Ngày 15/3, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã ghi nhận 57 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong số 41 ca mới phát hiện và đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, có 17 người nước ngoài, 24 người Việt Nam.
Con số thống kê trên cho thấy, ngoài một số trường hợp người Việt Nam đi công tác, du lịch, du học sinh ở nước ngoài về nước được phát hiện dương tính Covid-19 và lây nhiễm sang một số trường hợp tiếp xúc gần khác, việc người nước ngoài đến Việt Nam du lịch mang theo dịch bệnh cũng là một vấn đề hết sức quan ngại.
Bởi nhiều người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, trước khi phát hiện dương tính với Covid-19 đã di chuyển nhiều địa phương, tỉnh thành gây lây lan sang những người khác điển hình như nữ nhân viên siêu thị ở Đà Nẵng (ca 35) bị lây nhiễm covid-19 khi tiếp xúc trực tiếp với hai người Anh tại siêu thị Điện máy Xanh (những người này sau được xác định là bệnh nhân 22 và bệnh nhân 23).
Điển hình của việc du khách nước ngoài đến Việt Nam di chuyển với hành trình dày đặc như trường hợp thứ 56 – một du khách người Anh 30 tuổi. Bệnh nhân là hành khách trên chuyến bay từ Anh về Nội Bài lúc 5h30 sáng 9/3 rồi gặp hai người bạn nữ, cùng quốc tịch Anh và cùng nhau đi du lịch.
|
Ảnh minh họa. |
Hành trình dày đặc Hà Nội - Sa Pa của bệnh nhân 56 khi từ ngày 10-13/3, đi du lịch tại Sa Pa trong đó có lưu trú ở khách sạn Mountain River Homestay Sapa (địa chỉ ở Tả Van, Sa Pa).
Sau đó, bệnh nhân quay trở lại Hà Nội và lưu trú tại Khách sạn Oriental Suiter (địa chỉ 58 Hàng Đào, Hoàn Kiếm) từ ngày 13/3 đến nay. Hiện chưa rõ số người tiếp xúc với bệnh nhân này, tuy nhiên sẽ là một con số không nhỏ theo hành trình di chuyển của nam du khách này.
Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời được đánh giá là một quốc gia Đông Nam Á điển hình cho lòng nhiệt tình hiếu khách, có nhiều thắng cảnh, di sản, văn hóa đặc sắc phong phú…
Do vậy, việc Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều du khách các quốc gia trên thế giới cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, thời gian qua, dù là một quốc gia đã có trường hợp nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và đạt kết quả tốt, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao, tăng thêm niềm tin trong nhân dân. Do vậy, nhiều du khách quốc tế vẫn lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến du lịch của họ.
Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát, lây lan tại nhiều nước trên thế giới, Hoa Kỳ thậm chí tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tổ chức y tế thế giới công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Do vậy, không ít du khách đến Việt Nam từ vùng dịch tại một số quốc gia khiến nguồn lây nhiễm dịch bệnh vào Việt Nam đa dạng, đòi hỏi công tác kiểm soát dịch bệnh phải vô cùng quyết liệt, kịp thời để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây.
Trên thực tế, không ít du khách quốc tế đến Việt Nam từ vùng dịch nhưng ý thức không cao khi không chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh, điển hình việc không đeo khẩu trang khi đi lại, di chuyển, tiếp xúc với người dân. Đáng chú ý, nhiều du khách đã “lọt” khi nhập cảnh dù mang trong mình dịch bệnh nguy hiểm từ đó lây lan sang những người khác.
Dù Việt Nam luôn chu đáo, hiếu khách nhưng chúng ta không thể "toang" vì khách đến chơi nhà trong dịch Covid-19.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu hạn chế người nhập cảnh từ các nước có dịch; hạn chế tối đa các chuyến bay từ các vùng có dịch đến Việt Nam để giảm tối đa nguồn lây nhiễm từ bên ngoài; thực hiện chặt chẽ thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt kiểm tra chi tiết, nghiêm túc tờ khai y tế; nêu khuyến cáo, yêu cầu hành khách khai báo y tế điện tử trước khi đến Việt Nam.
Đồng thời, hạn chế các chuyến bay Việt Nam, đặc biệt của hãng hàng không quốc gia Việt Nam bay đến các vùng có dịch. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, phát hiện nhanh các nguồn lây, nguy cơ lây bệnh, trước hết là đối với các trường hợp nhập cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin để truy tìm các trường hợp có nguy cơ lây bệnh trong số người đã nhập cảnh; thực hiện khoanh vùng nhanh, kiên quyết cách ly các địa bàn có dịch. Thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung đối với các trường hợp đến từ, đi qua vùng có dịch nhập cảnh Việt Nam…
Một biện pháp mạnh mẽ khác để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào Việt Nam qua khách nước ngoài, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Y tế tạm thời chưa cho nhập cảnh đối với khách du lịch, thăm thân, du học, việc riêng là người nước ngoài đến từ hoặc đã đi qua các nước thuộc khu vực Schengen, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến đến Việt Nam; tạm dừng cấp thị thực tại cửa khẩu. Các trường hợp người nước ngoài là chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao khi nhập cảnh phải qua kiểm tra y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại doanh nghiệp, cơ sở lưu trú theo đúng quy định. Đồng thời, xem xét, quyết định cụ thể việc tạm dừng visa du lịch đối với người nhập cảnh từng bang của Hoa Kỳ căn cứ theo diễn biến dịch bệnh ở Hoa Kỳ.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid 19, ngày 14/3 chính là việc Thủ tướng đồng ý kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về chủ trương thu phí điều trị đối với người nước ngoài tại Việt Nam.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông báo những người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch cần thường xuyên kiểm tra cập nhật quy định của các hãng hàng không, đảm bảo có đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để có thể thực hiện chuyến bay (đặc biệt là các giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có).
Đồng thời, từ ngày 16/3, phía Việt Nam yêu cầu công dân nước ngoài tại Việt Nam cũng như công dân Việt Nam thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người (như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng…).
Đó là những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đúng đắn của Chính phủ nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập lây lan vào Việt Nam được nhân dân đồng tình ủng hộ. Khi cả nước đồng lòng, gắn kết chống dịch như chống giặc, việc hạn chế người nước ngoài từ vùng dịch vào Việt Nam, đồng thời kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Như lời Thủ tướng đã nói, nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa. “Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân”. Việt Nam luôn mở cửa chào đón du khách quốc tế nhưng không phải ở thời điểm dịch bệnh đang bùng phát trên thế giới và có nguy cơ gia tăng ở Việt Nam như hiện nay.
Biện pháp mạnh mẽ quyết liệt để phòng dịch, dù hi sinh một số lợi ích kinh tế, dù nhiều doanh nghiệp du lịch có thể gặp khó khăn nhưng sức khỏe người dân là quan trọng nhất và bạn bè quốc tế cũng có thể hiểu và chấp nhận, tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch bệnh mà Việt Nam đang triển khai với mục tiêu du lịch phải an toàn, sức khỏe của người dân là ưu tiên hàng đầu.
>>> Mời độc giả xem video WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch: