Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/10, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp Quốc hội, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch COVID-19 thời gian qua còn chậm, ở một số nơi còn thiếu sót và trùng đối tượng thụ hưởng; việc hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động còn bất cập; nhiều doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được gói hỗ trợ; còn tình trạng một số đối tượng nhập cảnh trái phép tạo nguy cơ lây lan, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Về giáo dục, đào tạo, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp. Các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc… Tuy nhiên, theo tổng hợp của MTTQ Việt Nam, cử tri và nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường; việc lạm thu đầu năm học vẫn tồn tại.
Theo Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành giáo dục cần có hướng dẫn thống nhất danh mục sách giáo khoa chính thức, nhất là bộ sách giáo khoa lớp 1, chỉ đạo và kiểm tra việc quản lý, sử dụng sách tham khảo; có giải pháp kiên quyết hơn với việc lạm thu đầu năm học. Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi, cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để ngăn chặn.
Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm, cử tri bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng chủ trương xã hội hóa để nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế, nâng giá dịch vụ khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế công nhằm "trục lợi".
Việc liên doanh, liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện công chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ, còn nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến việc câu kết, lợi dụng trong mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế khi thực hiện đề án xã hội hóa phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân.
Báo cáo dẫn chứng, Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng (gồm VAT). Tuy nhiên, một số đối tượng đã câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý. Giá hệ thống robot là 7,4 tỉ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017-2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng.
Cử tri và nhân dân còn lo lắng về chất lượng của một số loại thuốc chữa bệnh; phí dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng khám, chữa bệnh chưa tương xứng ở một số nơi; cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế còn nhiều khó khăn; còn tình trạng quá tải ở một số bệnh viện lớn.
Ghi nhận quyết tâm và những kết quả đạt được trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tuy nhiên, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn không ít khó khăn, còn tình trạng đối tượng phạm tội tham nhũng tẩu tán tài sản, bỏ trốn, tham nhũng vặt, nhũng nhiễu trong giải quyết các thủ tục hành chính vẫn tồn tại.
Báo cáo nêu vụ việc huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) chi 14 tỉ đồng ngân sách để xây tượng đài ba năm chưa hoàn thành mặc dù đây là một trong 56 huyện nghèo nhất cả nước; vụ việc 3 công trình y tế công (Khu bệnh viện phụ sản 300 giường xây xong từ năm 2019; bệnh viện chuyên khoa lao phổi quy mô 300 giường và Bệnh viện chuyên khoa tâm thần quy mô 300 giường bắt đầu xây dựng từ năm 2014 đến 2018 thì hoàn thành cơ bản) tại Bình Dương đến nay chưa đưa vào sử dụng, bỏ hoang gây lãng phí...