Dinh khoi kien Cong ty Rang Dong se duoc tro giup mien phi
 Bóng đèn vỡ khiến thủy ngân bị phát tán ra môi trường. Ảnh: Phạm Thắng.
Theo luật sư Lê Hồng Huấn (Đoàn Luật sư Hà Nội), người dân trong khu vực bị ảnh hưởng do sự cố môi trường có thể khởi kiện Công ty Rạng Đông để yêu cầu bồi thường.
"Để khởi kiện, người dân cần chứng minh được các thiệt hại về sức khỏe, tài sản và tinh thần", luật sư Huấn nói và nhấn mạnh cũng cần chứng minh các thiệt hại đó do vụ cháy Rạng Đông gây ra.
Sau khi cháy, Công ty Rạng Đông thông báo họ sử dụng hợp chất amalgam thay thế thủy ngân lỏng để sản xuất bóng đèn từ năm 2016. Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường cho biết qua đấu tranh, Công ty Rạng Đông thừa nhận 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng, không phải hợp chất amalgam như đã báo cáo.
Luật sư Huấn cho rằng điều đó chỉ ra Công ty Rạng Đông đã gian dối, công bố thông tin không chính xác.
Căn cứ quy định tại Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi.
"Như vậy, trách nhiệm của Công ty Rạng Đông trong vụ việc này đã rõ ràng", ông Huấn nêu quan điểm và cho biết sẵn sàng trợ giúp pháp lý cho người dân nếu họ có nhu cầu khởi kiện doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp quá vô cảm
Nhìn nhận việc rò rỉ thủy ngân sau vụ cháy là vấn đề nghiêm trọng, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng Công ty Rạng Đông phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính về các hậu quả gây ra.
Theo luật sư, đến nay cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận cuối cùng để xác định lỗi thuộc về ai, nhưng ông đánh giá đáng lẽ ngay sau khi dập tắt đám cháy, doanh nghiệp phải công bố hóa chất sử dụng và đưa ra giải pháp phối hợp cơ quan chức năng giải quyết hậu quả.
Dan Ha Dinh khoi kien Cong ty Rang Dong se duoc tro giup mien phi-Hinh-2
 Toàn cảnh khu vực cháy nhà máy. Ảnh: Việt Linh.
Tuy nhiên, phía Rạng Đông đã cung cấp thông tin không rõ ràng, thậm chí gian dối về hóa chất.
Phải đến khi Tổng cục Môi trường vào cuộc, công ty mới thừa nhận 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn amalgam).
"Sự bưng bít thông tin như vậy cho thấy Công ty Rạng Đông vô trách nhiệm, vô cảm trước tính mạng của người dân", luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông lý giải thủy ngân là hóa chất độc hại. Căn cứ Khoản 1, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, chất này được xếp vào nguồn nguy hiểm cao độ.
Về mặt pháp lý, chủ sở hữu hay người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi.
Trên cơ sở đó, Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng khí độc đã phát tán.
Ngoài ra, theo Bộ luật Dân sự, nguyên tắc của việc bồi thường dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Khi 2 bên không đạt được tiếng nói chung, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện vụ án ra tòa để yêu cầu giải quyết.
Luật sư Trần Tuấn Anh cũng khẳng định khi người dân phường Hạ Đình có nhu cầu, ông cùng các luật sư thuộc Công ty luật Minh Bạch sẵn sàng trợ giúp về thủ tục pháp lý.
Vụ cháy xảy ra tối 28/8 thiêu rụi một xưởng sản xuất và kho chứa thành phẩm với hàng triệu bóng đèn của Công ty Rạng Đông.
Sau đó, UBND quận Thanh Xuân thông báo môi trường quanh nhà máy bị cháy ở ngưỡng an toàn. Công ty Rạng Đông cũng thông báo họ sử dụng hợp chất amalgam thay thế thủy ngân lỏng để sản xuất bóng đèn từ năm 2016.
Ngày 4/9, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết nồng độ thủy ngân quan trắc được ở một số điểm trong nhà máy Công ty Rạng Đông và xung quanh vượt ngưỡng an toàn từ 10 đến 30 lần. Lượng thủy ngân đã phát tán ra môi trường trong vụ cháy có thể lên đến 27,2 kg.
Đến ngày 8/9, Tổng cục Môi trường khẳng định Công ty Rạng Đông thừa nhận 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng, không phải hợp chất amalgam như đã báo cáo. Hầu hết thuỷ ngân trong bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy.
Chiều 9/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, chiều 10/9, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản hỏa tốc, giao các đơn vị chuyên trách khắc phục hậu quả, tẩy độc toàn bộ khu vực, đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới.
Theo Hoàng Lam/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)