|
Ông Hoa và vợ tại nhà. Ảnh: XH |
“Sát thủ” cá vược
Nằm sát bờ sông Mã, nhà ông Hoa nổi tiếng trong vùng là nơi bán đồ câu chất lượng. Lưỡi, dây, cần, lưới bén, phao… đồ gì ông Hoa cũng chế giỏi. Khách đến mua rất đông, vì ai nấy đều tin tưởng. Đồ của “rái cá” làm ra thì phải là hảo hạng.
Ông Hoa ngồi bệt trên nền nhà, tay đưa thoi đan lưới thoăn thoắt. Ông bảo, làm nghề sông nước mấy chục năm rồi, hễ không đi thuyền được thì phải mang lưới, mang thép ra làm đồ, không thì buồn tay không chịu được.
Năm nay 56 tuổi, ông Hoa đã có hơn 40 năm lặn lội trên dòng sông Mã quê hương. Ông nổi danh là tay săn cá vược đệ nhất của cả vùng này. Loại cá vược nặng 20 - 30 kg/con mà ông câu được rất nhiều, còn loại trên dưới 10 kg thì không đếm xuể.
Ông bảo, nghề sông nước, với ông, có lẽ là định mệnh. Sinh ra khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng năm 3 tuổi, một cơn sốt quái ác đã khiến đôi chân của ông bị liệt hoàn toàn, càng chạy chữa càng teo tóp. Nhìn bạn bè tung tăng đến trường, ông khóc đòi mẹ cho đi học, hàng ngày dùng đôi tay lê thân mình tới lớp. Ham học và học giỏi nhưng đến năm lớp 7 ông phải nghỉ giữa chừng vì trường học quá xa.
Nghỉ học, buồn bã không có gì làm, ông vác cần câu ra bờ sông Mã đi câu. Con cá lớn mắc câu kéo tuột ông xuống sông. Chân què, tay yếu lại không biết bơi, khi đó ông tưởng mình đến ngày định mệnh. Không ngờ chính giờ khắc đó ông nhận ra khả năng đặc biệt của mình - xuống nước không chìm mà nổi như thân chuối. Mừng rỡ, ông về nhà quyết theo nghề chài lưới. Một chiếc thuyền nan, dăm cái lưỡi câu, ông lang thang theo dòng nước lớn. Từ cảng Hới cho đến ngã ba Bông, từ sông Mã lách sang sông Tào rồi xuôi ra đến biển, chỗ nào ông Hoa cũng có mặt. Làm nghề mấy chục năm, ông thuộc đến từng con nước, từng luồng lạch của vùng sông này. Chỉ cần nhìn màu nước, mực nước, ông biết hôm nay săn được cá gì, săn ở đâu thì được nhiều, bởi vậy mà chưa bao giờ ông đi câu về trắng tay.
Ông Hoa “săn” đủ loại cá nhưng “sát” nhất là cá vược. Con cá vược to nhất mà ông từng câu được nặng đến 35 kg, dài gần 2m. Để giật được con cá này, ông Hoa đã mất cả buổi chiều vờn với nó trên sông Mã, nhưng bù lại ông thu được mấy triệu bạc sau khi lên bờ. Ông bật mí, chỗ có cá vược to nhất, nhiều nhất là chân cầu Hàm Rồng, dưới chân núi Ngọc. Để câu được cá vược phải dùng cần lớn, cước 7, móc mồi là tôm càng xanh loại to và vẫn còn sống. Nếu tôm chết thì cá vược không bao giờ ăn.
Ham câu cá nên cả năm ông Hoa chỉ lên bờ vài lần, còn hầu hết thời gian ở dưới sông. “Mình không bị chết đuối bao giờ nên yên chí nằm thuyền, nước đưa đi đến đâu thì đi. Có bận đi cả tháng mới về nhà”, ông Hoa chia sẻ.
Cá sủ vàng “trợ giúp” mối lương duyên bị cấm cản
|
Giấy chứng nhận ông Hoa là thành viên của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh. |
Quanh năm xuôi thuyền trên sông nên ông Hoa ít tiếp xúc với mọi người. Tuy nhiên, tuổi thanh xuân ai cũng khao khát yêu đương. “Khoảng năm 1983, tôi đi thuyền qua xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa thì gặp được vợ tôi bây giờ là Lê Thị Mai. Ngày đó, tôi thấy có cô gái giặt áo ở bến sông nhìn dễ mến thì huýt sáo trêu. Nhiều lần như vậy, cô ấy chú ý đến tôi. Một lần, cô ấy hỏi “Sao ngày nào anh cũng đến đây thế?”, tôi bèn đáp “Ngày không có cô, tôi đâu có đến”. Thế là chúng tôi cảm mến nhau”, ông Hoa nhớ lại.
Từ đó, bến sông quê trở thành nơi hai người hò hẹn. Tình yêu âm thầm nhưng sâu đậm cứ thế lớn dần như con nước sông Mã cuồn cuộn về Đông. Khi tình cảm đến độ sâu nặng, ông Hoa quyết định sang “trình diện” nhà bà Mai. Thế nhưng ngay từ buổi đầu tiên ông đã bị dội gáo nước lạnh. Cha mẹ bà Mai phản đối kịch liệt tình yêu của hai người. Dù vậy, ông Hoa vẫn kiên nhẫn đến nhà người yêu. Hôm ông đi thuyền, hôm lại nhờ bạn đạp xe đưa đến. Không ngày nào ông không có mặt ở nhà bà Mai, dù cho ở đó không ai đón tiếp ông cả.
Thương chàng trai tật nguyền mà giàu tình cảm, một bà lão hàng xóm của nhà bà Mai đã đồng ý cho ông Hoa dọn đến ở nhờ. “Nhất cự li, nhì tốc độ”, ông Hoa lại càng có thêm điều kiện để theo đuổi người mình yêu.
Năm tháng qua đi, cha mẹ bà Mai cũng dần xiêu lòng trước tấm chân tình của ông Hoa. Tuy vậy, việc thách cưới vẫn là một điều kiện không thể bỏ. Song cũng chỉ cần có vậy, ông Hoa lại lao mình ra sông đi câu để sắm sửa cho lễ cưới. Một buổi chiều, khi đang buông cần ở gần cửa sông đổ ra biển, ông Hoa bỗng thấy nặng tay. Con cá lớn giật ông ra khỏi thuyền, kéo ông lê trên mặt nước. Sau hai giờ đồng hồ đánh vật với con cá, ông Hoa cuối cùng cũng kéo được nó vào bờ. Đó là một con cá sủ vàng kép nặng 18 kg, mỗi kg trị giá bằng 4 chỉ vàng (giá của năm 1985!). Con cá ấy không chỉ đủ cho lễ cưới mà còn giúp ông Hoa có được một số vốn kha khá để làm ăn. Đó là con cá giá trị nhất mà ông Hoa từng câu được trong đời.
Ngày cưới, ông Hoa rạng rỡ trên chiếc xe đạp tình yêu, cùng bạn bè, người thân đón cô dâu Lê Thị Mai về nhà. Đến nay đã 30 năm trôi qua, ông bà đã có hai người con trưởng thành: Mái nhà nhỏ của họ ấm êm giữa một vùng sông nước mênh mông.
“Nhiếp ảnh gia” đặc biệt
40 năm sông nước, ông Hoa đã dùng khả năng đặc biệt của mình cứu sống nhiều người có ý định tự tử. Trường hợp bi hài nhất mà ông từng gặp là ông Tý ở huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hoá) gần 70 tuổi nhảy sông tự tử ở cầu Hàm Rồng vì con cái… cấm lấy vợ. Sau khi được ông Hoa vớt vào bờ, lựa lời khuyên giải, ông Tý đã bình tâm trở về nhà. Còn kỉ niệm chua xót nhất là lần 5 cháu học sinh đuối nước, ông Hoa chỉ cứu được 3 cháu. Đến nay mỗi lần nhắc lại, ông vẫn cảm thấy day dứt.
Cũng nhờ khả năng đặc biệt của mình mà nhiều lần ông Hoa trở thành người vớt xác trôi sông giúp lực lượng chức năng tỉnh nhà. Số người được ông vớt lên nhiều lắm nhưng mỗi lần ai hỏi ông đều xua đi vì nghĩ đơn giản, ấy là việc nên làm, có gì mà kể. Tuy nhiên, ông lại rất vui vẻ khoe rằng hiện giờ ông là một trong số ít những “nhiếp ảnh gia” của Hội Người khuyết tật Thanh Hóa. “Tuyển chọn, thi cử, học tập mướt mồ hôi đấy, bây giờ có máy ảnh tôi cũng chụp được nhiều”, ông Hoa cười hiền hậu.
Trên tường nhà, ông Hoa cho treo những tác phẩm nhiếp ảnh của ông, bên cạnh những tấm bằng khen của tỉnh, huyện và Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh. Gần đây, ông ít đi sông, thuyền đang tạm treo lên gác, ông chia sẻ: “Có tuổi rồi, con cái không cho đi, đang phải tạm chiều lòng chúng nó”.