Cty Bình Minh nợ 50 tỷ nghĩa vụ tài chính: Sẽ bị kê biên tài sản?

Google News

"Đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, Công ty Bình Minh có thể bị kê biên tài sản bán đấu giá và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định" - luật sư Hoàng Tùng nói.

Liên quan đến việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du Lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh), có địa chỉ tại xã Thanh Mỹ, Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) nợ nghĩa vụ tài chính hơn 50 tỷ 300 triệu đồng tiền thuê, khai thác tài nguyên tại dự án khai thác cát san lập ở xã Trung Châu, huyện Đang Phượng khi dự án đang "đắp chiếu" 13 năm qua, luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng luật sư Trung Hòa, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, Công ty Bình Minh đã được địa phương bàn giao 100ha đất để tiến hành khai thác nhưng suốt 13 năm qua, kể từ thời điểm công ty được cấp giấy phép và nhận mặt bằng thì không có động thái triển khai dự án khiến nhiều năm liền tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp của địa phương bị lãng phí.
Theo luật sư Tùng, Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Theo đó, đất được Nhà nước cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng thì sẽ bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án được phép gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.
Tuy nhiên, Công ty Bình Minh đã không thực hiện dự án trong suốt 13 năm gây thiệt hại, suy thoái đất một cách nghiêm trọng. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc và làm rõ hành vi vi phạm của Công ty Bình Minh, thu hồi đất theo quy định của pháp luật, phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Công ty Bình Minh đang nợ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước số tiền hơn 50 tỷ 300 triệu đồng về hoạt động thuê, khai thác tài nguyên tại dự án trên. Nghĩa vụ tài chính trong trường hợp này được hiểu là thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, căn cứ theo quy định tại Điều 125 Luật Quản lý Thuế 2019, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Ngừng sử dụng hóa đơn; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
"Như vậy, đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước Công ty Bình Minh có thể bị kê biên tài sản bán đấu giá và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định" - luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Cty Binh Minh no 50 ty nghia vu tai chinh: Se bi ke bien tai san?
Trụ sở Công ty Bình Minh. 
Như Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh, nhiều hộ dân sinh sống ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội) bức xúc về tình trạng dự án khai thác mỏ cát san lấp trên địa bàn của Công ty Bình Minh “đắp chiếu” suốt 13 năm gây lãng phí tài nguyên đất. Dù một số hộ dân và chính quyền xã Trung Châu đã nhiều lần kiến nghị việc thu hồi dự án, hoàn trả đất tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp nhưng không được đáp ứng.
“Hiện tại nhiều đoạn trong khu đất được bàn giao cho Công ty Bình Minh đã bị sạt lở xuống sông, một số khu đất đang được người dân tranh thủ sử dụng để sản xuất nông nghiệp” – ông Đỗ Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Châu, huyện Đan Phượng nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Trung Châu, địa phương này đã đề nghị thu hồi lại dự án vì đã treo nhiều năm nay. Sau khi thu hồi sẽ có kiến nghị bàn giao đất cho nhân dân để sản xuất nông nghiệp. Trong lúc dự án treo, một số hộ dân tiến hành cải tạo đất để sản xuất hoa màu và đang phát triển tốt. Địa phương cũng sẽ tiến hành xây bờ kè tại những điểm sạt lở để bảo vệ quỹ đất này. 
UBND TP. Hà Nội cũng đã có yêu cầu Công ty Bình Minh khẩn trương có biện pháp khắc phục các tồn tại và sẽ giao Cục thuế thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện thu số tiền còn nợ nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khoáng sản của công ty và giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, xử lý việc không bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản.
Năm 2008, Công ty Bình Minh được UBND tỉnh Hà Tây (đã sáp nhập vào Hà Nội) cho phép khai thác cát làm vật liệu san lấp tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng theo giấy phép khai thác khoảng sản số 13/GP-UBND ngày 31/1/2008, diện tích khai thác 100ha, thời hạn 17 năm (đến tháng 11/2025).
>>> Mời quý độc giả xem video: Làm việc ở công ty này có thể khiến bạn không muốn về nhà

Nguồn: VTV

Hiểu Lam - Nguyễn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)