Cộng điểm lớp 10 cho con cán bộ cách mạng trước 1945: Có khả thi?

Google News

Đề xuất quy định con người cán bộ tiền khởi nghĩa được ưu tiên khi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ không khả thi, bởi những người này đến nay cũng đều ở độ tuổi là người cao tuổi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây công bố dự thảo quy chế tuyển sinh THCS, THPT. Theo đó, 3 nhóm thí sinh được cộng 1-2 điểm ưu tiên trong tuyển sinh lớp 10 gồm con gia đình chính sách, có công với cách mạng, là người dân tộc thiểu số hoặc sống và học tập tại các vùng đặc biệt khó khăn. Đáng chú ý, thí sinh được cộng 2 điểm (mức cao nhất) nếu là con của người hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945. Đề xuất gây chú ý dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Cong diem lop 10 cho con can bo cach mang truoc 1945: Co kha thi?
Ảnh minh họa. 
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, miễn giảm học phí cho con em gia đình chính sách, người có công với cách mạng là chính sách đúng đắn, phù hợp với truyền thống đạo đức uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Theo quy định tại Điều 3, Pháp lệnh người có công với cách mạng, người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sỹ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay: “Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945”, hay còn gọi là cán bộ “tiền khởi nghĩa” là một trong các trường hợp được xác định là người có công với cách mạng, được hưởng các chính sách ưu đãi, đãi ngộ của Nhà nước đối với người có công.
Điều 5, Pháp lệnh người có công với cách mạng quy định tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu như sau: Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần; Các chế độ ưu đãi khác bao gồm: Bảo hiểm y tế; Điều dưỡng phục hồi sức khỏe; Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên; Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân…
Như vậy, có thể thấy rằng người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ được nhiều chính sách ưu đãi, đãi ngộ của Nhà nước, trong đó có chính sách đãi ngộ về học tập trong hệ thống giáo dục quốc dân…Bởi vậy, căn cứ vào điều 5 của Pháp lệnh người có công với cách mạng, các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định quy định về miễn, giảm học phí hoặc ưu tiên tuyển dụng đối với người có công và thân nhân của họ là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Bởi vậy, dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ưu tiên tuyển sinh đối với con người có công với cách mạng là trường hợp người tham gia cách mạng trước năm 1945, nếu xét về mặt lý thuyết, quy định này phù hợp với chính sách người có công, phù hợp với hiến pháp và mang tính nhân văn, nhân đạo.
Tuy nhiên, về mặt thực tế, tính khả thi là không cao do là những người hoạt động trước Cách mạng tháng Tám đến nay đều trên dưới 100 tuổi. Ở cái tuổi này, cháu nội, cháu ngoại của họ cũng ít người đang học tiểu học, THCS, trường hợp có con học lớp 10 là rất hiếm gặp. Bởi vậy nếu quy định là cháu nội, cháu ngoại của người có công với cách mạng là người hoạt động cách mạng trước năm 1945 được ưu tiên khi tuyển sinh vào lớp 10 còn có thể có trường hợp được áp dụng trên thực tiễn.
Rõ ràng, quy định con người cán bộ tiền khởi nghĩa được ưu tiên khi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ không khả thi, bởi những người này đến nay cũng đều ở độ tuổi là người cao tuổi. Quy định này nếu đưa ra cách đây 40-50 năm trước hoặc sớm hơn nữa sẽ phù hợp và khả thi hơn.
Một văn bản quy phạm pháp luật ban hành không chỉ phù hợp với các văn bản có hiệu lực pháp luật cao hơn, phù hợp với chính sách pháp luật mà còn phải phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi. 
“Thực tế cho thấy, văn bản pháp luật ngoài việc phải phù hợp với các chính sách của Nhà nước và Hiến pháp còn phải đảm bảo tính khả thi. Nếu tính khả thi không cao, không áp dụng được vào thực tế sẽ trở nên lãng phí và không cần thiết. Do đó, Bộ GD&ĐT nên rà soát và bỏ quy định này hoặc sửa đổi để cháu của họ có thể được hưởng chính sách này”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay. 
Đưa vào để không bỏ sót người đáng được hưởng chế độ
Trao đổi với báo chí, đại diện ban soạn thảo thông tư của Bộ GD&ĐT cho biết, chính sách áp dụng cho cả con đẻ và con nuôi hợp pháp của cán bộ cách mạng. Đề xuất này căn cứ theo Nghị định 131 năm 2021 của Chính phủ về ưu đãi cho người có công với cách mạng. Chẳng hạn, có người tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, nhưng 70-80 tuổi mới nhận con nuôi. Đề xuất đã tính toán kỹ trong quá trình soạn thảo và vẫn có khả năng nói trên, nên đưa vào để không bỏ sót người đáng được hưởng chế độ ưu tiên.
 
 
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)