Hồ sơ thể hiện ngày 31/5/2016, Nguyễn Văn An cùng một nhóm bốn người là Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Hữu Đô, Nguyễn Văn Hiệp và Lư Khắc Huy đến dự đám cưới ở huyện Tiểu Cần, Trà Vinh. Tại đây Sơn mâu thuẫn với nạn nhân Nguyễn Ngọc Tính (25 tuổi) vì Tính không đồng ý để Sơn chở bạn gái của mình về.
Năm người gây án nhưng chỉ xử một người
Sơn kể lại việc bị Tính hăm dọa đánh cho cả nhóm biết. Trong lúc đi vệ sinh, An giấu một con dao trong tay áo. Tàn tiệc, cả nhóm đồng ý sẽ đánh dằn mặt Tính nên ngồi nhậu tại phà Cầu Quan để chờ đón Tính.
Đến khoảng 22h30, An chạy xe về đám cưới lấy thức ăn thì phát hiện Tính đang trên đường về nên gọi điện thoại báo cho Đô biết. Cả nhóm đã lái xe đuổi theo để đánh Tính.
Chặn được đầu xe, An xuống xe dùng tay đánh vào mặt thì Tính đánh trả khiến An ngã xuống đường. Ngay sau đó cả nhóm lao vào hỗn chiến và Đô, Sơn, Hiệp đã đánh Tính ngã vào gần hàng rào ven đường rồi bỏ đi. Riêng An đâm trúng lưng khiến nạn nhân Tính tử vong.
Tháng 3/2017, xử sơ thẩm lần thứ nhất, TAND tỉnh Trà Vinh xử phạt An mức án chung thân về tội Giết người. Bốn người còn lại gồm Đô, Sơn, Hiệp, Huy chỉ bị tòa đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi đánh người gây thương tích để xử lý sau.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, cha của nạn nhân là ông Nguyễn Văn Trinh cho rằng phải truy tố, xét xử bốn người trên về tội Giết người với vai trò là đồng phạm. Bởi họ đã có sự bàn bạc, phối hợp với nhau để thực hiện hành vi phạm tội, Tính bị tử vong với đa thương tích trên người.
Ngoài ra, nếu họ không xúm lại đánh khiến Tính bị ngã vào hàng rào thì một mình An không thể đâm chết nạn nhân được. Bốn người đã cùng An thực hiện hành vi và bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra nên phải chịu trách nhiệm chung…
Cũng tại tòa, đại diện VKS cho rằng hành vi gây thương tích của bốn người trên cần phải giám định để xử lý. Do địa phương không đủ khả năng giám định nên đã chuyển yêu cầulên và phải chờ kết quả giám định thương tật của Phân viện Giám định pháp y Quốc gia tại TP.HCM và khi có kết quả thì sẽ xử lý sau.
Ngay sau đó ông Trinh kháng cáo bản án, cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm và việc không giám định rõ tỉ lệ thương tật mà vẫn xét xử là làm sai lệch sự thật của vụ án.
|
Theo ông Nguyễn Văn Trinh (cha nạn nhân), cơ quan tố tụng đã bỏ lọt đồng phạm tội giết người. |
Bị hủy án nên truy tố thêm ba người
Tháng 8/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, cho rằng hành vi của bị cáo An là rất nguy hiểm nên bị xử về tội Giết người là có căn cứ, đúng pháp luật. Riêng với bốn người còn lại có tham gia đánh Tính, cơ quan điều tra chưa dựng lại hiện trường để thực nghiệm, xác minh tình huống xảy là chưa đầy đủ.
Theo HĐXX, tang chứng của vụ án là con dao Thái Lan dài 26 cm, An đã giấu như thế nào mà suốt quá trình nhậu, lái xe chở đồng bọn, xông vào đánh bằng tay không mà không hề bị vướng víu. Bốn người trong nhóm có biết An giấu con dao trong tay áo hay không.
Việc chờ đón đầu, chặn đường Tính là sự thống nhất của cả nhóm, nếu họ biết An mang theo con dao làm hung khí gây án thì cả nhóm phải chịu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, HĐXX cho rằng phải làm rõ chi tiết sau khi đánh Tính, An dùng dao đâm rồi cả nhóm lên xe chở nhau về mà tại sao nói là những người còn lại không biết. Vết thương trên người nạn nhân Tính phù hợp với lời khai của Sơn, Đô, Hiệp là dùng nón bảo hiểm và dây thắt lưng để đánh. Hành vi của Sơn, Đô, Hiệp có dấu hiệu phạm vào hai tình tiết định khung ở khoản 1 Điều 104 BLHS (tội Cố ý gây thương tích - PV) là dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ nên nếu tỉ lệ thương tích dưới 11% thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với thương tích gây ra cho nạn nhân Tính mà cấp sơ thẩm không giải quyết trong cùng một vụ án mà tách ra là chưa giải quyết triệt để. Thương tích gây ra cho nạn nhân qua biên bản khám nghiệm tử thi đã mô tả rõ nên nói rằng không kết luận được tỷ lệ % tổn thương là vô lý. Cuối cùng HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Tháng 9/2018, TAND tỉnh Trà Vinh xử sơ thẩm lần hai với bản cáo trạng mới truy tố ba bị cáo Đô, Hiệp, Sơn về tội cố ý gây thương tích. Riêng đối với Lư Khắc Huy, do không chứng minh được có tham gia đánh nạn nhân hay không nên không bị truy tố.
Gia đình nạn nhân tiếp tục kháng cáo
Ông Trinh tiếp tục kháng cáo, cho rằng việc tòa xử các bị cáo Đô, Hiệp, Sơn về tội cố ý gây thương tích với mức án như trên là không phù hợp với hành vi phạm tội và bỏ sót hành vi phạm tội của Huy.
Cụ thể, ông Trinh cho rằng tòa chưa làm rõ được nhiều mâu thuẫn trong vụ án như con dao dắt trong tay áo của An từ lúc ở đám cưới đến khi gây án mà những người trong nhóm không phát hiện là vô lý. Nhân chứng khai người sau cùng đánh Tính mặc áo màu trắng nhưng thực tế An lại mặc áo màu xanh. Điều này chứng tỏ không phải An là người cuối cùng bỏ đi sau khi gây án và những người tham gia đánh đều biết việc An đã dùng dao đâm Tính. Đối với Huy, theo ông Trinh, tang vật của vụ án có thu giữ chiếc dây thắt lưng dùng để đánh nạn nhân là của Huy. Huy cũng là người đã dùng xe máy chở đồng bọn chặn đường đánh Tính, việc không đưa Huy vào vụ án là bỏ sót tội phạm.
Trong khi chờ xét xử phúc thẩm thì mới đây ông Trinh tiếp tục có nhiều đơn khiếu nại gửi TAND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị xem xét thấu đáo nội dung kháng cáo của ông để xét xử đúng người, đúng tội.