Đại hội Đảng lần thứ XIII: Tăng cường niềm tin của người dân vào công lý

Google News

Cải cách tư pháp vì sự phát triển của đất nước, xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ, tăng cường niềm tin của người dân vào công lý và nền tư pháp… là một trong những phương hướng, nhiệm vụ Tòa án nhân dân tối cao đặt ra.

Ngày 27/1, ngày làm việc thứ ba của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, các đại biểu làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện đại hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận.
Niềm tin của người dân đối với cơ quan tư pháp còn khiêm tốn
Trình bày tham luận tại Đại hội về vấn đề phát huy phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, ông Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc vận dụng và phát huy phương châm “lấy dân là gốc” trong hoạt động tư pháp.
Dai hoi Dang lan thu XIII: Tang cuong niem tin cua nguoi dan vao cong ly
 Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang.
Cụ thể, vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp chưa phát huy được thế mạnh; niềm tin của người dân đối với cơ quan tư pháp còn khiêm tốn; hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về tố tụng tư pháp còn bất cập, chi phí tuân thủ cao gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp chưa được đổi mới mạnh mẽ, chưa bắt kịp với những đổi mới về kinh tế - xã hội của đất nước; việc phân định một số chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng, chưa khoa học.
Theo ông Quang, nguyên nhân trước hết là do việc nhận thức, quán triệt, thực hiện phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” vẫn chưa sâu sắc, thiếu thống nhất. Do vậy, khi triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp có lúc, có nơi thiếu quyết tâm, còn lúng túng và bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ.
Ông Quang cho biết, từ thực tiễn rút ra 4 bài học kinh nghiệm: phải luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm quan điểm "Nhân dân là gốc", “Nhân dân là trung tâm” của hoạt động tư pháp, quyền tư pháp; mọi chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân; lấy phương châm phục vụ Nhân dân, vì hạnh phúc và lợi ích của Nhân dân làm mục tiêu cải cách; coi việc tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với cơ quan tư pháp là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược cải cách tư pháp.
5 vấn đề phải giải quyết
Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, những khó khăn, thách thức đặt ra cho nền tư pháp nước nhà phải giải quyết 5 vấn đề:
Thứ nhất, nền tư pháp nước ta đang lạc hậu so với mặt bằng chung của thế giới cả về thể chế, tổ chức bộ máy, năng lực, trình độ và điều kiện bảo đảm.
Thứ hai, đang tồn tại mâu thuẫn lớn giữa sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng công việc Tòa án phải thực hiện với yêu cầu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy cơ quan tư pháp; giữa việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định hiện hành với việc đẩy mạnh cải cách tư pháp, thu hút nhân tài, tránh chảy máu chất xám trong hệ thống tư pháp.
Thứ ba, yêu cầu của Đảng, của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp ngày càng cao, buộc cơ quan tư pháp phải không ngừng cố gắng để thật sự là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; xứng đáng là nơi để Đảng và Nhân dân gửi trọn niềm tin.
Thứ tư, xu hướng gia tăng mạnh mẽ các loại tội phạm, tranh chấp, khiếu kiện nhất là tội phạm, tranh chấp phi truyền thống, các vụ việc có yếu tố nước ngoài, yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đòi hỏi hệ thống tư pháp phải cải cách để thích ứng và đảm bảo giữ vững mục tiêu phát triển chung của đất nước.
Thứ năm, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ số đang tạo ra những đột phá trên nhiều lĩnh vực sẽ là cơ hội và thách thức đối với cơ quan tư pháp trong việc tận dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường công khai, minh bạch; hỗ trợ tích cực cho người dân tiếp cận công lý và giám sát hoạt động tư pháp.
Tăng cường niềm tin của người dân vào công lý và nền tư pháp
Ông Lê Hồng Quang cho biết, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đề xuất một số quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020.
Cụ thể, kiên định, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất và trực tiếp đối với cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp để bảo đảm thực hiện hiệu quả trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cải cách tư pháp vì sự phát triển của đất nước.
Xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ. Trong đó, hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, lấy tinh thần phục vụ Nhân dân làm tôn chỉ, mục đích hoạt động.
Tăng cường niềm tin của người dân vào công lý và nền tư pháp. Hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo đảm các điều kiện về pháp lý và thực tế để người dân thực hiện đầy đủ, toàn diện các quyền của mình trong tố tụng; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân thông qua hoạt động tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện chế định Hội thẩm Nhân dân theo hướng hạn chế tính hình thức, tăng cường tính Nhân dân, dân chủ; nghiên cứu, tiếp thu nhân tố hợp lý của chế định Bồi thẩm đoàn.
Phát huy vai trò và hoàn thiện cơ chế giám sát đặc thù của cơ quan dân cử, của công luận và của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Đề cao trách nhiệm tự giám sát trong nội bộ của cơ quan tư pháp; coi trọng và tăng cường sự giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tăng cường công khai, minh bạch,thông tin kịp thời cho người dân; tích cực đối thoại, giải trình và lắng nghe Nhân dân để gần dân hơn, hiểu dân nhiều hơn, giúp dân dân được nhiều hơn và học hỏi thêm được nhiều điều từ Nhân dân,
Nhận thức đúng đắn, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thành công tư duy chính trị, pháp lý mới về “Tòa án nhân dân – Cơ quan thực hiện quyền tư pháp” như ghi nhận tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013. Đề cao vị trí, vai trò của cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong hệ thống chính trị; xác định đây là thiết chế độc lập; đồng thời, có cơ sở pháp lý cần thiết để đảm bảo độc lập tư pháp.
Kế thừa và phát huy thành tựu, kinh nghiệm cải cách tư pháp đã đạt được; hướng nhiệm vụ cải cách tư pháp đi vào chiều sâu; tập trung giải quyết những vấn đề, nhiệm vụ có tính chất cốt lõi, nhiệm vụ chưa hoàn thành; tiếp thu những thành tựu khoa học pháp lý mới, tiến bộ của thế giới để kịp thời tháo gỡ những bất cập của hệ thống pháp luật và nền tư pháp hiện nay.
Xây dựng cơ chế đánh giá phù hợp để hạn chế sự tác động, áp lực không chính đáng từ những thiết chế, chủ thể trong xã hội đối với hoạt động tư pháp; giảm thiểu những ảnh hưởng đến tính độc lập của cơ quan tư pháp và việc thực hiện nghiêm nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, cũng như sự vô tư, khách quan, liêm chính của hệ thống Tòa án nhân dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chống Xuyên Tạc Dự Thảo Đại Văn Kiện Đại Hội XIII Của Đảng

Nguồn: VTV1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)