"Có đất nước nào lũ lụt, dịch bệnh, dân lại thương nhau đến vậy!"

Google News

(Kiến Thức) - Trong năm điểm nổi bật đạo đức, văn hóa con người Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đó là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tình yêu thương đồngloại, thương người. Có đất nước nào mà lũ lụt, dịch bệnh như vừa rồi mà người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến như vậy.

 Chiều 9/11, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về tình trạng văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là vấn đề rất lớn và không ai có thể nói mình không cần tiếp tục tu dưỡng về đạo đức hay tất cả các hành vi ứng xử của mình đều chuẩn mực.
“Thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp là có thật. Nhiều hội thảo, nhiều tài liệu đánh giá là xuống cấp đáng báo động, một số mặt nghiêm trọng, thể hiện rõ ở tội phạm, tệ nạn, những hành vi bị đồng tiền chi phối hay gian dối không trung thực” – Phó Thủ tướng nói.
Ông cho rằng, đánh giá thực trạng cần nhìn hai mặt. Trong đó, câu chuyện của văn hóa, hình thành văn hóa, đạo đức xã hội là câu chuyện dài hơi của mấy chục năm, trăm năm thậm chí dài hơn.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
“Tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội xuất hiện từ khi chúng ta chuyển đổi sang cơ chế thị trường, bắt đầu đổi mới thì thấy rõ hơn” – Phó Thủ tướng nói và cho rằng, mặt khác chúng ta không quên và vẫn rất tự hào về những ưu điểm lớn nhất của đạo đức, văn hóa xã hội Việt Nam.
Thứ nhất là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Nhân dân nước nào yêu nước và có tinh thần dân tộc hơn nhân dân Việt Nam? Khi đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu thành công tại Vòng chung kết U23 châu Á năm 2018, cả dân tộc nao nức. Đấy là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.
Thứ hai là tình yêu thương đồng loại, thương người. Có đất nước nào mà lũ lụt, dịch bệnh như vừa rồi mà người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến như vậy.
Thứ ba là sự hòa ái, thân thiện, cởi mở. Nếu người dân Việt Nam không hòa ái, thân thiện, cởi mở là soa Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của du lịch.
Thứ tư là tình yêu lao động. chịu thương chịu khó. Dân tộc Việt Nam nếu không yêu lao động. chịu thương chịu khó thì không thể thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển như hôm nay.
Thứ năm là tinh thần vươn lên, đức hiếu học. Ngay việc các đại biểu Quốc hội và toàn dân quan tâm đến giáo dục cũng đã thể hiện điều đó.
“Như vậy để thấy rằng những hiện tượng xuống cấp của toàn xã hội là đáng báo động nhưng không phải vì thế mà chúng ta nhìn nhận xã hội, đạo đức xã hội, con người Việt Nam một cách không công bằng” – Phó Thủ tướng nêu ý kiến.
Phân tích nguyên nhân khách quan, ông cho rằng, đó là mặt trái của kinh tế thị trường, thông tin mạng, mạng xã hội. Về chủ quan, nhiều người thường nói ngay là yếu kém của văn hóa, giáo dục.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa thứ nhất là trong mỗi con người và trong toàn xã hội, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu.
Nguyên nhân thứ hai, khi có sự suy yếu và đạo đức trong từng thời kỳ không chỉ riêng do giáo dục hay văn hóa mà do các bất cập của cả hệ thống thể chế quản lý về pháp luạt, kinh tế, xã hội. Đảng ta xác định: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần, là vô cùng sâu sắc.
Thứ ba là kinh tế thị trường, đặc biệt gần đây mạng internet, mạng xã hội có mặt trái nhưng không bao giờ bằng mặt tốt và chúng ta tiếp cận, chủ động sử dụng để đẩy mạnh mặt tốt lên.
Có rất nhiều giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức, văn hóa xã hội, Phó Thủ tướng chia sẻ thêm một số suy nghĩ.
Cụ thể, muốn góp phần cho cái tốt nhiều lên, cái xấu bớt đi thì đầu tiên phải làm cho toàn xã hội, từng người dân hiểu rõ cái gì là tốt, cái gì là xấu.
“Có những thứ chúng ta tưởng là dễ thấy ngay nhưng không phải. Ví dụ ăn cắp ai cũng biết là xấu nhưng ăn cắp thời gian thì không mấy ai nghĩ là xấu”.
Vấn đề thứ hai là phải kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền, vận động phong trào với luật hóa và xử lý. Việc xử lý nghiêm minh bằng pháp luật là một biểu hiện của văn hóa, đạo đức nhưng suy cho cùng phải vận động tuyên truyền mọi người để tự điều chỉnh hành vi, đạo đức cá nhân. Đấy mới là nền tảng, gốc rễ.
Thứ ba, trong mọi thời kỳ đều cần sự nêu gương từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, người lớn nêu gương cho người trẻ, đảng viên đi trước, làng nước đi sau.
Thứ tư, trong xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện Đức-Trí-Thể-Mỹ cần đặc biệt lưu ý không chỉ “Đức” mà cả “Mỹ”, lưu ý đến các ngành nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng vì những tác phẩm nghệ thuật hay là những thông điệp giáo đục văn hóa đạo đức tốt nhất, những hoạt động văn hóa tín ngưỡng đúng mức, đúng pháp luật sẽ giúp cho cái tốt nảy nở trong mỗi người một cách bền vững.
Bốn điểm đó, theo Phó Thủ tướng, cần hết sức lưu ý và thực hiện kiên trì.
Phó Thủ tướng cho rằng phải thực sự đặc biệt chú ý, chú trọng các vấn đề xã hội nói chung, trong đó có đạo đức, văn hóa. Nhược điểm phổ biến của tất cả các nước đang phát triển khi bị sức ép về tăng trưởng kinh tế, thì những vấn đề xã hội, văn hóa, đạo đức nhiều khi là vấn đề chưa làm ra tiền trong ngắn hạn, chưa cấp bách nên dễ bị coi nhẹ nhưng Việt Nam chúng ta cũng đã chú ý hơn các nước khác rất nhiều, nên các chỉ tiêu xã hội tốt hơn.
“Khi xã hội khấm khá hơn như ngày hôm nay thì chúng ta sẽ có điều kiện chú trọng hơn một cách thực chất đến các vấn đề nền tảng” – Phó Thủ tướng nói và mong các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, không chỉ là nguồn lực đầu tư, con người mà cả thời gian, tâm sức, chỉ đạo. Để dân tộc Việt Nam tiếp tục tự hào với truyền thống văn hiến, xứng đáng với truyền thống cha ông ta để lại.
>>> Mời độc giả xem thêm video Các nghệ sĩ chung tay ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung

Nguồn: VTV 24

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)