Chưa tin tưởng số liệu báo cáo
Thảo luận ở hội trường Quốc hội về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 sáng 14/11, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) cho biết, ông chưa thực sự tin tưởng vào số liệu thống kê của các tỉnh thành về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo.
Lý do theo ông Nhưỡng đưa ra, là do số liệu này được thống kê dựa trên cơ sở lăng kính của cơ quan giải quyết chứ chưa thực sự có trọng tài để xác định xem số này là đúng hay sai.
|
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. |
“Tại sao trong số khiếu nại sai này người ta vẫn tiếp tục khiếu nại, vẫn dai dẳng? Câu hỏi đặt ra là như thế nào?”, ông Nhưỡng đặt câu hỏi và cho rằng, cần phải có sự giám sát chặt chẽ hơn của Quốc hội đối với con số mà khiếu nại vừa đúng vừa sai và khiếu nại sai này.
Nói về việc giải quyết các vấn đề đơn thư cá nhân, theo ông Nhưỡng, trong 2 năm vừa qua có rất nhiều đơn cùng gửi đến nhiều các đồng chí lãnh đạo từ trên xuống dưới, gửi rất nhiều các loại cơ quan, tòa án cũng có, kiểm sát cũng có, Chính phủ có, công an có.
“Bây giờ, làm như thế nào để chúng ta có thể xử lý được các số liệu này?:, ông Nhưỡng đặt câu hỏi và nói rằng: “Chỗ nào cũng thống kê nên đã đẩy số liệu thống kê lên. Đề nghị có giải pháp bằng công nghệ thông tin hay giải pháp tổ chức đều được để giải quyết vấn đề này. Nếu không các số liệu sẽ rất chồng chất, sẽ có số liệu ảo trong số này”. Bởi vậy, ông rất băn khoăn.
Dân phải ra quán nhậu để tìm Chủ tịch tỉnh
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng bày tỏ băn khoăn và cho rằng phải xem xét lại vấn đề chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Từ chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, chúng ta ngược trở lại một số vấn đề mà các đại biểu đã phát biểu, đó chính là chất lượng tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của công dân.
Cá nhân tôi đã đi một số nơi tiếp xúc với các vụ việc, tiếp xúc với các nhóm cử tri thì người ta không bằng lòng về cách tiếp dân, cách xử lý của cán bộ, có những trường hợp đuổi người ta”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết.
Đặc biệt, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết có nhận được lá đơn của cử tri phản ánh về việc có đồng chí Chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng 9 phút.
“Họ mô tả là nói câu gì, làm động tác gì, cuối cùng họ kết luận là đồng chí đó đi nhậu với một đám khác và người ta đến tận chỗ nhậu đó nhưng họ không chụp ảnh, nếu chụp ảnh đó về đưa lên trung ương thì chúng ta rất khó chấp nhận. 9 phút với một việc mà mấy năm trời người ta theo đuổi”, ông Nhưỡng dẫn ví dụ và đề nghị các đồng chí lãnh đạo trên tỉnh hết sức cảnh giác với các báo cáo của cấp huyện, cấp xã.
“Có những trường hợp các đồng chí không xử lý đến nơi, đến chốn là các đồng chí sẽ bị oan. Bên dưới đã có nhiều trường hợp cấp xã báo cáo lên huyện sai, huyện lại tiếp tục báo cáo lên tỉnh sai, khi trung ương vào cuộc phát hiện ra sai”, ông Nhưỡng nói.
Nhiều lãnh đạo vẫn quan liêu
Ông Nhưỡng kể về việc Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức một đoàn kiểm tra liên ngành vừa phát hiện trong một vụ kiện của ông Lê Hữu Trí mà Tòa án nhân dân tối cao báo cáo rất rõ ràng là vụ việc xử lý đúng pháp luật.
Tuy nhiên, Tỉnh ủy Hà Tĩnh thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành, xác định rõ là Tòa án 2 cấp của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh xử vụ này hoàn toàn áp dụng sai và bằng chứng sai.
“Tôi cho rằng chỗ này tỉnh ủy Hà Tĩnh rất có trách nhiệm nên rất rõ ràng một câu chuyện là nếu không làm hết trách nhiệm với người dân như một số đại biểu đã nói thì bản thân các đồng chí lãnh đạo trên tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc quan liêu, lại đẩy việc lên Chính phủ”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Nhưỡng nói rằng, Chính phủ là cơ quan nhiều việc nhất nhưng lại xử lý đơn, thư của cá nhân ông chuyển đến tốt nhất. Trong khi đó, một số cơ quan khác, xử lý đơn rất chậm.
“Chúng ta từ trước đến nay, nghĩ rằng việc nhỏ nhưng không nhỏ, tất cả các công việc đều có thể là nhỏ hoặc đều có thể là lớn, từ sự việc ở một gia đình có thể dẫn đến sự việc của cả một vùng, của cả một địa phương. Câu chuyện về uy tín thì không thể là câu chuyện nhỏ”, ông Nhưỡng nói.