Viết chữ bằng miệng
Tôi tìm đến nhà anh Phùng Văn Trường (1979 ) ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) khi người đàn ông này đang chuẩn bị bước vào giờ dạy. Nét mặt anh rạng rỡ khi tôi chào anh bằng hai từ “thầy Trường”.
|
Thầy Trường viết chữ bằng miệng. |
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng càng lớn, tay chân anh Trường càng yếu, đi không vững phải vịn tường mới có thể đứng được.
Anh Trường kể vì muốn con được bằng bạn bằng bè, bố anh quyết tâm cho con đi học
Năm 1985 (khi đang học lớp 6), gia đình đưa anh Trường đi khám bệnh. Khi đó, anh Trường biết bị bệnh thoái hóa cơ, càng lớn, cơ sẽ dần teo hết. Sau khi được gia đình cho ra Hà Nội mổ, chân anh Trường có thể đi tập tễnh, chống nạng tự đi học được.
Năm lớp 8, tay chân anh ngày một yếu rồi liệt hẳn. Từ đó, anh Trường phải nghỉ ở nhà. Cuộc đời anh gắn liền với chiếc xe lăn. Nhìn các bạn đồng trang lứa đi học, nỗi nhớ lớp, nhớ bảng đen phấn trắng khiến anh nhiều lúc rơi vào tuyệt vọng, bế tắc.
Trưởng thành, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, người đàn ông khuyết tật này xin bố mẹ vượt ao, làm nhà ngoài mặt đường bán hàng kiếm sống.
|
Nhìn những nét chữ tròn đều bay bổng của thầy Trường, không ai nghĩ đó là những nét chữ được viết bằng miệng. |
Khi phải tự mình bươn trải, bàn hàng kiếm sống, anh Trường mới thấm thía nỗi khổ cực khi không thể viết. Khách hàng muốn mua chịu hàng nhưng anh không thể ghi nợ được.
Một ngày, sau khi xem bộ phim có nhân vật chính không nói, không viết được bằng tay nhưng đã nỗ lực tập ngậm bút viết, anh Trường đã thay đổi suy nghĩ và đã quyết tâm tập viết chữ bằng miệng.
Ròng rã ngậm bút mấy tháng trời, những nét chữ viết bằng miệng của anh Trường cũng bắt đầu thành hình.
Khi được hỏi về khó khăn ban đầu khi tập viết chữ bằng miệng, anh Trường nói: “Thời gian đầu, tôi ngậm bút tập viết nhưng chưa quen nên gặp nhiều khó khăn. Nhiều lúc cúi cả người xuống nên rất mỏi, ngẩng đầu dậy thì choáng, chóng mặt.
Khó khăn là vậy, tôi vẫn kiên trì và cuối cùng sự cố gắng cũng được đền đáp xứng đáng. Một tháng miệt mài tập viết, cuối cùng, tôi đã viết ra được những nét chữ đàu tiên như mình hy vọng”.
Đến với trẻ như một cái duyên
Sau một thời gian tập viết, anh Phùng Văn Trường nhận hướng dẫn các cháu học viết chữ, học Toán. Thấy các cháu học ngày một tốt hơn, nhiều phụ huynh trong thôn đã đưa con em đến nhờ anh kèm cặp.
Anh chia sẻ: “Như cái duyên với lũ trẻ vậy. Phụ huynh nào đưa con em đến tôi đều nhận tất cả. Tôi rất yêu trẻ con và nghĩ có yêu trẻ trẻ mới đến nhà”.
Ban đầu, khi các cháu trong thôn đến học, vì không có bàn ghế nên anh Trường đã kê mấy hàng gạch và để phản lên cho các cháu ngồi. Sau đó, anh cố gắng dành tiền đóng 5 bộ bàn ghế để phục vụ cho việc học của các cháu.
|
Dù súc khỏe yếu nhưng thầy Trường luôn hồ hởi đón học sinh tới nhà học. |
Thầy Trường cũng cho biết, ngày nào các cháu cũng đến lớp học, buổi trưa dạy khoảng 1 tiếng, còn buồi tối dạy từ 17h-20h.
Lịch học không cố định, hầu như các cháu đến lúc nào anh Trường dạy lúc ấy. Anh có chút động lực, phấn khởi khi các cháu học tập tiến bộ hơn. Hiện tại, số cháu đến với lớp học của anh ngày một đông và nhiều nhất là hai ngày cuối tuần.
Được biết, ngoài dạy các cháu cách đọc, cách viết, thầy Trường còn dạy các cháu làm Toán. Trong lớp nhiều cháu nghịch, nhưng thầy Trường vẫn kiên trì rèn giũa. Dạy một lần chưa nhớ, thầy dạy đến lúc nào nhớ thì mới thôi.
Mỗi ngày, ai đi qua nhà anh đều nhận thấy lớp học của anh rộn rã tiếng vui cười của thầy trò, tiếng dạy học của thầy vang lên khiến phụ huynh cũng như người dân nơi đây cảm thấy ấm lòng.
“Điều an vui, hạnh phúc của tôi là mỗi sáng thức dậy làm được những điều mình mong muốn như tự lên xe lăn, rửa mặt, lấy cơm cho con ăn....Đặc biệt, tôi muốn khỏe mạnh để dạy chữ cho các học sinh nghèo”, anh bộc bạch.
Gia đình nhỏ là động lực cố gắng mỗi ngày
Thầy Trường cho biết dù cũng muốn có một gia đình của riêng mình, nhưng cũng chỉ là ước mơ bởi anh không dám tin có người phụ nữ nào đó lại chấp nhận lấy người chồng tật nguyền, không làm được gì như anh.
Năm 2012, niềm hạnh phúc giản dị đã đến với anh. Anh Trường được mai mối cho người phụ nữ hơn anh 5 tuổi sống cùng thôn. Sau quá trình tìm hiểu, 2 người đã tiến tới hôn nhân.
Hơn 1 năm sau, bé Phùng Thiên Trường Quảng ra đời. Có lẽ không có gì hạnh phúc hơn với anh.
"Niềm vui được nhân lên gấp bội khi kết qua khám sức khỏe của cháu hoàn toàn khỏe mạnh” - anh Trường cười rạng rỡ.
|
Hạnh phúc và động lực cố gắng của anh Trường là gia đình nhỏ hiện tại. |
Anh Trường chia sẻ “trời không lấy không của ai cái gì”, hiện anh rất thỏa mãn với hạnh phúc đang có với người người vợ hiện và con trai đầu lòng khỏe mạnh.
"Gia đình là niềm hạnh phúc bất ngờ trời ban. Vợ tôi - người phụ nữ sống cùng thôn đã vượt qua rào cản định kiến xã hội đến với người đàn ông khuyết tật là tôi. Cô ấy luôn thương yêu và kính trọng tôi. Đời tôi như cây dây leo, có một mình chắc gió quật ngã, có vợ, con như thêm cái dàn, đỡ đần, che chở lẫn nhau” - thầy Trường nói.
Chị Ngô Thị Hường (vợ thầy Trường) chia sẻ khi đã xác định về chung một nhà, hai người cùng bỏ qua cho nhau và cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình.
“Nghe mọi người nói anh ấy tàn tật nhưng có ý chí, tôi nể phục lắm. Tuy có chút vất vả, nhưng có chí thì lo gì không sống được” - chị Hường tâm sự.