Chủ quán nhắng Hiền Thiện bắt khách quỳ xin lỗi: Phạm tội làm nhục người khác?

Google News

(Kiến Thức) - Hành vi của chủ quán và nhóm người chửi bới, đe dọa, bắt một cô gái quỳ ở Bắc Ninh đã có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác và tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Tối ngày 19/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Thiện (SN 1973) - chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện ở đường Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh về tội làm nhục người khác.
Nguyễn Văn Thiện bị khởi tố bắt giam do có hành vi doạ nạt, chửi bới, bắt một cô gái quỳ gối do dám chê đồ ăn ở quán Thiện làm chủ có giun sán trên mạng xã hội.
Trước đó, dư luận phẫn nộ khi một đoạn clip đăng tải lên mạng sáng 19/8 ghi lại cảnh Thiện cùng nhiều người khác bắt một cô gái quỳ trong quán. Cô gái bị bắt quỳ từng đến quán Nhắng nướng Hiền Thiện ăn đồ nướng và phát hiện giun sán trong miếng lòng non của lợn. Cô gái đã phản ánh đến nhân viên nhưng không được chú ý sau đó vẫn phải trả tiền. Do bức xúc, cô gái đã đăng tải thông tin sự việc nên mạng xã hội. Sau đó bị chủ nhà hàng yêu cầu đến quán, quỳ và xin lỗi.
Chu quan nhang Hien Thien bat khach quy xin loi: Pham toi lam nhuc nguoi khac?
 Quán Nhắng nướng nơi xảy ra vụ việc.
Lãnh đạo Công an TP Bắc Ninh cho biết, đơn vị đang lấy lời khai của những người liên quan để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.
Phạm tội làm nhục người khác
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi ứng xử của chủ quán không đẹp với khách hàng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Đáng lên án hơn, trước mặt nhiều người, thậm chí biết hình ảnh đang được livestream lên mạng xã hội để nhiều người cùng theo dõi. Thiện vẫn bắt cô gái phải quỳ gối xin lỗi, thậm chí chửi bới, dọa nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cô gái. Hành vi đó đã xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của công dân.
Do đó, hành vi của Nguyễn Văn Thiện đã làm cô gái bị hạ nhục ở chỗ đông người, tổn thương tới tâm lý, danh dự, nhân phẩm và lòng tự trọng, có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác. Do đó việc cơ quan Công an khởi tố về tội làm nhục người khác đối với Nguyễn Văn Thiện là chính xác.
Chu quan nhang Hien Thien bat khach quy xin loi: Pham toi lam nhuc nguoi khac?-Hinh-2
 Hình ảnh về vụ việc trên.
Theo quy định của tội làm nhục người khác được quy định tại điều 155 BLHS, Khoản 1 quy định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.
Về nữ khách hàng, luật sư Cường cho rằng, cũng có một phần lỗi do góp ý thiếu tế nhị. Đáng lẽ nên thẳng thắn góp ý, làm việc với chủ quán trước khi đăng thông tin bóc “phốt” lên mạng xã hội. Bởi việc quán có mất vệ sinh an toàn thực phẩm hay không còn phải kiểm tra từ các cơ quan chức năng nhưng nếu bị đăng tải lên mạng, việc kinh doanh của quán sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Thậm chí, nếu có căn cứ xác định, nữ khách hàng tung tin không đúng sự thật, bị xúi giục để “chơi xấu” quán cũng có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Quá trình điều tra, xác minh cơ quan công an sẽ làm rõ bản chất, tính chất của vụ việc.
Dấu hiệu của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật? 
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, hành vi của người đàn ông trong clip có thể bị xử lý hình sự.
Luật sư Thơm cho biết, điều 20 của Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Điều 34 Bộ luật dân sự “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
Do đó, liên quan sự việc một phụ nữ bị một nhóm người của nhà hàng chửi bới, đe dọa, bắt quỳ, luật sư Thơm cho rằng cần thiết phải được các cơ quan chức năng làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật nếu đúng như sự việc xảy ra trên thực tế như vậy.
>>> Mời độc giả xem clip cô gái trẻ quỳ trong quán ăn:
  
Luật sư Thơm nêu ý kiến, theo nội dung clip, người đàn ông chủ quan cùng một số người đã có hành vi bắt ép cô gái trẻ về nhà hàng, bắt quỳ gối xin lỗi, chửi rủa, lăng mạ danh dự nhân phẩm và livestream đưa lên mạng xã hội.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Thơm cho rằng, hành vi của các đối tượng đã xâm phạm đến 2 khách thể Bộ luật hình sự bảo vệ đó là nhân phẩm, danh dự và quyền tự do thân thể của công dân. Hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội Làm nhục người khác và tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 và khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự.
Chu quan nhang Hien Thien bat khach quy xin loi: Pham toi lam nhuc nguoi khac?-Hinh-3
 Lực lượng chức năng làm việc tại quán Nhắng nướng Hiền Thiện tối 19/8.
“Đáng lẽ ra với việc phản ánh của cô gái khi đồ ăn của nhà hàng kém chất lượng thì chủ quán và nhân viên phải xem xét lại đồ ăn và phản ánh của khách hàng để phục vụ tốt hơn. Tuy nhiên, đáng tiếc chủ quan và mọi người lại có hành vi ứng xử rất thiếu hiểu biết pháp luật khi cho người đi tìm, bắt ép cô gái đưa về quán để chửi rửa thậm tệ, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm người khác” – luật sư Thơm cho hay.
  Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)