Năm 2011 Bangkok (Thái Lan) đã phải hứng chịu một trận lụt lịch sử khủng khiếp, thiệt hại đến 6 tỉ đô và khoảng 400 người thiệt mạng. Hà Nội năm 2008 cũng trải qua trận ngập lụt lịch sử, thiệt hại nặng về vật chất và cả mạng người. Theo đánh giá của ông, trong tương lai Hà Nội có phải đương đầu với những điều như vậy?
- Những trận mưa gần đây chưa phải lớn mà đã ngập lụt như thế, vậy trong tương lai nếu ngập lớn hơn thì sẽ dễ xảy ra những trận lụt lớn hơn. Tôi thấy các trạm bơm cần có sự tính toán, dự báo tốt hơn và tinh thần sẵn sàng trực chiến, khơi dòng chảy, hút nạo cống nước. Các trạm bơm cũng phải luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động trên cơ sở dự báo tạo độ chênh dòng chảy.
|
Hà Nội mỗi khi mưa lớn là ngập đường, ngập phố, nước tràn vào nhà dân làm xáo trộn cuộc sống. (Ảnh: Thành An) |
Còn trong tương lai ngắn hạn, chúng ta khó tránh được cảnh lụt lội vì tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Sông Tô Lịch phải nạo vét, khơi thông dòng chảy. Các khu đô thị khu vực Mỹ Đình cốt nền thấp nên cứ mỗi khi mưa to, nước chảy chỗ trũng, suốt ngày chịu cảnh ngập. Chúng ta cần nhiều hơn các trạm bơm trung chuyển, hồ điều hòa có thể tiêu thoát nước tại chỗ. Mỗi nơi tiêu thoát nước một ít, những khu vực ngập cục bộ cần xem có thể làm đường ống để lắp hệ thống thoát nước ra xung quanh.
Hà Nội cần có những nhà hoạch định, những người đứng đầu ngành đi tiên phong, làm quyết liệt, cố gắng hết sức để giải quyết được vấn đề ngập lụt trong TP. Còn nếu cứ mưa là ngập, đường sá tắc cứng… thì có lẽ không bao giờ năng suất lao động lên được khi người dân luôn phải đối mặt với việc bị thiên tai đe dọa.
Từ hàng trăm năm trước, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã tạo ra những hệ thống cống ngầm quy mô lớn để thoát nước và giải quyết nhiều vấn đề khác, như ở Paris (Pháp) hay Moscow... Phải chăng họ đã nhìn nhận và đánh giá đúng tầm quan trọng của việc thoát nước cho TP?
- Paris họ làm đường ống thoát nước trước tiên, rồi đến làm đường sá trước và cuối cùng mới xây dựng nhà cửa trên hạ tầng đó. Nhưng Việt Nam thì ngược lại, chúng ta xây nhà trước mới làm cơ sở hạ tầng sau.
Bên cạnh đó, bình thường chúng ta thoát nước bằng hệ thống sông, hồ tự nhiên, hồ điều hòa nhưng giờ hồ bị lấp đi rất nhiều nên nước không có chỗ lưu trữ trước khi điều tiết ra sông.
Chính vì vậy, giờ đây, khu nhà cao tầng trong khu đô thị mới bắt buộc phải có hệ thống bể chứa nước dự trữ. Dưới các bồn hoa, đài phun nước cũng phải làm bể nước dự trữ vừa để để tưới cây vừa để cứu hỏa và cũng có thể dùng nước này để phun lên đài như thế vừa đẹp, vừa mát, đồng thời đây cũng chính là nước sạch làm điều hòa khí hậu.
Thưa ông Hà Nội đã áp dụng hệ thống này chưa?
- Hiện ở Hà Nội chưa áp dụng hệ thống này. Đáng lẽ chúng ta phải làm ngay, các khu đô thị mới phải làm rồi. Thiên tai là điều tất yếu, nhưng nhân tai mới đáng lo. Vì chính nhân tai mới làm các yếu cố thiên tai trở nên đáng sợ.
Nếu ta biết khắc phục sớm thì Hà Nội sẽ không còn cảnh tắc đường, ngập đường sau mưa… Hà Nội sẽ đẹp hơn, hòa bình hơn, con người sẽ vui vẻ hơn, không còn va chạm, hằn học, bức xúc mỗi khi ra đường. Muốn làm như vậy, chắc sẽ phải giải quyết theo giai đoạn, lộ trình giống như giao thông nhưng phải đồng bộ và phải tổng thể, nhất quán, khách quan.
Thưa ông, giải pháp mà ông đề xuất về hệ thống bể dự trữ nước tại các khu đô thị, nhà cao tầng chiếm khoảng bao nhiêu % tổng kinh phí của công trình xây dựng?
- Nó chiếm không nhiều, chỉ 1- 2%, không đáng là bao, vấn đề là làm nhiều hay làm ít. Bây giờ mình phải có những bể chứa trung gian để chứa nước mỗi khi mưa đổ xuống để chống ngập, sau đó chúng ta có thể chủ động điều tiết nguồn nước này để tưới tiêu cho nông nghiệp hoặc điều hòa khí hậu… thậm chí dùng cho cả chăn nuôi.
Chúng ta có thể hoàn toàn làm được, ngay cả có thể làm những bể rất lớn trên tầng thượng, tận dụng nước mưa đổ xuống có thể nuôi cá. Tôi hi vọng trong tương lai, những người xây dựng hoặc những hộ gia đình có thể làm được, như vậy sẽ giải quyết không chỉ vấn đề chống ngập đường phố mà còn giải quyết được nhiều việc khác.
Làm những công trình như vậy sẽ đỡ tốn kém, mà giải quyết vấn đề tốt hơn. Hiện nay, chúng ta cứ chờ những công trình 8 đến 10 nghìn tỷ đồng nhưng không biết bao giờ mới hoàn thiện. Còn tôi thì nghĩ “mỗi người tiêu một ít”, chúng ta lấy sức dân là chính, khó trăm bề dân cũng làm được. Đừng chỉ mong chờ những công trình nghìn tỷ, chúng ta hãy tự làm để giải quyết vấn đề cho mình.
Ông đi nhiều TP lớn trên thế giới và trong khu vực, theo ông họ có phải đương đầu với tình trạng như ở Hà Nội? Chúng ta có thể học hỏi được từ họ những gì để chống ngập hiệu quả hơn?
- Tôi thấy ở châu Âu người ta cũng có những dòng sông chạy trong TP như sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch của mình. Tuy nhiên, người ta có hệ thống phân tầng rất rõ. Dưới dòng sông là dòng nước thải, phía bên trên họ thiết kế hệ thống dòng nước mưa. Nghĩa là trên mặt là nước bình thường, dưới ngầm là dòng nước thải sâu 7 – 15m. Cho nên nước trên mặt lúc nào cũng chảy trong mát, hai bên là hàng cây, bờ kè rất đẹp. Cách làm này nhiều nước đã làm, còn mình thì chưa làm được.
Tôi nghĩ, hiện tại, dưới hầm để xe ô tô tại các khu chung cư, khu đô thị của chúng ta có thể xây thêm một hệ thống ngầm sâu 8 – 10m thì chắc chắn sẽ thoát được nước. Việc này, rất nhiều nước trên thế giới từng bị ngập nước đã sử dụng biện pháp này và rất hiệu quả.
Được biết, tại Tokyo (Nhật Bản) họ áp dụng hệ thống thoát nước rất thành công. Cụ thể, họ có các bể nước hình trụ thẳng đứng và 5 trụ chứa nước trong lòng đất, mỗi trụ có chiều chiều sâu 70m, đường kính 30m, hệ thống cống thoát nước nối với các trụ dài hơn 6km và nằm sâu 50m so với mặt đất. Sau khi nước từ 5 bể chứa được dẫn đến bể bơm, áp lực có kích thước lớn hơn cả một sân vận dộng sau khi nước được thu về bể thì nước được bơm ra sông. Đây là một công trình khổng lồ trong lòng đất. Vậy theo ông, mình có nên học hỏi và làm theo?
- Phải làm như vậy. Nhưng tôi vẫn cho rằng các khu chung cư, khu đô thị làm một hay hai bể trung gian dự trữ, thoát nước như thế cụ thể, nhanh và đồng bộ cũng dễ xử lý hơn. Nếu đưa được cái này vào bộ tiêu chuẩn bắt buộc với các chủ đầu tư khi xây các khu chung cư, tôi nghĩ cũng đã giải quyết được phần nào tình trạng úng ngập của Hà Nội hiện nay.
|
Người dân khốn khổ mỗi khi Hà Nội biến thành "Hà Lội" sau mỗi cơn mưa. (Ảnh: Thành An) |
Thưa ông, chúng ta đã nói đến rất nhiều các giải pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là tư duy của người đứng đầu. Có phải chính tư duy nhiệm kỳ đã ảnh hưởng nặng nề về quy hoạch tổng thể, chiến lược dài hơi về việc tiêu thoát nước không?
- Nếu chúng ta có quy hoạch tổng thể rồi mới làm chi tiết; chúng ta nhất quát từ trước đến sau, đã vạch ra ngay từ đầu thì sẽ ổn thôi.
Hiện nay, càng ngày tính công khai, minh bạch, đẩy lùi thất thoát lãng phí được dư luận quan tâm và kênh thông tin phản ánh nhiều thì việc này sẽ được giải quyết tốt hơn, người ta sẽ công tâm hơn, những người công tâm rồi thì công tâm hơn nữa, người chưa thì phải thấy trách nhiệm của mình, trách nhiệm của “người làm công ăn lương”.
Tôi hi vọng với công cuộc đổi mới như hiện nay, với những tuyên bố mạnh mẽ, tuyên ngôn rõ ràng thì việc thoát nước sẽ tốt hơn. Nước thoát mạnh hơn, thoát một cách hợp lý và phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Thành phố Tokyo (Nhật Bản) từ lâu đã áp dụng hệ thống thoát nước rất thành công. Đó là kiểu hệ thống thu gom nước từ khu dân cư tới các bể chứa nước hình trụ thẳng đứng, sau đó nước được bơm ra sông. Hệ thống gồm 5 trụ chứa nước trong lòng đất, mỗi trụ có chiều cao 70m, đường kính 30m và hệ thống cống thoát nước nối các trụ chứa nước dài 6,3 km, nằm sâu 50m so với mặt đất và có đường kính 10m. Nước từ 5 bể chứa này được dẫn tới bể bơm áp lực có kích thước lớn hơn cả một sân vận động. Sau khi nước được thu về bể, người ta sẽ bơm nước ra sông.