Thủy điện Sơn La, Hòa Bình cùng xả lũ vào 8h sáng 7/7
Ngày 6/7/2018, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành công điện hỏa tốc số 07/CĐ-TW gửi Công ty thủy điện Sơn La, Công ty Thủy điện Hòa Bình và các tỉnh, thành phố Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình về việc mở cửa xả đáy hồ Sơn La và hồ Hòa Bình.
Theo nội dung công điện, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, hiện nay mực nước hồ Sơn La và Hòa Bình đang ở mức cao hơn so với quy định. Tính đến hồi 7h ngày 6/7, mức nước hồ Sơn La ở cao trình 209,41m, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 107,03m.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 7-9/7, khu vực vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, riêng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái có mưa rất to.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Giám đốc các Công ty thủy điện Sơn La, Hòa Bình cùng mở 1 cửa xả đáy vào hồi 8h ngày 7.7; liên tục phát điện tối đa các tổ máy. Tùy theo tình hình diễn biến mưa lũ thượng nguồn, các công ty thủy điện tiếp tục mở thêm cửa xả đáy theo quy định.
Đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng nước đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các cơ quan liên quan.
|
Thủy điện Hòa Bình xả lũ năm 2017. Ảnh minh họa. |
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu cho các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố bằng mọi biện pháp khẩn trương tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông di chuyển ngay các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy, trạm bơm ven sông, cống dưới hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình và các công trình qua sông; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ các hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn người và tài sản.
Rà soát các phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó.
Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan triển khai thực hiện để đảm bảo an toàn công trình và hạ du khi các nhà máy xả lũ.
Kiểm tra, đôn đốc đảm bảo an toàn hạ du trước xả lũ
Thực hiện công điện trên, nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản, chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành, tránh tư tưởng chủ quan sau nhiều năm đầu mùa không xả lũ, chiều ngày 06/7/2018, Văn phòng TT Ban Chỉ đạo TW về PCTT đã cử đoàn công tác phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm tra, đôn đốc các công việc liên quan.
Đoàn đã thực địa tại khu vực nhà bè và nuôi lồng trồng thủy sản phía sau hạ du hồ thủy điện Hòa Bình - khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của việc xả lũ.
Ghi nhận đến chiều 6/7, các cấp chính quyền địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, triển khai đồng bộ từ công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật di chuyển nhà bè, lồng cá trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tận người dân.
Tuy nhiên, đến 17h00 ngày 06/7/2018, vẫn còn 36 nhà bè chưa di chuyển đến nơi neo đậu an toàn (đã di dời đến nơi an toàn 40 nhà bè).
Rút kinh nghiệm đợt xả lũ lớn năm 2017, để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT đã đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hòa Bình khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện để hoàn thành việc di dời các nhà bè, lồng bè nuôi trồng thủy sản còn lại đến nơi neo đậu an toàn trước 7h30 sáng ngày 07/7/2018 và báo cáo kết quả thực hiện kịp thời về Ban Chỉ đạo trước 6 giờ ngày 7/7/2017.