Bệnh nhân Covid-19 thứ 34 khai gian 17 F1 giờ 46 người: Khỏi... cần quy tội?

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh nhân Covid-19 thứ 34 khai gian 17 F1 giờ 46 người dẫn đến dẫn đến hành vi làm lây lan bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ra cộng đồng thì có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự về tội lây lan bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Nữ doanh nhân nhiễm Covid 19 khai nhỏ giọt, gây khó công tác kiểm soát dịch bệnh
Bệnh nhân Covid-19 thứ 34 – nữ doanh nhân Đặng Thị Lynh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Minh Trang (51 tuổi, trú tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đang được xem là trường hợp “siêu lây nhiễm” không chỉ ở Bình Thuận mà còn liên quan đến một số địa phương khác. 10 ca dương tính với Covid-19 liên quan đến bệnh nhân này.
Ngày 22/2, bà Đặng Thị Lynh Trang cùng 18 nữ doanh nhân Việt Nam đi Mỹ. Trên hành trình đến Mỹ, đoàn quá cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc) 3 giờ. Bà Trang đến New York, rồi qua Washington D.C tham quan, du lịch. Ngày 29/2, bà Trang bay từ Washington sang Qatar trên chuyến bay Qatar Aiways QR708 lúc 15h45.
Khoảng 18h45 cùng ngày, bà bay về Tân Sơn Nhất trên chuyến bay Qatar Aiways QR974 và nhập cảnh Tân Sơn Nhất (TP HCM) vào sáng 2/3, rồi tách đoàn, đi ôtô riêng về lại Phan Thiết.
Benh nhan Covid-19 thu 34 khai gian 17 F1 gio 46 nguoi: Khoi... can quy toi?
 Bình Thuận cách ly các tuyến phố để kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Báo Bình Thuận.
Ngày 5/3, bà Trang có biểu hiện ho sốt. Sáng 9/3, nữ doanh nhân này vào Bệnh viện đa khoa Bình Thuận và được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Người này được phát hiện dương tính với Covid-19 và là bệnh nhân thứ 34.
Điều khiến dư luận bức xúc, dù biết bản thân nhiễm Covid-19 nhưng bệnh nhân cố tình khai báo nhỏ giọt, thậm chí gian dối gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
Bệnh nhân 34 được phát hiện dương tính với Covid-19 vào ngày 10/3. Khi đó, nữ doanh nhân khai với cơ quan chức năng rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là đi thẳng về nhà riêng, tuy nhiên thực tế bà này từng ở lại TP.HCM để giao lưu với đối tác. Khi về đến Phan Thiết, bà còn đi đến nhiều nơi ăn uống.
Nữ bệnh nhân khai rằng chỉ tiếp xúc với 17 người gồm thành viên trong gia đình, nhân viên và lái xe. Thực tế, sau khi được công bố dương tính với Covid-19, hãng thiết bị vệ sinh cao cấp Nhật Bản TOTO chi nhánh TP.HCM đã thông báo đóng cửa vì có 2/4 nhân viên kinh doanh có tiếp xúc với bệnh nhân số 34.
Khi ngành y tế Bình Thuận tiếp tục làm việc với nữ doanh nhân để ghi nhận thêm thông tin về những người tiếp xúc, bệnh nhân mới thông tin số người tiếp xúc là 21, rồi 31. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân thông tin tiếp xúc đến 46 người.
Thống kê của Sở Y tế Bình Thuận, số người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân thứ 34 đến nay đã ghi nhận được 203 trường hợp. Trong số này, 78 trường hợp đang cách ly tại Trung đoàn Bộ binh 812 của tỉnh (không có trường hợp nào có triệu chứng biểu hiện của bệnh), số còn lại có kết quả âm tính được cách ly tại nhà. Số trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) là 761.
Làm việc với tỉnh Bình Thuận ngày 15/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói rằng, việc ca bệnh 34 khai báo còn nhỏ giọt khiến việc kiểm soát bệnh khó khăn, khả năng lây bệnh cao. Bước đầu, bệnh nhân thứ 34 này chỉ khai có tiếp xúc 17 người và chỉ đi từ nhà đến nơi làm việc. Tuy nhiên, 2 ca bệnh thứ 45 và 48 tại TP HCM đều khai báo có tiếp xúc với ca bệnh 34 này tại một quán ăn ở Phan Thiết, chứng tỏ người này chưa khai báo đầy đủ.
Việc khai báo không đầy đủ của nữ doanh nhân đã khiến công tác phòng chống dịch rất khó khăn và Sở Y tế Bình Thuận đã đề nghị công an tỉnh vào cuộc. Dư luận cho rằng, với hành vi khai báo gian dối, nhỏ giọt khiến dịch bệnh không được kiểm soát kịp thời và lây nhiễm đến 10 người, nữ doanh nhân này khi chữa trị khỏi bệnh cần phải bị xử lý.
Có thể khởi tố hình sự?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thời gian qua, không ít bệnh nhân đã có hành vi gian dối trong việc khai báo y tế, gian dối, không thực hiện biện pháp cách ly tế bắt buộc và gian dối trong việc khai báo lịch trình đi lại, tiếp xúc của mình dẫn đến lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Tất cả những trường hợp này cần phải xem xét một cách đầy đủ, chính xác về góc độ pháp lý, khi đủ căn cứ chứng minh hành vi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, làm lây lan bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm cho người với lỗi cô ý gián tiếp (cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như khai báo gian dối, trốn tránh cách ly...
Biết là hành vi của mình có thể gây lây lan dịch bệnh cho người khác nhưng cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả dịch bệnh lây lan có thể xảy ra, dẫn đến nhiều người khác mắc bệnh...) thì có thể xem xét xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Đối với trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 34 khai gian, Luật sư Cường cho rằng, nữ bệnh nhân 34 đã có hành vi che giấu thông tin về tình trạng bệnh dịch và các thông tin có liên quan, gây khó khăn cho công tác phòng và chống dịch.
Benh nhan Covid-19 thu 34 khai gian 17 F1 gio 46 nguoi: Khoi... can quy toi?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 6, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc người khác thì mắc bệnh truyền nhiễm thì có thể bị xử phạt đến 2.000.000 đồng theo khoản hai, điều 11 của nghị định nêu trên.
Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi che giấu tình trạng dịch bệnh, che giấu lịch trình tiếp xúc dẫn đến việc lây lan dịch bệnh cho cộng đồng thì không chỉ xử lý hành chính mà còn có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về góc độ đạo đức, hành vi che giấu thông tin, lịch trình là hành vi đáng lên án, gây khó khăn cho công tác phòng và chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người khác.
Trong khi cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, mỗi người dân đều nêu cao trách nhiệm của mình trong việc phòng và chống dịch bệnh. Nhiều người dân chung tay với các cấp chính quyền, với cơ quan chức năng để phòng chống dịch. Nhiều người đã phải thức thông đêm để xây dựng bệnh viện dã chiến, nhiều cán bộ chiến sĩ đã phải căng bạt ngủ để nhường chỗ cho người cách ly. Nhiều người dân có những lúc còn hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống, kinh tế xã hội...
Trong khi cả xã hội đang căng thẳng, hồi hộp, cố gắng từng giây phút để phòng và chống dịch thì lại có những con người vô trách nhiệm, thiếu ý thức, không tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như những chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm gây lây truyền bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng dẫn đến việc khó kiểm soát, tốn kém, lãng phí nhiều tiền của của nhà nước và gây lo lắng cho nhiều người dân.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi lây lan bệnh dịch truyền diễm nguy hiểm cho người ra cộng đồng là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự. Những hành vi như di chuyển các động vật, thực vật, sản phẩm động thực vật, các vật chứa bệnh truyền nhiễm ra khỏi vùng có dịch hoặc có những hành vi khác làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Trong đó, hành vi che giấu thông tin về việc nhiễm bệnh, che giấu thông tin về lịch trình tiếp xúc hoặc có những hành vi khác khiến bệnh dịch lây lan thì hành vi này được xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi này có thể làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Bởi vậy nếu người nào cố ý che giấu thông tin về tình trạng bệnh dịch covid-19 của mình dẫn đến làm lây lan bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ra cộng đồng thì còn có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự về tội lây lan bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần xử lý hình sự một vài trường hợp khai báo gian dối, trốn tránh cách ly, không tuân thủ các quy định về khám bệnh chữa bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Đồng thời thể hiện nguyên tắc pháp chế trong việc áp dụng pháp luật hình sự.
“Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các nguyên tắc trong việc phòng và chống dịch bệnh, tuân thủ pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, việc xử lý những trường hợp vi phạm liên quan đến thông tin, giáo dục truyền thông và vi phạm trong việc phòng, khám và chữa bệnh cũng là điều cần thiết. Có thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng và chống dịch bệnh thì chúng ta mới có thể kiểm soát đầy lùi được dịch bệnh này”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Phạt 12 năm tù nếu lây lan dịch bệnh
Đồng quan điểm, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa cho rằng, đến nay đã xảy ra 2 trường hợp "lọt" cửa kiểm tra an ninh và sau đó được xác định dương tính với Covid-19.
Pháp luật hiện hành đã có những quy định và chế tài cho các hành vi vi phạm nêu trên. Do đó, cần xử lý nghiêm khắc các hành vi khai báo gian dối, trốn tránh kiểm tra, cách ly y tế của những người vi phạm để răn đe.
Luật sư Tùng cho rằng, hành vi cố ý trốn tránh, khai báo gian dối hoặc chống đối để không thực hiện các biện pháp để cách ly và phòng chống dịch sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Benh nhan Covid-19 thu 34 khai gian 17 F1 gio 46 nguoi: Khoi... can quy toi?-Hinh-3
Luật sư Hoàng Tùng. 
Nếu hành vi trốn khỏi nơi cách ly, cố tình khai báo gian dối, trốn tránh các biện pháp cách ly y tế mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác, có thể bị truy cứu theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Người phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù 1-12 năm tùy vào hậu quả gây ra.
Luật sư Tùng khuyến cáo người dân, đặc biệt là các cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, khi được cơ quan chức năng kiểm tra phải trung thực cung cấp lộ trình và tình trạng sức khỏe của bản thân.
>>> Mời độc giả xem video WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch:

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)