Tàu Kiểm ngư KN 491 đưa chúng tôi từ đất liền ra thăm, tặng quà và chúc Tết quân, dân Trường Sa trong buổi chiều cuối năm. Quà Tết nào là quất, đào, mai, mứt, bánh kẹo, hạt dưa, lá dong, đậu xanh, gạo nếp… Đặc biệt, còn có gần 100 con lợn cũng theo tàu ra khơi làm quà Tết cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Trường Sa.
|
Heo được Hải quân Vùng 4 vận chuyển theo tàu ra Trường Sa làm quà Tết cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo. |
Muối biển phủ boong tàu, sóng biển gầm gào như đẩy tàu đi nhanh hơn. Những ngày đầu, do chưa quen với việc di chuyển trên tàu khiến nhiều người trong đoàn bị say sóng, gần như không ăn, không uống được, trong đó phần lớn là những thành viên trong đoàn nhà báo và một số cán bộ, chiến sỹ trong đoàn công tác cũng người “mềm như bún”, nôn nao, nằm co một chỗ.
Những tưởng chỉ chúng tôi mới bị say sóng, say gió ở Trường Sa. "Các anh xuống phía cuối tàu mà xem, cả đàn heo (lợn-pv) cũng nằm bẹp, nôn mửa khắp chuồng đấy" – chiến sỹ Trịnh Văn Nam nói và dẫn chúng tôi chỉ tận mắt.
Một, hai, ba..., hai mươi,... ba mươi,... bốn mươi,v.v... Nam đếm và cho biết đó là số lượng heo bị say sóng nhiều ngày qua. Sở dĩ Nam biết được điều đó bởi anh là một trong hai người đảm nhận việc chăm sóc đàn heo trên tàu.
Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp Nam nhận nhiệm vụ với lý do được đưa ra rất đơn giản là hai người "khỏe sóng", không bị say, đặc biệt là biết cách chăm heo nói chung và chăm những con heo bị say sóng nói riêng.
"Khi say sóng, heo không chịu ăn, chỉ nằm một chỗ và nôn ói. Lúc này mình phải cho uống thuốc đề kháng và cho ăn riêng, những con yếu phải được cách ly và chăm sóc, theo dõi đặc biệt hơn"- Nam bộc bạch.
Việc chăm heo trên tàu gặp nhiều khó khăn vì tàu di chuyển liên tục trên biển, nghiêng và lắc thường xuyên. Đặc biệt là trong quá trình dọn dẹp chuồng và cho lợn ăn.
Để nắm bắt tình hình, sức khỏe của đàn heo, Nam và đồng đội nhiều đêm phải thức trắng, soi đèn pin đếm và trông biểu hiện của từng con.
"Đây là heo từ đất liền theo tàu ra cung cấp cho các đảo ở Trường Sa vui xuân đón Tết Kỷ Hợi 2019. Do hải trình kéo dài nên phần lớn heo đã bị say sóng nên bằng mọi cách chúng tôi phải đảm bảo lợn khỏe mạnh khi đến với quân dân trên các đảo" - Nam nhấn mạnh.
Để đảm bảo cho heo khỏe mạnh, mỗi ngày Nam và đồng đội phải tắm sạch sẽ cho heo, khi tắm không được xịt nước vào tai heo để tránh bị chết. Do điều kiện thức ăn trên tàu hạn chế, heo không được ăn như trong đất liền. Mặc dù "chế độ khẩu phần" của heo là 3 bữa/ngày nhưng thức ăn chủ yếu là đồ ăn dư của bộ đội sau khi phân loại chỉ giữ lại cơm và rau.
Việc chăm heo trên tàu đã khó, việc bắt heo để chuyển xuống các đảo cũng gặp vô vàn khó khăn. Mỗi khi đưa heo vào các đảo, điểm đảo phải huy động 3-4 người mới bắt được, khênh ra xuồng vận tải để chuyển heo.
Trải qua hải trình dài ngày, đến nay gần 100 con heo đã đến với cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên 21 đảo và 33 điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Để có được thành quả như vậy một phần nhờ công lao của hai anh lính nuôi lợn. Tuy nhiên hai anh không thấy đây là lớn lao.
"Đây không chỉ là nhiệm vụ cung cấp hàng, quà cho các cán bộ, chiến sĩ, đồng đội ở Trường Sa mà còn là trách nhiệm của một công dân đối với những đồng đội, nhân dân ngày đêm sinh sống, bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nên chúng tôi cảm thấy vinh dự hơn là những điều khác" - Nam chia sẻ.
Trước đó, tại Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hoà), Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và UBND tỉnh Khánh Hoà tổ chức Lễ tiễn Đoàn công tác thay, thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa. Số heo trên tàu được nuôi trong quân đội, do một số đại đội chuyên nuôi để cung cấp cho bộ đội nên nguồn gốc đảm bảo, chủ yếu là lợn sạch nên các bộ, chiến sỹ và nhân dân rất hồ hởi và tin tưởng vào chất lượng, yên tâm ăn Tết và luôn vững vàng trên mọi mặt trận.