COVID-19: Hàng hoá thiết yếu… cán bộ hiểu chưa tới, dân sao “thấu”?

Google News

Không chỉ câu chuyện bánh mì hay chuyện vận chuyển tiền, thậm chí không ít tình trạng người trực chốt gây khó khăn cho phương tiện vận chuyển hàng hóa vào các địa phương đang thực hiện giãn cách.

Đến nay, Hà Nội, TP HCM và hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Chỉ thị 16, người dân ra đường, nếu không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt hành chính. Nhiều địa phương đã xử phạt nhiều trường hợp ra đường đi mua những hàng hóa hay thực hiện các dịch vụ không thiết yếu.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có tình trạng cán bộ làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh “hiểu chưa tới” về hàng hóa thiết yếu. Điển hình vừa qua là câu chuyện “bánh mì không phải không phải thực phẩm” ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) hay mới đây “tiền không phải hàng thiết yếu” ở huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) là một ví dụ điển hình.
COVID-19: Hang hoa thiet yeu… can bo hieu chua toi, dan sao “thau”?
Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa "hàng hoá, dịch vụ thiết yếu" trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội nên phần lớn do các địa phương tự quy định. 
“Cán bộ chưa hiểu hết hàng hóa thiết yếu, làm sao dân “thấu”?”- Không ít người dân đặt ra câu hỏi trên và yêu cầu cần công khai danh mục hàng thiết yếu và chấn chỉnh tình trạng cán bộ làm nhiệm vụ phòng chống dịch thiếu hiểu biết về các quy định phòng dịch, tránh tái diễn những vụ việc tương tự xảy ra.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Đoàn Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, không chỉ người dân mà nhiều người thực thi công vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 chưa hiểu hết hàng thiết yếu gồm những mặt hàng gì. Nguyên nhân một phần do hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa "hàng hoá, dịch vụ thiết yếu" trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội nên phần lớn do các địa phương tự quy định.
Do đó Bộ Công thương và Sở Công thương các tỉnh cần công bố hàng thiết yếu gồm những gì để người dân, đặc biệt là các cán bộ làm nhiệm vụ trực chốt nắm được tạo điều kiện cho các phương tiện, người dân lưu thông khi có lý do chính đáng.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, không phải cán bộ không hiểu hàng thiết yếu gồm những danh mục hàng hóa nào, người ta hiểu hết, biết hết.
“Bàn tay ngón dài, ngón ngắn, cán bộ cũng có người này, người kia. Đặc biệt là mấy người ở cấp cơ sở như cán bộ phường, xã, bảo vệ dân phố, dân quân được điều động đi chống dịch. Cán bộ đều biết hàng thiết yếu là những mặt hàng nào chứ không phải không biết nhưng có những cán bộ biết nhưng muốn thể hiện bản thân, hách dịch, gây khó dễ cho người dân. Những cán bộ như này không nhiều nhưng đáng chê trách và cần bị xử lý”, ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, một người dân bình thường cũng hiểu “bánh mì là lương thực, là hàng thiết yếu” và cũng hiểu hoạt động ngân hàng được hoạt động ngay cả khi đang thực hiện Chỉ thị 16.
Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, không chỉ câu chuyện bánh mì hay chuyện vận chuyển tiền, thậm chí không ít tình trạng người trực chốt gây khó khăn cho phương tiện vận chuyển hàng hóa vào các địa phương đang thực hiện giãn cách.
“Tình hình dịch COVID-19 đang phức tạp trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội, TP HCM và khu vực phía Nam. Việc thực hiện Chỉ thị 16 hay TP HCM thực hiện chỉ thị 16 + là hết sức cần thiết trong điều kiện và tình hình hiện nay. Việc không hiểu biết hàng thiết yếu là gì sẽ gây ngăn sông, cấm chợ. Ngay cả việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây lên TP HCM rất khó khăn. Một số người được phân công thi hành nhiệm vụ trực chốt thiếu hiểu biết, gây khó dễ cho những phương tiện vận tải chuyên chở hàng hóa rất quan trọng cho người dân TP HCM và các tỉnh đang giãn cách”, ông Hòa nói.
Từ đó, ông Hòa cho rằng, lực lượng thực thi nhiệm vụ tại các chốt phải linh động, nhạy bén, hiểu các quy định một cách rạch ròi và tạo điều kiện cho người và phương tiện nếu có lý do chính đáng theo quy định,
“Vừa rồi nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện tổ chức phân luồng giao thông (luồng xanh), tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Ngày 25/7, Chính phủ có văn bản số 1015 chỉ đạo không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành GTVT) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Đây là một bước mở rất đáng hoan ngênh”, ông Hòa nêu ý kiến.
PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, câu chuyện “bánh mì không phải lương thực” hay “tiền không thiết yếu” là rất buồn và qua đó, các địa phương phải hướng dẫn hàng thiết yếu và yêu cầu phải thực hiện.
“Chống dịch là nước sôi lửa bỏng, không thể chấp nhận những sự việc như vậy. Tôi nghĩ Bộ Công thương và Sở Công thương các tỉnh kể cả có dịch hay không có dịch cần liệt kê toàn bộ danh mục hàng thiết yếu và tuyên truyền đến cán bộ và người dân biết một cách cặn kẽ. Nếu vi phạm cần phải xử lý nghiêm. Không thể để những chuyện như vậy tiếp tục xảy ra”, PGS. TS Bùi Thị An.
Đồng thời, bà Bùi Thị An cho rằng, việc tuyên truyền về hàng thiết yếu phải thường xuyên. Tuy nhiên, với người dân dù hiểu rõ hàng thiết yếu nhưng cố tình để ra đường thì phải xử phạt. Bởi không chi cá nhân họ mà còn liên quan cả cộng đồng. Một người thiếu ý thức có thể gây hậu quả khôn lường cho cộng đồng, xã hội.
Danh mục hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ:
Công văn số 2601/ VPCP-KGVX ngày 3/4/2020 2020 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 16, nêu một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu.
Cụ thể: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn…; Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.
Dựa trên hướng dẫn này, từng địa phương theo tình hình kinh tế xã hội, đặc thù sẽ ra danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chi tiết được phép kinh doanh, sản xuất...
Hàng hóa thiết yếu là những hàng hóa được nêu trong Công văn số 1998/BCT-TTTN ngày 20/3/2020 của Bộ Công Thương, bao gồm: Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ và các nhu yếu phẩm cần thiết.
Lương thực bao gồm: gạo tẻ, gạo nếp (và các sản phẩm chế biến từ gạo tẻ, gạo nếp); đậu, bắp, khoai, bột và tinh bột (và các sản phẩm chế biến từ đậu, bắp, khoai).
Thực phẩm tươi sống bao gồm: thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm, thủy hải sản; rau, củ, quả; trái cây (và các sản phẩm chế biến từ thực phẩm tươi sống).
Bánh kẹo các loại, muối ăn, bột nêm, gia vị, nước mắm, nước tương, đường, dầu thực vật, sữa các loại, mì gói các loại, nước uống đóng chai được xếp vào nhóm thực phẩm công nghệ.
Còn nhu yếu phẩm cần thiết là thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh và các sản phẩm tẩy rửa, tắm giặt.
Danh mục các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội gồm:
Các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được phép hoạt động gồm:
Siêu thị; chợ dân sinh; cửa hàng tiện lợi, tiện ích; cửa hàng tạp hóa; cửa hàng kinh doanh trái cây; chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm (chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu);
Các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gas khí đốt; Các cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh: Thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh.
Dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền hình; Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, thanh toán điện tử; Dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; Xuất, nhập khẩu hàng hóa; Dịch vụ bảo vệ; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp; Các cửa hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; Dịch vụ tang lễ, nghĩa trang.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội trong ngày đầu giãn cách xã hội lần thứ 2: 

Nguồn: Truyền hình Hà Nội.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)