Sáng 27/5/2022, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Mở rộng đối tượng trao tặng sẽ khích lệ, tạo động lực
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ ủng hộ phương án mở rộng đối tượng được trao danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
Đại biểu Đỗ Văn Yên (đoàn (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: QH. |
|
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, ông cơ bản đồng thuận với dự thảo Luật. Tuy nhiên, sửa đổi, bổ sung một số điểm để dự án Luật được hoàn thiện hơn nữa, đảm bảo chất lượng cao.
Trong số những góp ý, đại biểu Yên cho rằng, cần mở rộng đối tượng được trao danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” . Theo đó, danh hiệu này sẽ được xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, bao gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên.
“Việc mở rộng đối tượng trao danh hiệu sẽ thể hiện rõ sự quan tâm, khích lệ, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những người lao động nghệ thuật”, ông Yên cho hay.
|
đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp). Ảnh: QH. |
Đồng quan điểm với đại biểu Đỗ Văn Yên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là những danh hiệu cao quý, cần được xét tặng cho cả cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Việc thêm một đối tượng, thêm một lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu này sẽ tạo thêm động lực cho những nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.
Cần nghiên cứu thêm việc phong tặng đối với nhà văn, kiến trúc sư
Đồng tình với phương án xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tuy nhiên, với đối tượng là nhà văn, kiến trúc sư có một số đại biểu có những góc nhìn riêng.
|
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Cà Mau). Ảnh: QH. |
Trong phát biểu của mình, Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Cà Mau) đề nghị Ban soạn thảo cần đưa vào trong Luật danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân, Kiến trúc sư ưu tú hoặc phong tặng là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.
Theo đại biểu Đông, mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật, nhất là công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa. Lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo.
Còn trong lĩnh vực văn học, có những tác phẩm đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò quan trọng vào việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, giáo dục chân-thiện-mỹ cho Nhân dân.
“Do đó, nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, họ cũng nên là đối tượng được xem xét phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú hoặc là Nhà văn nhân dân, Nhà văn ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định”, đại biểu Đông nêu quan điểm.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QH. |
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, kiến trúc cũng là một bộ môn nghệ thuật, Hội kiến trúc sư là một hội trực thuộc Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Chính vì vậy, kiến trúc sư cũng là một trong những đối tượng để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.
Riêng đối với nhà văn, bà Nga cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể đối tượng nhà văn được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Theo đó, đối tượng nhà văn sẽ bao gồm tất cả tác giả sáng tác các thể loại văn học và dịch thuật. Đó là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch và dịch giả. Việc này để tránh việc bỏ sót đối tượng.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung tỏ ra thận trọng khi cho rằng, đối với nhà văn, kiến trúc sư, việc phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu cần có nghiên cứu thêm cho phù hợp và tạo sự đồng thuận cao.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH. |
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) gồm 8 Chương, 96 Điều.
Tại Kỳ họp thứ 2 đã có 302 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Dự thảo Luật đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, thẩm tra và cơ quan trình. Báo cáo của Ủy ban Xã hội đã nêu 12 nội dung lớn, 4 nhóm vấn đề cụ thể còn có ý kiến khác nhau và một số vấn đề khác.
Để có cơ sở tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận cho ý kiến về các vấn đề này.