Cơ chế đặc thù ưu đãi đầu tư, tạo động lực phát triển Thủ đô

Google News

Quy định về đối tượng ưu đãi đầu tư, nội dung ưu đãi, trong đó chủ yếu là tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp… với các dự án ưu tiên được các chuyên gia đồng tình.

Ưu đãi thuế, thu hút đầu tư từ các “đại bàng”
Nhìn lại có thể thấy trong năm 2023, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội luôn đứng trong top đầu cả nước. Kết quả này đạt được là nhờ TP luôn chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan.
Co che dac thu uu dai dau tu, tao dong luc phat trien Thu do
Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị xanh, hiện đại, thông minh. Ảnh minh hoạ 
 
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 30 - 40 tỷ USD vốn FDI; vốn giải ngân đạt từ 20 - 30 tỷ USD. Hà Nội chú trọng phát triển nền tảng số, minh bạch thông tin, đẩy mạnh vai trò các cơ quan xúc tiến đầu tư, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tuy vậy, để thu hút các “đại bàng” cần có những cơ chế đặc thù mới. Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, việc thu hút vốn FDI của Hà Nội còn một số vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ. Về quy hoạch, TP đang triển khai quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô dẫn tới một số dự án đã được cấp phép chậm triển khai thực hiện do phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn. Từ đó, công tác xây dựng các danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn…
Trong số 9 nhóm nội dung của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), vấn đề thu hút đầu tư được nhiều chuyên gia quan tâm. dự thảo luật đã đưa ra các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực phát triển Thủ đô, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược. Đơn cử như dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm của Thủ đô; Dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án phát triển làng nghề truyền thống.
Thứ hai, nội dung ưu đãi đầu tư bao gồm: được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản này được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư. Ngoài ra còn được hỗ trợ phát triển nhân lực; hạ tầng và các công trình hạ tầng xã hội; chi phí hỗ trợ cho các sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển.
Dự thảo cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định việc sử dụng ngân sách để đầu tư các dự án liên tỉnh trong vùng Thủ đô và hỗ trợ các địa phương phát triển.
Bên cạnh đó, nhằm thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, dự thảo luật còn quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù: cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và phân quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao của Thủ đô...
 
Định vị và kiến tạo Thủ đô trong tương lai
Quan tâm tới quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam chủ yếu là các loại hình ưu đãi xác định dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp, trong đó, ưu đãi về giảm mức thuế suất, áp dụng thời gian miễn, giảm thuế là phổ biến nhất.
Các hình thức ưu đãi thuế khác như giảm trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, giảm trừ thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo đầu tư hiện chưa được áp dụng ở Việt Nam, mặc dù theo nhiều nghiên cứu, tính minh bạch của các loại hình ưu đãi này cao hơn so với ưu đãi về kỳ miễn, giảm thuế.
Trong khi đó, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu theo quy trình thông thường thì các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khó tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn. Vì vậy, TS Vũ Nhữ Thăng cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nếu có những quy định cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên-nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hà Nội mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước nhưng nhìn chung chưa xứng với tiềm năng, còn rất nhiều dư địa. Một số chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của thành phố còn chưa đạt yêu cầu về tiến độ, chất lượng của một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch còn hạn chế, tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều… các vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng... Do đó, phải tạo cơ sở pháp lý giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế hiện nay. Do đó, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới trong khu vực và thế giới.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành nhận định, nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng. Phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng thành công. Vì thế, để phát triển bền vững, cần bắt đầu từ việc giáo dục, hướng nghiệp cho học sinh để sẵn sàng cho tương lai. Luật Thủ đô (sửa đổi) đòi hỏi phải đưa ra những chính sách có tầm nhìn mới và thật sự vượt trội thu hút nguồn nhân lực.
Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, đó là khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế. Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội với vai trò đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững… Các chuyên gia kỳ vọng, với những cơ chế đặc thù mới tại Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nếu được thông qua và những quyết tâm, giải pháp tổng thể, đồng bộ, Hà Nội sẽ vươn lên tầm cao mới, phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, hứa hẹn trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.
Cần tạo cho TP Hà Nội những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, vừa tạo ra nguồn lực phát triển, vừa thu hút được nguồn lực từ bên ngoài. Nếu đạt được các yêu cầu như vậy, chắc chắn Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là một công cụ pháp lý để tạo hành lang phát triển, đồng thời cũng tạo ra một công cụ để thu hút các nguồn lực kinh tế. (PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân)
Theo Thảo Nguyên/Kinh tế và Đô thị

>> xem thêm

Bình luận(0)