Lo ảnh hưởng đến nguồn cung
Để triển khai thực hiện lộ trình, TP đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện nhà máy sản xuất Ethanol hoạt động trở lại, và có kế hoạch đảm bảo nguồn cung Ethanol phục vụ sản xuất, phối trộn xăng sinh học E5.
|
Đến nay đa số người dùng vẫn chọn các loại xăng khoáng. Ảnh: Infonet
|
Theo TP, việc này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong trường hợp triển khai đồng loạt thay thế toàn bộ xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5, đồng thời sẽ giúp giảm giá thành xăng sinh học E5 để tạo hấp dẫn, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng.
Ngoài ra động thái này còn làm giảm áp lực, khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, phối trộn và kinh doanh xăng sinh học E5; hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí cải tạo, đầu tư bồn bể, trụ bơm kinh doanh xăng E5.
Đồng thời TP cũng kiến nghị Chính phủ xem xét trường hợp thay thế 100% xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5, vì khi đó người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay sang sử dụng xăng A95, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng xăng A95 tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung.
TP cho rằng nếu triển khai đồng loạt cần có kế hoạch, lộ trình phân kỳ cụ thể phương án đầu tư bồn bể, nhập khẩu, dự trữ nguồn xăng khoáng A95 hợp lý, tránh trường hợp thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến thị trường.
Để người dân hiểu rõ hơn về xăng E5, TP đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, các tổ chức khoa học liên quan nghiên cứu và công bố rộng rãi, phổ biến các công trình, kết quả nghiên cứu về lợi ích, hiệu quả của xăng sinh học E5 để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Một số doanh nghiệp làm đơn xin ngừng bán
Trong văn bản này TP cũng nếu ra những khó khăn để lý giải tại sao người tiêu dùng chưa “mặn mà” với loại nhiên liệu này.
Theo TP, các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 có sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho và tỷ lệ hao hụt rất cao, tỷ lệ chiết khấu không cao, dẫn đến doanh thu thấp so với xăng khoáng A92, A95, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng.
|
Tỉ lệ cửa hàng kinh doanh xăng E5 tại TP.HCM.
|
Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa có chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nên quá trình triển khai chưa tích cực, đồng bộ. Hiện đã có một số doanh nghiệp có văn bản đề nghị tạm ngưng kinh doanh xăng E5.
Theo chủ trương, cửa hàng xăng dầu kinh doanh xăng sinh học E5 cùng với xăng khoáng A92, A95, do đó, người tiêu dùng tiếp tục tiêu dùng theo thói quen truyền thống, dẫn đến việc kinh doanh xăng sinh học E5 không đạt hiệu quả.
Đồng thời, việc đầu tư, lắp đặt thêm bồn bể, trụ bơm để kinh doanh xăng sinh học E5 tại các cửa hàng gặp không ít khó khăn do quỹ đất, tài chính hạn chế.
Một lý do nữa là nguồn cung Ethanol không ổn định do các nhà máy sản xuất Ethanol đang đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, dẫn đến chi phí thu mua, bảo quản nguồn nguyên liệu Ethanol cao (do hao hụt nhiều), chi phí phối trộn và giá thành xăng sinh học E5 cao, chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92 không nhiều nên chưa thật sự hấp dẫn người tiêu dùng.
Ngoài ra hiện nay giá xăng dầu trên thế giới đang có xu hướng giảm, nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đẩy mạnh nhập khẩu dự trữ, xuất kho phân phối xăng khoáng A92, A95 hiệu quả hơn so với việc phân phối, kinh doanh xăng sinh học E5.
Cuối cùng, dù đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng về lợi ích sử dụng sản phẩm xăng sinh học E5, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức, chưa thay đổi thói quen sử dụng truyền thống xăng khoáng A92.
Đồng thời, việc triển khai thí điểm phân phối xăng sinh học E5 trên phạm vi 01 số tỉnh, thành không đồng bộ và kịp thời ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu dùng xăng sinh học E5 của người dân và phân phối xăng sinh học E5 của doanh nghiệp.