Cục An toàn thực phẩm mở hội thảo phổ biến Nghị định 15/NĐ-CP

Google News

(Kiến Thức) - Sáng nay, 28/2, tại Vĩnh Phúc, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm về: Thủ tục tự công bố sản phẩm; thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm; bảo đảm an toàn thực phẩm biến đổi gen; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; ghi nhãn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
 Cục An toàn thực phẩm mở hội thảo phổ biến Nghị định 15/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể về phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới. Theo đó, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới phải được đăng ký bản công bố sản phẩm tại Bộ Y tế; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới phải được liệt kê thành phần định lượng đối với từng phụ gia trong thành phần cấu tạo.
Phát biểu tại hội thảo phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP, ông Trần Nhật Nam, Trưởng phòng Pháp chế - Hội nhập (Cục ATTP) cho biết, một trong những điểm mới quan trọng đầu tiên tại Nghị định 15 là cho phép doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì phải gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận như trước đây, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ ché biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước, được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp có mặt tại hội thảo nói trên, đây là nghị định thông thoáng tối đa về mặt an toàn thực phẩm và giúp các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuận lợi trong thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm và thúc đẩy việc sản xuất thực phẩm trong nước.
Điểm nhấn lớn nữa tại Nghị định 15 là thay đổi căn bản quy định kiểm tra nhà nước về ATTP. Nếu trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành thì nay sẽ mở rộng diện không cần kiểm tra.
Theo đó, Nghị định 15 quy định tới 9 loại sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu. Chẳng hạn như: các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở.
Theo đại diện Cục ATTP, với việc thay đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành như trên, khoảng 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành.
Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, ông Trần Nhật Nam cho biết, Nghị định 15 tiếp tục phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, NN&PTNT theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối.
Mời quý độc giả xem clip Nghị định 15 tạo điều kiện cho doanh nghiệp dược - Nguồn: Thông Tấn Xã Việt Nam.
Thiên Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)