Chuyện cầu mưa của “Trạng Lợn” khiến nhà Minh khâm phục

Google News

(Kiến Thức) - Nguyễn Nghiêu Tư đỗ trạng nguyên khoa thi Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa 6 (1448), đời vua Lê Nhân Tông. Ông được dân gian yêu mến gọi là “Trạng lợn”. Bằng tài năng ngoại giao của minh, ông đã khiến nhà Minh nể phục khi đi sứ.

Tọa lạc ở thôn Hiền Lương, xã Phù Lương (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), có một ngôi đền nằm giữa cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngôi đền thờ phụng thờ tôn vinh một danh nhân khoa bảng có công lớn với đất nước được sử sách ghi nhận với nhiều giai thoại thú vị – Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư hay “Trạng lợn” theo cách gọi của dân gian.
Theo sử liệu và tư liệu của thôn Hiền Lương (xã Hiền Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) còn lưu giữ đến bây giờ, Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư có tên húy là Nguyễn Trư, hiệu là Tùng Khê, người thôn Minh Lương ( nay là thôn Hiền Lương).
Chuyen cau mua cua “Trang Lon” khien nha Minh kham phuc
 Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư có tên húy là Nguyễn Trư, có cha làm nghề thịt lợn, lại sinh vào tháng 10, tức tháng Hợi, nên gọi là “cậu Lợn”. Với những đóng góp to lớn, ông được gọi bằng cái tên trìu mến: "Trạng Lợn".
Nguyễn Nghiêu Tư vốn là người thông minh sáng dạ nhưng mồ côi cha mẹ từ nhỏ và phải đi làm thuê cho các nhà giàu ở thôn (Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du). Tại đây, ông được tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên quý mến nên đón về nuôi dạy.
Không phụ công nuôi dạy của tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên, trong kỳ thi đình, vua đích thân ra đề văn sách, hỏi về lễ nhạc, hình, chính, Nguyễn Nghiêu Tư đỗ trạng nguyên khoa thi Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa 6 (1448), đời vua Lê Nhân Tông.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Nghiêu Tư có cha làm nghề thịt lợn, lại sinh vào tháng 10, tức tháng Hợi, nên gọi là “cậu Lợn”. Với những đóng góp to lớn, ông được gọi bằng cái tên trìu mến: "Trạng Lợn".
Theo lưu truyền, vào năm 1459, Nguyễn Nghiêm Tư được giao đi sứ sang nhà Minh. Khi vào yết kiến, vua Minh muốn thử tài sứ thần nên ngầm sai trang hoàng cung quán lịch sự, rồi cho viết hai chữ “kính thiên” treo ở giữa. Sau đó, vua Minh lại cho bày đôi sập thất bảo rất cao, xung quanh bày nghi vệ sang trọng, như chỗ giường ngự của thiên tử để xem trạng có dám ngồi đó không?
Khi sắp đến yến tiệc, họ đưa trạng và phó sứ dạo thăm cung điện rồi mới đưa đến đấy. Trạng bèn bảo phó sứ cùng ngồi lên sập thất bảo. Thấy vậy, một viên quan nhà Minh ra hạch rằng: “Cớ sao sứ lại vô lễ đến như vậy? Không trông lên trên kia xem, chỗ này là chỗ nào mà dám nhảy lên ngồi chễm chệ ở đấy?”.
Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư bình thản trả lời: “Dám thưa, ngài lấy tội gì mà cho sứ thần là ngạo? Tôi thấy biển đề chữ “kính thiên”, chiết tự ra là “kính nhị nhân” (chữ thiên là trời, tách ra hai chữ nhị và nhân, tức là hai người) thực hẳn là ý bản quốc muốn đem cái ngôi này mà hậu đãi sứ thần xa lại. Ngài dạy thế, chúng tôi quyết không chịu. Vả lại nghe cổ nhân có nói: Đãi người phương xa cốt lấy bụng thực. Tôi nghe thánh triều lấy thành tín đãi người ngoại quốc. Thế mà, người phương xa tới lại đem cái bụng trí thuật làm oai. Tôi sợ người ta nghe tiếng, dẫu có lòng thực hướng mộ, cũng sinh nghi mà không lại nữa”.
Viên quan nhà Minh thấy trạng nói như đã rõ ruột gan từ trước, vội vàng lạy tạ mà rằng: Xin quý ngài xá lỗi! Nghĩ là buổi ban đầu, thử xem có phải bậc tài giỏi không thôi. Nhưng quý ngài quả là bậc thông minh, đã giỏi mà còn biết trước được như thế còn hề chi?
Một lần, sứ nhà Minh muốn đọ trí cao thấp, bèn xin với vua Lê cho mở hội đánh cờ. Vua Lê lấy làm lo ngại, bèn cho mời Trạng đến để hỏi mẹo. Trạng thưa: “Cứ phúc thư nhận lời, định ngày hội đấu. Hạ thần xin dâng người cao cờ. Người ấy họ Nguyễn, hiện đang giữ chức Thị lang”. Đến ngày hội đấu, Trạng xin đem bàn cờ đặt trong sân rồng để vua Lê đọ trí với sứ nhà Minh và ghé tai vua: Cứ thế, cứ thế. Rồi đem lọng dùi thủng một lỗ, sai Thị lang đứng che lọng cho vua. Đến lúc thi đấu, Thị lang xoay lọng, bóng nắng chiếu vào chỗ nào thời vua nhấc quân đi vào chỗ đấy. Quả nhiên, sứ nhà Minh bị chiếu dồn, không nước gỡ, phải bó gối, chịu thua.
Thua keo này bày keo khác, sứ nhà Minh bèn nghĩ mẹo, cho bào nhẵn cây gỗ, gốc ngọn bằng nhau, rồi cho sơn đen toàn thân cây đề ba chữ trắng vào cây gỗ rằng “Hồ bất thực”. Hỏi quần thần không ai đoán được. Hỏi Trạng, Trạng ứng khẩu tức thì: Hồ bất thực là cáo chẳng ăn. Cáo chẳng ăn thời cáo đói. Cáo đói thời cáo gầy. Cáo gầy là cây gạo! Không tin bổ cây gỗ mà xem.
Bổ ra quả là gỗ gạo. Thấy thế, sứ nhà Minh mồ hôi tuôn ra như tắm mà than rằng: Người nước Nam tài giỏi như vậy, còn lấy trí thuật mà đấu thế nào được!
Ngày ấy, ở Trung Quốc hạn hán kéo dài, nhân có Trạng Lợn sang thăm, vua Minh mời Trạng cầu đảo để thử tài. Trạng Lợn nhận lời, yêu cầu dựng đàn uy nghiêm để ông cầu đảo. Mục đích là để kéo dài thời gian. Khi thấy cỏ gà lang, Trạng bèn lên đàn làm lễ, ông khấn theo cách nói lái: Hường binh, hòa binh, tam tinh, kẹo tinh, bát tinh, linh tinh tinh... Vua Minh nghe thấy khiếp đảm, bái phục Trạng Lợn uyên thâm, tỏ tường thiên văn, thuộc hết ngôi thứ các vị tinh tú trên trời. Khóa lễ vừa xong, lập tức mưa như trút nước, khiến vua Minh đã phục lại càng phục hơn.
Khi Nguyễn Nghiêu Tư về, vua thấy ông có công lớn với xã tắc, bèn gia phong là “Thượng quốc công Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư”, mà dân gian quen gọi với hai tiếng thân thương “Trạng Lợn” - một người nổi tiếng hiếu học, ham hiểu biết, ứng đối thông minh, thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư cũng là một minh chứng, một trong những nhà ngoại giao kiệt xuất của nước ta ở thế kỷ XV, nhất là việc giao tiếp, ứng đối với sứ giả nhà Minh.
H.N

>> xem thêm

Bình luận(0)