Họ gồm các bị cáo: Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), Nguyễn Văn An (ở quận Tân Phú, TP.HCM), Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển); Nguyễn Văn Hùng (cựu Thượng tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh), Phạm Hồ Hải (cựu Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh), Lê Văn Phương (cựu Thượng tá, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Trà Vinh), Nguyễn Thanh Lâm (cựu Trung tá, Hải đội trưởng Hải đội 2 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng), Phạm Văn Trên (cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh).
Trước đó, bị cáo Nguyễn Thế Anh nhận án tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”, 2 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Bị cáo Nguyễn Văn An và Lê Văn Minh cùng bị phạt 15 năm tù, Nguyễn Văn Hùng 16 năm tù, Nguyễn Thanh Lâm 11 năm tù, Phạm Văn Trên 10 năm tù, Lê Văn Phương và Phạm Hồ Hải cùng bị phạt 3 năm 6 tháng tù. Các bị cáo này bị truy tố tội Nhận hối lộ.
Sau bản án sơ thẩm, ông Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Văn An kháng cáo kêu oan, mong được HĐXX cấp phúc thẩm xem xét lại các lời khai và các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm. Sáu bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Đa phần các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương là đúng, có cơ sở; bày tỏ sự ăn năn hối hận, nhận thức được hành vi sai phạm và hứa sau khi cải tạo xong, tái hòa nhập cộng đồng sẽ trở thành những công dân tốt, tích cực cống hiến cho xã hội.
Ngoài ra, các bị cáo cũng đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Có nhiều cống hiến trong công tác, gia đình có công với cách mạng, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, vai trò thứ yếu trong vụ án… để mong được Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Theo cáo buộc, đây là vụ án “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” và “Không tố giác tội phạm” xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 - 2/2021 tại một số đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi phạm tội của các bị cáo vì động cơ vụ lợi cá nhân, đã trực tiếp hoặc thông qua trung gian nhận tiền của các đối tượng buôn lậu hoặc góp vốn buôn lậu, phát hiện nhưng không tố giác tội phạm, đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự quản lý hành chính, xâm phạm sự đúng đắn trong hoạt động phòng chống buôn lậu của cơ quan Nhà nước.
Hành vi của các bị cáo bị cho là gây mất trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Quân đội và lực lượng thi hành công vụ. Cáo buộc cho rằng, vì tư lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, khi được “trùm bảo kê” Phan Thanh Hữu nhờ giúp đỡ để bao che, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng của Hữu, ông Thế Anh đã đồng ý và đã nhận hối lộ của Hữu 6,2 tỷ đồng và 560 ngàn USD.
Sau khi “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu và đồng phạm bị bắt, để che giấu hành vi nhận hối lộ của mình, ông Thế Anh hướng dẫn, đưa tiền cho em họ là Nguyễn Văn An đi trốn và thông qua các mối quan hệ cá nhân đã tổ chức cho An trốn sang Lào trái phép.
Bị cáo Lê Văn Minh là vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, ông Minh đã trực tiếp và thông qua vợ, con nhận của “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu 6,9 tỷ đồng để tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng của Hữu trên biển và từ biển vào nội địa không bị bắt giữ, xử lý.