Dự án từng mang nhiều kỳ vọng
Dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ (PVTex) - “con đẻ” của sự hợp tác đầu tư giữa hai tập đoàn mạnh hàng đầu Việt Nam là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN và Tập đoàn Dệt may – Vinatex nhận được nhiều sự kỳ vọng trong việc phát triển ngành xơ sợi.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển ngành xơ sợi, nhằm giảm lượng ngoại tệ cần thiết dùng để nhập xơ sợi, tạo công ăn việc làm cho những lao động có trình độ, tạo nguồn cung cấp xơ sợi lâu dài và ổn định cho ngành dệt may, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà sản xuất liên quan trong nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN và Tập đoàn Dệt may – Vinatex đã thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ có quy mô đầu tư lớn với giá trị nghiệm thu lên tới hơn 363 triệu USD.
Ngày 15/7/2007, PVN ký thỏa thuận hợp tác Vinatex đầu tư xây dựng nhà máy xơ sợi polyeste và thực hiện thủ tục pháp lý cho việc thành lập PVTex. Ngày 10/10/2007, Vinatex uỷ quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án, PVN uỷ quyền cho Vinatex lựa chọn nhà thầu, phê duyệt toàn bộ công việc liên quan đến thực hiện các gói thầu trong giai đoạn lập dự án khả thi.
|
Dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ (PVTex). Ảnh Hải Ninh. |
Năm 2008, Hội đồng quản trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD, tương đương 5.437 tỷ đồng tính theo tỷ giá tại thời điểm đó. Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và theo tính toán của chủ đầu tư, dự án được nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8/2013 và đã bàn giao đi vào sản xuất kinh doanh, dự kiến sẽ hoàn vốn toàn bộ sau thời gian hơn 8 năm.
Sau 5 năm xây dựng và vận hành thử, bắt đầu 31/5/2014, nhà máy của công ty bắt đầu vận hành thương mại, nhằm sản xuất ra các loại xơ sợi tổng hợp cung cấp cho các nhà máy dệt trong nước. Đến thời điểm 31/12/2014, vốn điều lệ của PVTex là 1.996 tỷ đồng, với các cổ đông là PVN, PVFCCo và ông Phan Anh Tuấn. Sau đó, PVN đã bỏ tiền ra mua lại cổ phần từ các cổ đông khác để tăng tỷ lệ góp vốn ngày càng cao. Tính đến cuối năm 2014, toàn bộ 100% vốn góp tại PVTex là của PVN và các đơn vị thành viên, gồm: Tổng công ty CP tài chính dầu khí, Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí.
Tại thời điểm chạy thử nhà máy (năm 2011), hai thông tin đầy tự tin được các lãnh đạo công ty tung ra: Một là công suất sản xuất của nhà máy đủ khả năng cung cấp tới 40% nhu cầu sử dụng xơ sợi tổng hợp cho dệt vải, từ đó nâng cao hàm lượng “nội địa hóa” cho sản phẩm dệt may của Việt Nam; Hai là khi chạy hết công suất, nhà máy của PVTex sẽ tiết kiệm được tối thiểu 40 triệu USD/năm cho đất nước nhờ vào việc giảm nhập khẩu xơ sợi. Thông tin này đến bây giờ vẫn được lưu giữ tại trang web của PVTex.
Sự tự tin của các lãnh đạo PVTex thời điểm đó là do nhà máy xơ sợi Đình Vũ của PVTex là một dự án liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn dệt may Việt Nam, là một trong 10 dự án trọng điểm theo quy hoạch phát triển ngành lọc hóa dầu của Chính phủ. Theo lí thuyết được tính toán, nhà máy được sử dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới, được xây dựng nhanh kỷ lục – chỉ mất có 2 năm - với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD, công suất 175.000 tấn xơ sợi, doanh thu 300 triệu USD/năm, đóng góp vào ngân sách khoảng 30 triệu USD mỗi năm. Thậm chí, PVTex lên kế hoạch xây dựng thêm Nhà máy sản xuất sợi PVTex Phú Bài ngay cạnh nhà máy xơ sợi tại Đình Vũ để hỗ trợ cho nhà máy này.
Gồng mình cứu nhà máy khỏi nguy cơ phá sản
Tuy nhiên, thực tế lại không giống như kỳ vọng, sau một thời gian xây dựng đi vào vận hành, sản xuất và kinh doanh, dự án chưa có hiệu quả kinh tế, thua lỗ lên đến hơn 1.400 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ được chỉ ra là do VTex, PVN, Vinatex, các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng dự án đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong kết luận thanh tra.
Đại diện PVtex tại Hải Phòng đưa ra những phân tích liên quan đến những con số thua lỗ. Theo đó, tổng tài sản của PVTex tại thời điểm 31/12/2015 là hơn 6.456 tỷ đồng (tiền đầu tư tài sản cố định ban đầu); vốn chủ sở hữu bị âm hơn 528 tỷ đồng (vốn lưu động) do PVTex bị lỗ trong năm 2015. Riêng lần đầu chạy thử sản phẩm, PVTex đã “ngốn” 90 triệu USD mà không bán được hàng. Trong khi đó, nợ phải trả hơn 6.984 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn để đầu tư dự án, nợ vay vốn lưu động để vận hành nhà máy. Nhưng con số nợ phải trả 6.984 tỷ đồng vẫn chưa đánh giá hết tình hình thực tế của PVTex vì hiện tại, nhiều hạng mục của các công trình nhà máy xơ sợi Đình Vũ vẫn chưa xong và chưa được bàn giao nên tài sản cố định của PVTex khó có thể tính là 6.456 tỷ đồng. Nhà đầu tư (PVN) và Tổng thầu thi công (EPC) vẫn đang tranh chấp và đang giải quyết tranh chấp tại tòa án Quốc tế. Do vậy, rất khó để định giá tài sản cố định thực tế của PVTex. Nguy cơ khoản đầu tư ban đầu hơn 6.000 tỷ cùng khoản nợ hơn 500 tỷ đồng mà PVTex tạo ra sẽ được “chôn” dưới xác nhà với một đống thép là rất cao với tình hình hiện nay của PVTex.
Trở lại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra dự án, PV Kiến Thức đã chứng kiến những sự ảm đạm, đáng buồn của nhà máy được ví như con tàu kinh tế hàng đầu ngành xơ sợi này. Cả khu nhà máy rộng hơn 15ha nằm im lìm, tĩnh lặng, những tiếng máy chạy, những đoàn công nhân nối nhau vào ra đã chỉ còn trong quá khứ. Thực tế hiện nay chỉ còn vài bóng công nhân.
Trong tình trạng như hiện nay của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, có lẽ những người bận nhất là các lãnh đạo trong Hội đồng quản trị PVTex. Họ đang hàng ngày hàng giờ phải gồng mình lên với nỗ lực cứu nhà máy.
Trước đây, Bộ Công Thương cũng như PVN không cam lòng để PVTex phá sản nên đã tìm nhiều giải pháp để cứu vớt dự án được kỳ vọng là “con tàu kinh tế hàng đầu ngành xơ sợi” này. Một trong những giải pháp đó là tìm người chèo lái giỏi. Ngày 4/4/2016, tại Hải Phòng, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Văn Chất đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex). Lãnh đạo PVN tin rằng ông Chất về dẫn dắt PVTex sẽ giúp đơn vị này vực dậy và đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ hoạt động hiệu quả, nhanh chóng bù lỗ. Việc thay đổi nhân sự cấp cao của PVTex là một việc làm quyết liệt của PVN để từng bước vực dậy PVTex.
Bởi vậy, ngay trong lễ trao quyết định bổ nhiệm, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh: “Chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào kinh nghiệm, trình độ và khả năng điều hành của đồng chí Phạm Văn Chất sẽ vực dậy PVTex đang “tả tơi trong cơn giông bão””.
Ông Phạm Văn Chất về đảm nhiệm chức vụ tại PVTex từ tháng 4/2016 với nhiều nhiệt huyết của một “vị tướng” kinh tế để cứu nhà máy với hệ thống máy móc được coi là “hiện đại nhất thế giới” đang đắp chiếu. Ông Chất đã đề xuất với PVN những giải pháp để cứu hoặc để PVTex chết: Một là mời hợp tác đầu tư; hai là nhà máy tự chạy và rót vốn thêm; ba là thanh lý nhà máy.
|
Quang cảnh nhà máy vô cùng ảm đạm. Ảnh Hải Ninh. |
Ngày 12/7/2016, Bộ Công thương có công văn số 343/BCT-TCNL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho PVN. Trong đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng giao PVN thực hiện phương án hợp tác với các đối tác khác để cùng sản xuất và vận hành nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Ngày 2/8/2016, Bộ Công thương có công văn số 7126/BCT-TCNL yêu cầu PVN khẩn trương đàm phán với các đối tác tiềm năng để thống nhất phương án hợp tác; báo cáo Bộ Công thương kết quả thực hiện trong tháng 8/2016. Sự việc coi như rất gấp gáp.
Bản thân TGĐ của PVTex cũng như các phòng ban của PVN tích cực tìm các đối tác nước ngoài để hợp tác với PVTex. Theo đó, có hai đối tác lớn là tập đoàn Indorama của Ấn Độ và tập đoàn Fortrec Chemicals của Singapore xem xét phương án hợp tác với PVTex. Cả hai đối tác này đều yêu cầu PVTex phải khởi động máy để đánh giá kỹ thuật và thử sản xuất căn chỉnh cho ra công suất thiết kế ban đầu. Phía Indorama đưa ra phương án đàm phán “khó” với PVTex: Tự bỏ các khoản biến phí (kiểm tra, khắc phục hệ thống máy móc; chi phí nhân công, điện, nước...); tự bỏ tiền mua nguyên liệu chạy thử (một chu kỳ chạy sản phẩm đủ cho thiết kế hệ thống máy móc mất chi phí 30 triệu USD cho nguyên liệu); sản phẩm làm ra họ chỉ tiêu thụ sản phẩm đạt loại A (trong khi trình độ kỹ thuật chạy các đợt trước đó của PVTex chỉ sản xuất ra sợi để làm... bao tải, là loại sợi bỏ đi); Indorama không bao tiêu sản phẩm và không lo đầu ra thị trường cho PVTex. PVTex không dám mạo hiểm với đối tác này.
Đối tác Fortrec Chemicals đưa ra điều kiện: PVTex sẽ khởi động máy trơn tru; đối tác này sẽ cung cấp nguyên liệu chạy thử; sản phẩm làm ra họ chịu trách nhiệm và chỉ cần đạt đủ công suất còn kỹ thuật sẽ căn chỉnh cho phù hợp. Đối tác này đồng ý ký hợp đồng với PVTex 2 năm. Trong đó, họ cung cấp nguyên liệu, lo đầu ra sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam với giá cạnh tranh là 100 – 120USD/tấn xơ – sợi thành phẩm.
“Khi đàm phán với đối tác xong, gần 1.000 con người đang làm việc vất vưởng ở PVTex như thấy phấn khởi. Nếu nhà máy đi vào hoạt động, tính về mặt kinh tế thì chúng ta vẫn lỗ vì đối tác không chịu chi phí khấu hao máy móc nhưng tính về lợi ích quốc gia chúng ta vẫn lợi. Kỹ thuật bây giờ chúng ta kém, chúng ta cần học việc. Hai năm đó, công nhân có việc làm, nâng cao tay nghề, được trả lương; họ đóng thuế cho nhà nước; bán sản phẩm với giá cạnh tranh. Sau 2 năm, hệ thống máy móc, hệ thống con người vận hành công nghệ và quản lý, hệ thống nhà xưởng mới có giá trị. Chúng tôi phấn khởi trình phương án hợp tác như vậy với PVN”, ông Phạm Văn Chất, TGĐ của PVTex cho biết.
Bản báo cáo các phương án dành cho PVTex có phân tích rõ thêm cả 2 phương án: Tuyên bố phá sản và tự vận hành. Phương án tự vận hành là bất khả thi vì nếu để PVTex tự vận hành nhà máy thì không lấy đâu ra vốn lưu động mấy trăm tỷ nữa để đầu tư. Các ngân hàng quá “oải” với PVTex và không ngân hàng nào muốn cho PVTEX vay vốn để vận hành nhà máy. Phương án tuyên bố phá sản rất khó khăn. Muốn tuyên bố phá sản phải định giá được tài sản. Muốn định giá được tài sản thì phải thanh quyết toán công trình. Muốn thanh toán được công trình thì phải giải quyết tranh chấp với tổng thầu EPC (PVN và EPC đang kiện nhau ra tòa án quốc tế và chưa bàn giao được công trình). Tất cả thủ tục kiện tụng này 2 năm chưa chắc đã xong. Sau đó phải xin chủ trương của Chính phủ mất từ 6 tháng tới 1 năm. Trong khi đó, hiện tại để duy trì, vận hành nhà máy và hệ thống điều khiển điện tử mất 6,5 tỷ đồng/tháng.
Bộ Công thương cũng tích cực "thúc" PVN đưa ra giải pháp cứu PVTex nhưng không hiểu sao, đến cuối tháng 10/2016, PVN vẫn im lặng. Đối tác Fortrec Chemicals của Singapore có dấu hiệu mệt mỏi và giãn ra. Lãnh đạo cũng như công nhân của PVTex hốt hoảng. Đứng ở khu văn phòng rộng thênh thang của PVTex tại khu công nghiệp Đình Vũ, cán bộ và nhân viên của PVTex ai cũng một câu nói với PV: “Chỉ cần ý kiến của PVN là giải quyết được vấn đề nhưng chúng tôi chờ đợi và hụt hẫng quá!”.
Cuộc đàm phán cuối cùng cứu PVTex
Sau khi có kết luận của Thanh tra chính phủ ngày 24/11/2016 về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ, sáng 25/11, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã có cuộc họp khẩn cấp Hội đồng thành viên để thông qua phương án cứu nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ. Theo đó, PVN đã thông qua về mặt chủ trương phương án cứu nhà máy theo phương án hợp tác với công ty Fortrec Chemicals của Singapore.
Nói về việc này, ông Phạm Văn Chất, TGĐ của PVTex cho biết: “Chúng tôi trình bày các phương án quyết định tương lai của nhà máy xo sợi từ tháng 9, nhưng phải đến khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ thì PVN mới đồng ý chủ trương hợp tác với đối tác Singapore nhưng phải báo cáo Bộ Công thương. Hiện mọi việc rất gấp. Phía đối tác yêu cầu phải trả lời phương án có hợp tác hay không với họ trước ngày 30/11. Ngày 25/11 mới nhận được đồng ý về mặt chủ trương với tập đoàn; ngày 28/11, chúng tôi mới báo cáo Bộ Công thương. Nếu để trả lời đối tác theo đúng ngày họ yêu cầu thì rất khó, chúng tôi sẽ yêu cầu họ giãn thời gian nếu Bộ Công thương có dấu hiệu đồng ý phương án trên”.
|
Lãnh đạo PVtex đang gồng mình cứu nhà máy khỏi sự phá sản. Ảnh: Hải Ninh. |
Trong cuộc họp Hội đồng thành viên của PVN, PVN cũng xem xét đến phương án tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Chất thì phương án này sẽ mang lại nhiều thiệt hại và rắc rối.
Tất cả gần 1.000 lãnh đạo, cán bộ, công nhân của PVTex đang rất mong chờ ý kiến của Bộ Công thương.